Quận Long Biên có một vị thế khá đặc biệt trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Mảnh đất này nằm giữa nơi phát tích của nhà Lý - đất Ðình Bảng, Từ Sơn - và nơi dựng nghiệp của dòng họ này - kinh đô Thăng Long. Nằm giữa hai trung tâm văn hóa lớn nên tuy là một quận mới, nhưng Long Biên có bề dày văn hóa. Nơi đây là quê hương của danh tướng Lý Thường Kiệt - người có công lớn trong công cuộc đánh Tống, bình Chiêm dưới thời Lý. Ðây cũng là quê hương của Hoàng Phúc Trung - người có công khai phá vùng phía Tây khi nhà Lý mới định đô tại Thăng Long. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi đã chọn đất Bồ Ðề (nay là phường Bồ Ðề) làm đại bản doanh trong những ngày cuối cùng bao vây quân Minh trong thành Ðông Quan... Những dấu ấn lịch sử được lưu giữ đậm nét trong các di tích lịch sử, trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội đình Trường Lâm nổi tiếng với "múa lột rắn", thể hiện truyền thuyết Ðức Linh Lang Ðại Vương (có công đánh Tống thời Lý) khi thác hóa thành bạch xà. Lễ hội đình Lệ Mật được biết đến với múa Giảo long, diễn lại tích xưa Thành hoàng Hoàng Phúc Trung cứu công chúa nhà Lý...
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng đối với quận Long Biên, nhất là khi cả nước hướng đến Ðại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 2004, ngay khi quận Long Biên mới được thành lập, quận mới đã có kế hoạch tu bổ, tôn tạo 38 di tích trong tổng số 77 di tích trên địa bàn quận. Chỉ riêng giai đoạn 2009 - 2010, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, quận Long Biên đã tiến hành tu bổ 10 di tích quan trọng. Trong số này, có năm di tích sẽ được gắn biển công trình tu bổ, tôn tạo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gồm: Ðình Trường Lâm, đình chùa Ngọc Thụy (thờ danh tướng Lý Thường Kiệt), đình Hội Xá, đình Thanh Am, đình Tình Quang...
Quận Long Biên là một trong số rất ít các địa phương thực hiện công tác giám định cổ vật trong các di tích lịch sử. Trong quá trình công tác, cán bộ văn hóa quận nhận thấy do nhận thức chưa đầy đủ nên nhân dân nhiều nơi trên địa bàn chưa thật sự trân trọng những hiện vật có trong di tích của mình. Không hiếm trường hợp, khi có người công đức đồ thờ tự mới, những cổ vật quý bị xếp sang một bên, rất dễ xảy ra nguy cơ thất lạc, mất mát. Nhiều đồ thờ tự là cổ vật quý hiếm không được bảo quản đúng mức. Từ năm 2007, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện công tác thống kê, giám định cổ vật cho các di tích. Ðến nay, công tác giám định đã được thực hiện tại 21 di tích, qua đó, lập hồ sơ công nhận 1.762 cổ vật. Công tác thống kê, giám định cổ vật đã giúp phát hiện nhiều cổ vật quý như: Bộ sắc phong có tới gần 80 đạo sắc qua các triều đại ở đình Thổ Khối, thần tích bằng đồng tại đình Mai Phúc, quả chuông tại chùa Bắc Cầu 3 (phường Ngọc Thụy) khắc năm 1690 có ghi rõ đây là quê hương Lý Thường Kiệt... Mỗi cổ vật, cán bộ văn hóa cùng với các nhà khoa học của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lập một hồ sơ khảo tả. Việc giám định cổ vật mất khá nhiều thời gian, công sức của những cán bộ văn hóa, nhưng tác dụng lâu dài của công việc là giúp cán bộ, nhân dân ở các địa phương hiểu rõ hơn về giá trị những di sản mình đang giữ, góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn.
Bên cạnh các di tích, quận Long Biên là nơi có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như múa Giảo long, múa Ải Lao... Lễ hội Gióng ở làng Phù Ðổng là lễ hội mang tính chất vùng, trong đó, múa Ải Lao của người dân phường Phúc Lợi là một phần không thể thiếu của lễ hội này. Trong năm 2009, quận Long Biên đã tích cực tham gia nghiên cứu kịch bản múa Ải Lao, góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quận cũng đã điều chỉnh, hoàn thiện kịch bản một số hoạt động khác như: trò chơi Kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn, múa Giảo long ở làng Lệ Mật, phường Việt Hưng...
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Trần Thị Vân Anh cho biết: "Ðể bảo vệ di sản văn hóa tốt, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, của ngành văn hóa, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý văn hóa địa phương, nâng cao nhận thức của nhân dân. Chúng tôi đã phổ biến Luật Di sản văn hóa cho nhân dân thông qua hệ thống đài phát thanh, tổ chức các lớp tập huấn về quản lý di tích lịch sử - văn hóa, tập huấn về quản lý di vật trong di tích, về công tác quản lý tôn giáo... cho các cán bộ văn hóa, thủ nhang, thủ từ và nhân dân trên địa bàn".
VỚI bề dày lịch sử - văn hóa, lâu nay, những di tích, di sản trên địa bàn quận Long Biên thu hút khá nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Một số địa danh như đền Ghềnh, chùa Bồ Ðề... đã được đưa vào tua du lịch sông Hồng. Du khách phương xa thăm Hà Nội thường đến làng Lệ Mật để thưởng thức những món ăn độc đáo trong không gian cổ kính. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một tua du lịch chính thức nào trên địa bàn giúp phát huy tiềm năng du lịch của những di tích, di sản này. Bởi vậy, trong năm 2009 - 2010, quận Long Biên đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng, trong đó, các khu vực di tích như đền Trấn Vũ, đình Lệ Mật, đình Thanh Am, đình Trường Lâm, thiền viện Sùng Phúc... đều được mở rộng, nâng cấp để phục vụ cho việc tham quan du lịch thuận tiện hơn. Quận Long Biên đang đề nghị thành phố hỗ trợ để xây dựng một số tua du lịch cố định, gắn tham quan di tích với hoạt động ẩm thực trên địa bàn, với lợi thế là làng ẩm thực
Lệ Mật. Năm 2010 là Năm Du lịch quốc gia tổ chức tại Hà Nội, quận Long Biên hy vọng sớm phát huy những giá trị di tích, di sản trên địa bàn vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Giang Nam