Nuôi khát vọng Đông A

Từng vẽ minh họa cho 5.000 bìa sách, trước khi bước vào lĩnh vực xuất bản, với tư cách là người làm sách, Trần Đại Thắng tiếp tục nuôi ước mơ làm nên những ấn bản đẹp, vừa cập nhật thị trường, kinh nghiệm làm sách của thế giới, vừa gửi gắm chất Việt trong những ấn bản.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Trần Đại Thắng với cuốn “Lịch sử Việt Nam bằng hình” do Đông A phối hợp NXB Đại học Sư phạm ấn hành.
Họa sĩ Trần Đại Thắng với cuốn “Lịch sử Việt Nam bằng hình” do Đông A phối hợp NXB Đại học Sư phạm ấn hành.

1/Từng đến các hội sách lớn ở nhiều nước châu Âu, họa sĩ Trần Đại Thắng dành thời gian tìm hiểu công nghệ, kỹ thuật in ấn, từng mong ước sẽ có một ngày có thể làm nên những ấn bản đẹp, công phu, vừa đẹp về hình thức, vừa hấp dẫn về nội dung. Ý tưởng ấy đã thành hiện thực bởi trong 10 năm trở lại đây, Đông A đã xuất bản nhiều ấn phẩm chất lượng.

Cách đây 4 năm, một số nhà xuất bản và đơn vị làm sách từng lưu tâm cho ra đời những ấn bản sách - Picture Book, nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, tạo nên một xu hướng mới trong việc đọc và thưởng thức tác phẩm hội họa được vẽ bằng tay rất cầu kỳ. Tuy nhiên, “cơn sốt” sách đặc biệt ấy không được bao lâu bởi việc đầu tư làm dòng sách này thật sự tốn kém. Khoảng 2 năm gần đây, dòng sách đặc biệt- sách nghệ thuật dần biến mất trên thị trường, Đông A gần như là đơn vị còn lại vẫn miệt mài theo đuổi việc làm nên những ấn phẩm đẹp, có giá trị sưu tầm cao. Nhà báo Đỗ Hiền, Tạp chí tri thức Znews cho biết: Trên thế giới có dòng sưu tầm những ấn phẩm đặc biệt, với những cuốn sách được làm thủ công. Trong thời đại kỹ thuật số, khi mọi thông tin để phục vụ nâng cao dân trí đều có sẵn và miễn phí trên mạng, tạo ra thách thức không nhỏ cho ngành xuất bản. Việc xuất bản sách phổ thông gặp không ít khó khăn và đối với một thị trường ngách như sách đặc biệt, những người thực hiện phải chấp nhận đó là cuộc phiêu lưu. Tuy nhiên, với tình yêu, niềm đam mê những ấn phẩm đẹp, sự trân trọng văn hóa, cho đến nay họa sĩ Trần Đại Thắng đã tạo nên thương hiệu sách “Đông A”, dẫn đầu và định hình, tạo nên một dòng sách đẹp, quý, hiếm, đồng thời tạo ra văn hóa chơi sách, sưu tầm những ấn bản thủ công.

2/Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường sách chưa có nhiều khởi sắc, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản nhằm nắm bắt nhu cầu độc giả cũng được chú trọng, mở ra cách tiếp cận mới với công chúng, bên cạnh sách giấy. Ngành xuất bản đang thực hiện chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tạo ra những trải nghiệm mới cho người dùng, từ việc mua bán đến thưởng thức ấn phẩm trên nhiều nền tảng khác nhau. Câu hỏi đặt ra là: Điều còn lại của xuất bản sách in là gì? Một trong những hướng đi ấy phải là Sách nghệ thuật, sách thủ công - những ấn bản đặc biệt, có giá trị sưu tầm. Sau những ấn bản đặc biệt như “Văn mới năm năm đầu thế kỷ”, “Hà Nội băm sáu phố phường & Gió đầu mùa” (Thạch Lam), “Thương nhớ mười hai” (Vũ Bằng)… họa sĩ Trần Đại Thắng và Đông A đang chuẩn bị ra mắt ấn bản “Truyện Kiều”, bìa sách bằng sơn mài và ruột được in thủ công trên giấy dó, dự kiến sẽ phát hành đầu năm 2025, với khoảng 105 bản.

“Để làm được việc này, chúng tôi đã mua những chiếc máy cổ từ nước ngoài về để phục vụ cho công tác in ấn. Bên cạnh đó, chúng tôi về làng nghề tại Bắc Ninh để đặt làm giấy dó, đúng bằng kích thước cuốn sách. Vì giấy dó có diềm, xơ, không tờ nào giống tờ nào nên khi in phải chỉnh từng tờ một để nó vào khuôn. Cảm xúc khi được sờ lên từng con chữ rất thích thú và khi ấy bạn sẽ cảm nhận được giá trị của cuốn sách ấy, với giá trị thẩm mỹ”, họa sĩ Trần Đại Thắng chia sẻ. Như vậy, việc làm sách thủ công được tiến hành trên quy mô toàn diện, từ việc tuyển chọn những người thợ lành nghề cho đến việc chọn và xử lý nguyên liệu, kỹ thuật in để làm nên một ấn bản.

Yêu sách từ nhỏ, họa sĩ Trần Đại Thắng có thể nhịn ăn để mua sách; từng đạp xe hàng chục cây số xuống những hiệu sách lớn ở Hòa Bình và Hà Nội đọc ké sách.

3/Ấn tượng về một cuốn sách “made by Việt Nam” phải là nội dung và hình thức. Đó là nội dung khiến bạn bè thế giới muốn biết về Việt Nam, mang thông điệp quảng bá hình ảnh một dân tộc có bề dày lịch sử, có chiều sâu văn hóa. Còn về hình thức, cuốn sách ấy sử dụng chất liệu địa phương, từ các làng nghề như giấy dó, sơn mài, gốm… thể hiện tiếng nói riêng, mang dấu ấn bản địa. Đó là “Sự khác biệt trong những ấn phẩm “Made by Viet Nam” khởi nguồn từ lòng tự ái dân tộc”, như chia sẻ của nhà văn, nhà báo Yên Ba (NXB Hội Nhà văn) khi nói về Trần Đại Thắng.

Còn một người bạn thân thiết như anh Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty sách Long Minh thì làm sách thủ công, sách nghệ thuật cũng cần chữ “Duyên”, bởi “Trần Đại Thắng là người hiểu thị trường thế giới, cập nhật tri thức làm sách và có khát khao để học liên tục”. Nhưng có lẽ, nền xuất bản nước nhà cần nhiều hơn một Trần Đại Thắng, để tạo nên có những ấn phẩm chất lượng, có thể tự hào trưng bày ở các hội chợ sách quốc tế.