Trung bình một ngày, bếp ăn của Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cung cấp khoảng 1.600 suất ăn cho công nhân. Kiểm tra đột xuất ngày 16/4, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm tại đây: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tại khu vực bếp đã xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; trần bếp ẩm mốc, bong tróc; nền nhà đọng nước; cống thoát nước bốc mùi; tủ lạnh đựng thực phẩm đã cũ hỏng, hoen rỉ không đủ tiêu chuẩn bảo quản thực phẩm đông lạnh. Bên cạnh đó, bếp ăn không tuân theo quy trình khép kín một chiều và phân khu riêng biệt, khu vực chế biến có ruồi, phân côn trùng…
Ngoài ra, qua kiểm tra, các hồ sơ pháp lý của công ty chưa đầy đủ, sổ kiểm định ba bước ghi chép không khớp với thực tế… Xét nghiệm nhanh 10 khay inox đựng thức ăn cho kết quả: 100% mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn, tinh bột còn bám dính trên bề mặt khay do rửa không sạch. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, vào tháng 1/2019, tại Công ty TNHH đồ chơi Chee Wah Việt Nam cũng đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể với 25 trường hợp công nhân bị ngộ độc thực phẩm. Trước những vi phạm này, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị: Công ty khẩn trương khắc phục những tồn tại mà đoàn kiểm tra chỉ ra, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm lại trang thiết bị, dụng cụ đã cũ, hỏng; xuất trình toàn bộ giấy tờ, hồ sơ còn thiếu.
Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, thành phố Hà Nội thành lập ba đoàn liên ngành kiểm tra từ ngày 15/4 đến 15/5 và sẽ xử phạt cao nhất trong thẩm quyền mà thành phố ban hành. Các quận, huyện trên địa bàn cũng tổ chức các hoạt động triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết: Từ đầu năm 2025 đến nay, quận đã tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, tổ chức các hội nghị tập huấn và tuyên truyền trực tiếp… để nâng cao nhận thức người dân.
Quận duy trì và nhân rộng các mô hình hay như: Siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại chín chợ; “Chợ An toàn thực phẩm” tại chợ Thượng Thanh; “Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm” tại 24 chợ; “Tuyến phố An toàn thực phẩm có kiểm soát”; mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người” tại các phường…Tuy nhiên, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn xảy ra ở một số cơ sở; tính chất biến động thường xuyên của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gây khó khăn trong công tác quản lý.
Tại huyện Thanh Trì cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong quý I năm 2025, huyện đã kiểm tra 615 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Kết quả, có 28 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 157 triệu đồng. Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 7 xử lý ba cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, các quận, huyện còn hạn chế trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra tại một số đơn vị, nhất là tuyến xã còn hạn chế. Thậm chí, có nơi khi triển khai các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm còn chưa có hình thức kiểm tra đột xuất, công tác xử lý vi phạm cũng chưa quyết liệt… Đánh giá cao kết quả các cuộc kiểm tra đột xuất, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu cần tiếp tục được tăng cường hoạt động này trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra cần triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm; trong đó chú trọng bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng: Bên cạnh những địa phương làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt, công khai đơn vị vi phạm, vẫn còn nơi làm qua loa, nể nang người trong làng, trong xóm... cho nên kết quả kiểm tra, xử phạt ở mức thấp, không đạt hiệu quả cao. Vì vậy, không chỉ trong tháng hành động, mà công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần được triển khai lâu dài, đến bao giờ cảm thấy thật sự yên tâm. Thành phố sẽ áp dụng xử phạt cao nhất trong thẩm quyền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được quy định tại Luật Thủ đô 2024 để tăng tính răn đe, thể hiện sự quyết liệt trong xử lý vấn đề này.