Mãi dâng đời bài ca phương nam

Thuở nhỏ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được hai thầy là hai nhạc sĩ Lê Thương và Phạm Duy Nhượng dạy văn hóa. Biết ông muốn học viết nhạc, hai thầy khuyên nhạc sĩ cố gắng trau dồi học vấn. Hai người thầy cho rằng, môn âm nhạc rất trừu tượng, rất “siêu phàm”, nó chỉ hạp với “tâm linh” một số người.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ký tặng sách cho đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Ảnh: TRỊNH BÌNH
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ký tặng sách cho đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Ảnh: TRỊNH BÌNH

1/Sau này, khi đất nước thống nhất, Lư Nhất Vũ gặp lại thầy Lê Thương thì được ông bắt tay chúc mừng: Ai dè tâm linh của trò cũng hạp với nghề âm nhạc! Trong thời gian này, nhạc sĩ có quen một người anh làm cách mạng. Anh này chép cho ông một số bài thơ. Ông liền đóng một cuốn sổ đẹp, chép gò từng nét chữ những bài thơ đấu tranh và không quên nắn nót vẽ cờ đỏ búa liềm ở ngay trên đầu.

Những dòng thơ cách mạng hừng hực lửa ấy đã thôi thúc ông viết ra những câu thơ đầu tiên. Để rồi một ngày ông nhận thông tin báo Dân Ta ở Sài Gòn đăng bài thơ “Mồ chiến sĩ” của ông với bút hiệu Lư Phong: “Tôi nhớ nơi đây mồ chiến sĩ/Dĩ vãng hiên ngang đạp lửa binh/Chí hùng chiến đấu say binh khí/Cản sóng xâm lăng cứu dân lành…”.

Từ bài thơ đầu tiên, ông tiếp tục cho ra đời những bài thơ tiếp theo. Nhưng sáng tác chưa đủ làm ông “đã thèm”, ông bắt đầu khám phá dần thế giới của giai điệu để sau đó không lâu cho ra đời ca khúc đầu tiên của mình mang tên “Bài ca giã từ”. Chủ đề âm nhạc của bài hát này được ông nuôi 26 năm, để đến năm 1978, ông viết nên ca khúc nổi tiếng “Bên tượng đài Bác Hồ”.

Mãi dâng đời bài ca phương nam ảnh 1

Công trình “Tìm hiểu dân ca Nam Bộ” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang.

2/Sau Hiệp định Genève (1954), Lư Nhất Vũ tập kết ra bắc. Từng bị các thầy đánh giá khó thành công với âm nhạc, nhưng ông không nản lòng mà tiếp tục chăm chỉ học tập, rèn luyện để đến năm 1962, ông tốt nghiệp Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), sau đó trở về nam với đứa con tinh thần được sinh trên đất bắc là “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”. Ông về công tác ở Đoàn Ca múa miền nam. Đến năm 1970, ông trở về chiến trường miền nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. Nhạc sĩ Trịnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Long An cho biết, ông từng có thời gian chung đơn vị, là đàn em của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tại căn cứ rừng Tây Ninh. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là một người điềm đạm, sống hồn hậu và luôn quan tâm đến mọi người chung quanh. “Tiếp xúc với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, không chỉ riêng tôi mà tất cả anh em văn nghệ sĩ đều cảm nhận được tấm chân tình của ông dành cho mọi người, nhất là thế hệ đàn em. Điều đó khiến tôi luôn quý mến nhạc sĩ Lư Nhất Vũ”, nhạc sĩ Trịnh Hùng chia sẻ.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ để lại một gia tài đồ sộ với nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại. Nhạc sĩ sáng tác từ ca khúc, ca khúc thiếu nhi, trường ca, hợp xướng đến nhạc cảnh, nhạc múa, nhạc sân khấu, nhạc phim hoạt họa và độc tấu… với nhiều phong cách, tạo ra sự đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ vùng âm nhạc phía nam của đất nước. Cuộc đời sáng tác của ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Khúc hát người đi khai hoang”, “Bài ca đất phương Nam”, “Bên tượng đài Bác Hồ”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Chiều trên bản Mèo”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”…

3/Ông còn có đóng góp trong việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca, cùng với người bạn đời của mình là nhà thơ Lê Giang. Nhiều công trình nổi tiếng của ông gồm: “Tìm hiểu dân ca Nam Bộ” (1983), “Dân ca người Việt ở Nam Bộ”, tập “Ca khúc Lư Nhất Vũ, Nhạc và Đời”, “300 điệu lý Nam Bộ”, “Hò trong dân ca Việt Nam”, “Hát ru Việt Nam”, “Lý trong dân ca người Việt”…

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từng tâm sự trong tác phẩm “Nhạc và Đời” (do ông và nhà thơ Lê Giang chủ biên) rằng, tính ông thường rộng rãi trong tiêu xài, song trong sáng tác tôi hết sức tiết kiệm vốn liếng, dè sẻn các giai điệu. Ông nghĩ rằng, các chủ đề âm nhạc mà mình đã tích lũy được trong chiến tranh không chỉ phải trả giá đắt bằng mồ hôi và nước mắt mà còn đánh đổi bằng máu và mạng sống nữa. Do vậy, người nhạc sĩ không thể trút sạch túi cho một tác phẩm để sau đó mình trở thành bần cùng nghèo túng thậm chí chạy vạy vất vả vay đầu này mượn đầu nọ cho những tác phẩm nối tiếp. Nhạc sĩ cũng nên biết “hạch toán” vốn liếng để tái sản xuất mở rộng, chớ có tham lam, phung phí, xa xỉ chủ đề một cách đại trà.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên thật là Lê Văn Gắt, sinh ngày 13/4/1936 tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông nguyên là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III; Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh (1981), nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (Đợt 1, 2001); Huân chương chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều giải thưởng khác. Ông vừa từ giã cõi đời vào sáng ngày 29/3, hưởng thọ 89 tuổi.