Sống mãi những phút giây lịch sử

Những ngày tháng 4 lịch sử này, người dân Thủ đô Hà Nội hướng về miền nam thân yêu. Nhiều di tích tổ chức trưng bày, triển lãm làm sống lại ký ức hào hùng và phút giây lịch sử 50 năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Những cựu chiến binh cùng các đại biểu sống lại những năm tháng hào hùng.
Những cựu chiến binh cùng các đại biểu sống lại những năm tháng hào hùng.

Hà Nội những ngày này rợp trời cờ hoa. Không phải chỉ có các cơ quan nhà nước tổ chức trang trí, trên nhiều tuyến phố, cửa hàng, người dân đều treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc tạo nên những hình ảnh ấn tượng. Trong không khí ấy, người Hà Nội hồi tưởng những tháng năm kháng chiến gian khổ, hồi tưởng Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trong số các di tích trên địa bàn Hà Nội, có một di tích đặc biệt quan trọng, đó là Nhà và Hầm D67 ở Hoàng thành Thăng Long. Đây là di tích gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975. Tại đây, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều cuộc họp quan trọng mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến để đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025), chính tại di tích này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức triển lãm “Con đường thống nhất”. Những hình ảnh, hiện vật trưng bày tập trung vào giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất. Với chủ đề Quyết định chiến lược của Tổng Hành dinh, các tư liệu giới thiệu cụ thể về tình hình nước ta sau Hiệp định Paris năm 1973. Trung ương đã đề ra chủ trương “giữ vững chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ, chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn”. Chủ đề thứ hai là “Một ngày bằng 20 năm” nói về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mang lại thắng lợi vang dội khắp các chiến trường. Chủ đề cuối cùng là “Tiến về Sài Gòn”, giới thiệu những tư liệu quý về cuộc tổng công kích giải phóng Sài Gòn, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội bước đầu triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin diễn giải về Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67”; tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu, bổ sung tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, nội dung đa phương tiện và phim 3D giới thiệu lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn với di tích Nhà và Hầm D67… để công chúng hiểu thêm về giá trị của Tổng Hành dinh của cuộc kháng chiến.

Cũng trong những ngày này, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày chuyên đề “Khúc ca hòa bình” thu hút đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ. Trưng bày gồm ba nội dung: Tất cả cho tiền tuyến, Mở đường thống nhất, Đất nước trọn niềm vui... Ở nội dung “Tất cả cho tiền tuyến” tái hiện không khí hăng hái tòng quân của thanh niên miền bắc và tinh thần tất cả vì miền nam với các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, phong trào thi đua “Tất cả vì miền nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”. Ở nội dung này còn có những hình ảnh những thanh niên xung phong Đoàn 559 (thành lập ngày 19/5/1959) phá núi mở đường, bảo đảm mạch máu giao thông cho bộ đội vào nam. Nội dung trưng bày thứ hai - “Mở đường thống nhất” giới thiệu những hình ảnh cam go của cuộc kháng chiến nhưng tinh thần của quân và dân ta vẫn giữ vững; trong đó, điểm nhấn là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, thắng lợi của chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", việc ký kết Hiệp định Paris tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến, tiền đề để giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Ở phần trưng bày “Đất nước trọn niềm vui” là hình ảnh chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Đến ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, gian khổ trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Những hình ảnh “vui sao nước mắt lại trào” được giới thiệu, khắp phố phường ngập tràn sắc đỏ cờ hoa, những gương mặt rạng rỡ, những cái ôm siết chặt vui mừng đón ngày hội lớn.

Có mặt tại trưng bày, ông Lâm Văn Bảng - người từng viết thư máu xin đi chiến đấu, sau này là người đứng ra thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, xúc động cho biết: “Những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò làm tôi nhớ lại ký ức xưa. Đó là thời thanh niên sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết, sôi sục tinh thần cách mạng, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu để giành độc lập, thống nhất cho dân tộc”.

Trong dòng người đến với các cuộc triển lãm kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, có rất nhiều bạn trẻ tuổi đôi mươi, nhiều em học sinh các trường phổ thông. Đây là tín hiệu đáng mừng về sự kế thừa, tiếp nối truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc.