1/Từ rất sớm, thành phố Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố với các nhà thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Trần Tế Xương, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Huy Tự, Mai Am…
Ngày 14/12/2023, HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 106/2023/NQ-HĐND về việc đặt tên một số đường trên địa bàn thành phố năm 2023. Theo đó, Đà Nẵng đặt tên 146 tuyến đường trên địa bàn toàn thành phố, trong đó có tên đường Thâm Tâm. Đây là cung đường đẹp trong lòng phố thị, có điểm bắt đầu là đường 7,5 m, điểm cuối là đường 15 m, mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 710 m; bề rộng 7,5 m; vỉa hè mỗi bên rộng 3,5 m. Đường được đặt tại Khu Võ Chí Công nối dài (Khu đô thị biệt thự sinh thái, Công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Hiện nay đây là khu đô thị mới bình yên, người dân sinh sống trên phố Thâm Tâm bày tỏ niềm vui, tự hào vì được gắn tên nhà, tên phố với cung đường đẹp, rộng rãi mang tên nhà thơ Thâm Tâm.
![]() |
Một góc đường Thâm Tâm tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.Ảnh: ANH ĐÀO |
Chúng tôi tìm về khu đô thị Hòa Quý và mở rộng đô thị ven sông Hòa Quý, ngang qua phố Thâm Tâm, chừng như những câu thơ nổi tiếng một thời của nhà thơ Thâm Tâm lại vang lên, vọng đến, đầy xúc cảm: “Đưa người, ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” (Tống biệt hành). Bài thơ này đã từng được phổ nhạc thành bài hát cùng tên, được nhiều người mến mộ. Lần theo dòng xúc cảm ấy, chúng tôi hiểu thêm về một tấm lòng nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Thâm Tâm.
2/Theo đánh giá của nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng: Đà Nẵng là một trong những địa phương rất chú trọng đến việc lựa chọn, đặt tên đường đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức có nhiều đóng góp to lớn đối với đất nước nói chung, quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, từ rất sớm. Đặt tên đường là cách người Đà Nẵng vinh danh các danh nhân có nhiều công lao đóng góp cho địa phương và đất nước. Sau năm 1975, nhất là sau năm 1997, hạ tầng đô thị của Đà Nẵng phát triển mạnh, số lượng đường phố tăng lên nhanh chóng, tạo điều kiện để người Đà Nẵng vừa lưu giữ ký ức qua việc đặt tên đường phố bằng các địa danh cổ vừa tiếp tục vinh danh các danh nhân có nhiều công lao với đất nước qua việc đặt tên đường phố.
“Cùng với tên đường phố gắn với nhiều tên tuổi những nhà chính trị/chí sĩ yêu nước và văn nghệ sĩ cả nước, nhà thơ Thâm Tâm đã ở lại Đà Nẵng, bằng tên đường này. Việc đặt tên đường nhà thơ Thâm Tâm, thêm một lần nữa làm giàu thêm các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất văn hóa-di sản Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng”, nhà nghiên cứu, dịch giả Bùi Xuân nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng, bày tỏ: Dạo chân trên đường phố Đà Nẵng ngày nay, nhiều cư dân bản địa và du khách thập phương không chỉ có thể hồi tưởng và tri ân thành tựu nghệ thuật của các văn nghệ sĩ quá cố qua bảng tên đường, mà còn có thể trực tiếp ghi nhận và ngưỡng mộ thông điệp thẩm mỹ của các thế hệ nghệ sĩ tạo hình - từ những người chỉ còn để lại dấu vân tay cho đến những người vẫn đang tiếp tục sáng tạo cái đẹp cho đời - qua không ít công trình kiến trúc cùng các bức phù điêu và các pho tượng dọc theo những con phố hay trong những quảng trường, và thậm chí vào một đêm đẹp trời nào đó còn có thể thưởng thức tài năng biểu diễn của các nghệ sĩ hát bội đang đưa tuồng xuống phố.