Lên 5, có vai diễn đầu đời với lời thoại vỏn vẹn một từ “Á”, cậu bé Hữu Châu cười rổn rảng khi được nội là bà bầu Thơ của Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga dúi tay đồng cắc đủ để mua kem. Chục năm sau, anh trở thành biên chế hợp tác xã ngay trong đoàn nghệ thuật của gia đình, đi lên từ vô danh.
Qua hết rồi…
Ngày cuối tháng 6, thời tiết nóng ran, đứng trên sân khấu Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh nhìn xuống từng hàng ghế lấp đầy khán giả và rất nhiều đồng nghiệp, học trò, người mến mộ chờ đợi, NSƯT Hữu Châu cúi đầu tri ân. Hôm nay, anh giao lưu nhân dịp ra mắt bút ký chân dung “Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão” (tác giả Thanh Thủy chấp bút, Phanbook và NXB Dân Trí ấn hành), cuốn sách mất 9 năm mới hoàn thành.
Nói về tựa sách, anh mỉm cười, trả lời bằng tông giọng nhẹ nhàng, rằng bản thân biết ơn những sóng gió và cả thương yêu cuộc đời trao tặng. Bởi “Nếu chiếc nôi vàng ngày ấy không giông bão, có khi tôi sẽ hư đốn. Tôi được cưng chiều từ nhỏ nên lắm lúc ta đây. Nếu những biến cố không xảy ra, rất có thể tôi sẽ là một thanh niên phung phí, không biết thương bản thân và gia đình”.
Xuất thân từ dòng tộc lừng lẫy một thời, ai cũng nghĩ, cậu bé Hữu Châu ngày ấy cứ thế nhẹ tênh bước trên con đường nghệ thuật đúng chuẩn “con nhà nòi”. Nhưng không, những mất mát, đau thương, biến cố lớn liên tục xảy ra khiến đoàn hát nổi tiếng dần kiệt quệ rồi tan rã. Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga kết thúc hoạt động vào năm 1985, năm 1986, anh tốt nghiệp trường sân khấu, bước vào giai đoạn cam go nhất cuộc đời. Kinh tế quá khó khăn, nội bán nhà, không còn đại gia đình nữa. Từng một thời là vương tôn công tử, giờ đây, anh cùng mẹ và các em sống trong khu ổ chuột, đến nhà lá còn dựng tạm nhờ vách hàng xóm, dột nát, cùng cực. Chưa quen với cái nghèo, hụt hẫng trước cảnh gia tộc sụp đổ đau thương, nhưng anh biết mình là trụ cột gia đình, phải đứng vững để cả nhà tựa vào, bước tiếp.

Ngày miệt mài với công việc chân tay, thành phố lên đèn, hai anh em Hữu Châu, Hữu Lộc đèo nhau trên chiếc xe cọc cạch đi tấu hài rồi mệt nhoài quay về mái ấm, nơi có má đang lặng lẽ ngồi chờ. Từ diễn lót, diễn đám cưới đến những sân khấu tạm bợ, anh chưa từ chối vai nào, miễn là được sống với nghệ thuật và ánh đèn. Rồi anh về đoàn Kim Cương, Sân khấu 5B, Sân khấu kịch Idecaf và hiện tại là Sân khấu kịch Thiên Đăng, hàng nghìn vai diễn đậm chất “Hữu Châu” ra đời, khắc sâu vào tâm trí người yêu kịch, sau này là điện ảnh.
Cái thời “nghèo vô cùng nghèo” rồi cũng qua đi, anh chắt chiu tiền diễn, cất căn nhà mới tặng má. Hôm tân gia, trả xong tiền thợ thầy, tiệc tùng, túi còn ít tiền lẻ mà chẳng hiểu sao lòng sung sướng nhất đời. NSƯT Hữu Châu trải lòng sau hành trình dài vượt qua bao trầm luân: “Điều khó nhất khi thực hiện cuốn sách này là tôi phải kể như thế nào đây? Kể sao cho mọi người thấy toàn bộ biến cố là bài học. Tôi không muốn lợi dụng tình thương của khán giả đối với những gì xảy ra trong gia đình mình. Chuyện cũ qua rồi. Điều kinh khủng nối tiếp điều kinh khủng, chịu đựng hoài thành quen. Hồi tôi còn trẻ, thầy cô có dạy “Tận cùng của nỗi đau là nụ cười”, nên tôi giữ lại những gì tích cực, vui vẻ nhất”.
Không chỉ dạy nghề, tôi luôn muốn khơi gợi sự thiện lương trong các em. Một khi đã là người thiện lương, chắc chắn các em sẽ trở thành nghệ sĩ hiểu sứ mệnh của mình với cuộc sống, với nhân vật”, NSƯT Hữu Châu bộc bạch.
Một Hữu Châu rất khác
Ngày NSƯT Hữu Châu đồng ý thực hiện sách, nhà thơ Hạnh Ngộ, người chịu trách nhiệm tổ chức bản thảo “Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão” thở phào nhẹ nhõm. Vậy là chị đã thuyết phục được anh sau lần từ chối đầu tiên cách đó vài năm. Nhiều lần đến quán cà-phê quen trò chuyện cùng người nghệ sĩ được hàng triệu người mến mộ, chị thêm bất ngờ vì anh khiêm nhường, nhẹ nhàng đến lạ. Nói tới sân khấu và vai diễn, đôi mắt ấy sáng bừng. Nhưng nhắc về chuyện đời, về những đau thương trong quá khứ, lời nói tựa mặt hồ, không chua xót cũng chẳng than van. Chính Hữu Châu cũng nhận thấy anh miên man, sâu lắng và hiểu mình hơn thông qua cuốn sách lần này. “Sau những cuộc chuyện trò, tôi ấn tượng với hành trình đứng dậy và tự chữa lành của NSƯT Hữu Châu. Tôi luôn tự hỏi anh đã làm gì sau chuỗi dài đau thương mà vẫn có thể yêu đời, vui vẻ đến vậy? Cuốn sách hơn 400 trang với nhiều thông tin về dòng tộc, gia đình và sự nghiệp của anh, nhưng điều chúng tôi muốn gửi gắm nhất vẫn là sự mạnh mẽ từ chính con người khiêm tốn ấy. Ngay cả khi nói về giai đoạn khó khăn nhất đời mình, lời kể của anh vẫn ấm áp, bình thản”, nhà thơ Hạnh Ngộ chia sẻ.
Ngoài hai bức màn nhung sân khấu, nơi NSƯT Hữu Châu thể hiện nhiều tính cách nhân vật trong cuộc gặp gỡ thân tình cùng khán giả, anh còn giữ bức màn nhung khác cho riêng mình. Quay về nhà sau khi trả vai nhân vật, anh lặng lẽ thắp hương trên bàn thờ ông bà, rưng rưng nhìn ngắm chiếc Khánh tổ Dạ Minh Châu, bảo vật của gia tộc, kỷ vật của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga sau bao biến thiên thời cuộc. Với anh, đó là nơi thầm thì, tự thấy mình bình yên, ấm áp. Và NSƯT Hữu Châu còn thấy mình may mắn khi đón nhận sự ấm áp khác từ những học trò do anh dìu dắt suốt bao năm qua. Anh gieo hạt nghề nghiệp, truyền đạt kinh nghiệm, còn học trò gửi trọn cho thầy sự tin yêu, nhiệt huyết của người trẻ. Những bạn trẻ “chân ướt chân ráo” vào con đường nghệ thuật ngày ấy, từng bị thầy rầy la, không cho trả bài vì sai đạo cụ hay chưa chuẩn bị kỹ càng không ít người giờ đã thành danh, khiến anh vui lòng. Với học trò, anh kiệm lời khen nhưng luôn hào phóng cơ hội làm nghề, chỉ cần các em nỗ lực. Anh coi việc dọn đường cho hậu sinh là trách nhiệm quan trọng của người đi trước.