Từ thêu ren đến… tranh sơn mài
Căn nhà nhỏ nằm im lìm trên tầng 2 khu tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội, vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, họa sĩ cho chúng tôi xem những tấm vóc khổ lớn, ngày qua ngày, chị vẽ rồi ủ, vẽ rồi ủ. Lật giở nhẹ nhàng những “đứa con tinh thần”, chị cho chúng tôi xem nào tranh sơn mài vẽ về đề tài miền núi, miền biển, vẽ phụ nữ và trẻ em, tranh vẽ phong cảnh vùng cao…
Chị nói “Sơn mài độc đáo là bởi mình không thể sao chép. Khi làm xong bức tranh này, mặc dù mình rất thích chất của nó và muốn làm lại một bức giống như thế nhưng chính mình cũng không làm lại được. Nhiều khi đó là sự ngẫu nhiên, cùng một chất liệu, cùng một cách làm nhưng phụ thuộc vào thời tiết, độ ẩm mà có thể làm ra những mầu son khác nhau. Cùng một họa sĩ nhưng mỗi góc quan sát, mỗi cảm hứng khi sử dụng mầu son lại cho ra những tác phẩm hội họa với các mảng mầu sắc lấp lánh khác nhau”.
Phạm Ngọc Mỵ sinh năm 1981, ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Nam Định, bố là thương binh còn mẹ làm công việc thêu ren xuất khẩu. Ngày bé, chị vẫn thường phụ mẹ vẽ mẫu thêu ren, cặm cụi, tỉ mẩn và thích thú lúc nào không hay. Nhiều hàng mẫu, Ngọc Mỵ đã có thể tự làm cho mẹ, với những mầu sắc, hình khối khác nhau. Sau mỗi lần như vậy, chị thường ghi chép, vẽ lại những hình họa đó trong cuốn sổ tay nhỏ. Chặng đường học mỹ thuật của chị kéo dài hơn 10 năm, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và tiếp tục thi vào Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, sau đó lại học luôn cao học.
Gắn bó với sơn mài từ khi tốt nghiệp đến nay đã gần 20 năm. Trên những bức tranh sơn mài của chị, vẫn là sơn cánh gián, sơn then, vàng, bạc, son cùng vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc… gần gũi, thân thuộc nhưng người xem cảm nhận được nội lực mạnh mẽ qua những đường nét hội họa, lúc mượt mà, trầm bổng, lúc dứt khoát, mạnh mẽ. Họa sĩ, Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên nhận định: “Son trai, son tươi, son thắm, son nhì, mỗi nét son đều đi vào sáng tác của họa sĩ như một lẽ tự nhiên. Khoảng cách về không gian và thời gian không ngăn được bước chân lãng du của cô họa sĩ nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực và nhiệt huyết”.
Đáng chú ý là những bức tranh đặc tả trẻ em vùng cao, với đôi mắt sáng đượm chút mơ màng, là những người phụ nữ trong buổi chợ phiên với cảnh mua bán tấp nập, xa xa bao trùm những ngọn núi phủ trắng tuyết; là màn sương giăng buổi sớm vùng sơn cước được đặc tả bằng tông mầu son mê hoặc lạ lùng với bước chân du khách, đắm chìm trong màn sương lung linh.
“Tôi thích đi miền núi”
Phạm Ngọc Mỵ dành nhiều tâm sức cho những bức tranh chủ đề dân tộc, miền núi. Từ những năm tháng tuổi trẻ, chị thường đi cùng bạn bè, đồng nghiệp về vùng cao, trực tiếp ký họa, trực họa bằng bột màu, như một cách lưu lại tình cảm của mình trong những khoảnh khắc khó quên. Bên cạnh những tác phẩm phong cảnh, những bức vẽ chân dung về đồng bào miền núi không chỉ đơn thuần là màu, hình, đường nét mà còn chứa đựng nhiều tình cảm của tác giả, những triết lý nhân sinh, những suy tư về cuộc sống và tình yêu, thân phận con người. “Tôi thích đi miền núi, mong muốn được ghi lại những khoảnh khắc con người trong lao động. Khi lên vùng cao, tôi ấn tượng với cảnh vật và con người nơi đây, lúc nào cũng sẵn sàng cầm bút để ghi lại tất cả những góc cạnh bình dị và thể hiện trên mặt tranh. Hình ảnh những người phụ nữ, những em bé dân tộc, những phiên chợ vùng cao, những con ngựa thồ… khiến cho tôi xúc động bởi sự chân chất, nét đặc trưng của từng vùng miền”, Phạm Ngọc Mỵ nói.
Từ thời sinh viên, chị đã vẽ tranh bán và làm gia sư. Khi ra trường, chị tham gia giảng dạy mỹ thuật tại Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và Trường đại học Hòa Bình, dạy vẽ cho trẻ em vào dịp cuối tuần. Giữa bao nhiêu khó khăn, lo toan cuộc sống gia đình nhưng chị vẫn theo đuổi công việc sáng tác. Tranh thủ thời gian về đêm, lúc độ ẩm không khí cao hoặc những khi trời nồm, ẩm, có những ngày vẽ quên ăn, quên ngủ. Mùa mưa thì vẽ 14-15 tiếng/ngày, mùa hanh khô thường vẽ buổi tối và đêm đến 3-4 giờ sáng. Những khi phải khiêng vóc vào nhà ủ ẩm, chị phải nhờ đến sự hỗ trợ của người thân. Ban đầu là vẽ tranh nhỏ, dần dần, niềm cảm hứng với tranh khổ lớn thôi thúc, Phạm Ngọc Mỵ đã quyết định chuyển sang vẽ tranh khổ lớn, có những bức đến 1,6mx2,4m. Những lúc đó, chị cảm thấy như được đối thoại với những đứa con tinh thần, với cảm giác tự do, phóng khoáng.
Chầm chậm đi từng bước để cảm nhận cảm xúc lan chảy đến từng mảng màu, đường nét, Phạm Ngọc Mỵ xem hội họa như một hành trình, như dòng sông không ngừng chảy về phía trước và hạnh phúc ở trên chính con đường mình đi.