Ma Lâm vươn lên mạnh mẽ từ vùng đất khô cằn

Cách đây hơn nửa thế kỷ, thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) là vùng đất khô cằn sỏi đá. Giờ đây, đất đai Ma Lâm tươi xanh mơn mởn nhờ có hồ thủy lợi Sông Quao. Vùng đất này còn được đánh thức khi cao tốc bắc-nam đi qua, tạo cơ hội phát triển khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
0:00 / 0:00
0:00
Máy gặt đập liên hợp có thể tiếp cận cánh đồng lúa để thu hoạch.
Máy gặt đập liên hợp có thể tiếp cận cánh đồng lúa để thu hoạch.

Do thiếu nguồn nước

Tuyến đường mới được trải thảm nhựa rộng hơn 10m chạy song song cánh đồng lúa (nằm sau khu dân cư Ruộng Dinh) vừa mới khánh thành để chào mừng 50 năm giải phóng Ma Lâm. Công trình này là đường kết nối từ trung tâm thị trấn đi Quốc lộ 1 dài hơn 3,4 km và đang thi công từng đoạn.

Sinh ra, lớn lên tại thị trấn Ma Lâm và có hơn 20 năm công tác tại huyện Hàm Thuận Bắc, ông Huỳnh Thanh Cảnh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã chứng kiến quá trình thay đổi của vùng đất khô cằn này. Ông Cảnh chia sẻ: Trước đây, sản xuất nông nghiệp ở đây rất bấp bênh do không có nước tưới. Đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ, cỏ khô cháy. Nên việc phát triển thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Cột mốc bước ngoặt đã làm thay đổi Ma Lâm là kể từ năm 1995 khi hồ Sông Quao được nhà nước đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác từng giai đoạn. Khởi nguồn từ hồ Sông Quao, thị trấn Ma Lâm đầu tư nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ đưa nước đến nhiều hộ dân.

“Không có hồ Sông Quao thì người dân chết khát, chết đói nên công trình này rất có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 10-NQ/ TW 1988 đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp như một làn gió mới mà nông dân thường gọi là “khoán 10”. Đó là nông dân tự chủ trên đất của mình và sản xuất thu lại lợi nhuận”, ông Cảnh tâm đắc kể.

Hơn 60 năm sống ở thôn Na Bồi, ông Nguyễn Văn Ba cho hay: Khoảng 5 năm trước, mới có nước sạch sinh hoạt, còn nước sản xuất từ hồ Sông Quao thì khoảng 10 năm trước mới có. Trước đây, khu vực này đào giếng nước sâu hơn 100 mét cũng chỉ toàn đá, không có nước. Nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào mưa. Khu vực thấp thì trồng lúa, khu vực cao thì trồng cây ăn quả. Vào mùa khô, người dân phải đi chở nước từ nơi khác về để sinh hoạt.

Thủy lợi giúp Ma Lâm phủ xanh nhiều cánh đồng, ruộng lúa. Từ chỗ chỉ trồng được một vụ lúa, thì nay sản xuất được hai, ba vụ. Các vùng cây ăn quả tập trung như: Thanh long, xoài, măng cụt, sầu riêng… cũng hình thành góp phần phát triển kinh tế cho người dân. Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ (thôn Na Bồi) nhớ lại: Hơn 20 năm trước, Ma Lâm có rất nhiều tổ hợp tác mà chưa có hợp tác xã, chính nhờ Ngân hàng Thế giới tài trợ cho tổ hợp tác nên Hòa Lệ đã được nâng cấp thành hợp tác xã. Từ đó, Hòa Lệ đã thu mua, liên kết với hơn 50 tổ hợp tác (trong đó Ma Lâm có hơn 20 tổ hợp tác) xuất khẩu thanh long sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Một khó khăn khác của Ma Lâm là hạ tầng giao thông. Nhiều năm sau chiến tranh, Ma Lâm chỉ có một con đường sỏi là đường Tỉnh lộ 8, sau hơn 10 năm nâng cấp thành Quốc lộ 28. Thị trấn chủ yếu là đường đất. Đường đi đến các địa phương khác cũng chưa có. Ông Huỳnh Thanh Cảnh nhớ lại: Những năm 2000, huyện muốn đầu tư hạ tầng giao thông phải chờ ngân sách tỉnh, khi ấy đường xây xong đến đâu là người dân mừng đến đó. Dần dần, nhiều tuyến giao thông kết nối với quốc lộ, đường liên xã được đầu tư nâng cấp mở rộng. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới làm giao thông nông thôn với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” nên giao thông phát triển thần tốc.

Cơ hội phát triển công nghiệp

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh sau nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ông Cảnh cảm nhận: Bên cạnh những thành tựu to lớn và sự đổi thay đáng kể, Ma Lâm là thị trấn phát triển chậm nhất so với các địa phương trong huyện. Diện tích nông nghiệp manh mún, sản xuất chủ yếu thủ công và liên kết hợp tác sản xuất còn kém, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh nhận định, hơn một năm nay, thị trấn có được “cú huých” khi đường cao tốc bắc-nam đi qua và có đường đi xuống thị trấn. Với thủy lợi kèm theo hạ tầng giao thông đầy đủ, Ma Lâm cần phải phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp, nếu hội tụ đủ hai yếu tố trên chắc chắn thu hút được nhà đầu tư. Nông nghiệp cần liên kết sản xuất theo mô hình công nghệ cao, kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để phát triển. Khi đó, địa phương có cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động, hình thành khu dân cư, chất lượng đời sống người dân được nâng cao.

Giao thông như mạch máu để tạo sự kết nối liên thông các địa phương nhằm phát triển kinh tế. Để phát triển Ma Lâm, ông Đặng Thanh Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc nhấn mạnh: Giai đoạn năm 2020-2025, các công trình phát triển hạ tầng đã đầu tư như: Chỉnh trang vỉa hè khu dân cư Ruộng Dinh; nhựa hóa giao thông nội thị giai đoạn 2; cầu qua Kè Sông Cái; đường kết nối thị trấn Ma Lâm với xã, huyện khác… Bên cạnh đó, thị trấn cũng xây nhiều đường bê-tông, hệ thống thoát nước thải trong khu dân cư. Riêng huy động sức dân làm giao thông bê-tông với chiều dài hơn 10 km, người dân đã đóng góp 3,4 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, giai đoạn năm 2020-2025 thị trấn Ma Lâm có tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng từ 50% lên 70%; nông nghiệp từ 45% giảm còn 30%. Thị trấn có 87 doanh nghiệp tư nhân và 823 hộ kinh doanh cá thể; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 71,2 triệu đồng. Theo kế hoạch, huyện tập trung phát triển khu dân cư dịch vụ thương mại phía đông thị trấn Ma Lâm.

Nhờ kinh tế phát triển, nhiều ngôi nhà khang trang được “mọc lên” từ trong nhà đến ngoài phố. Mảnh đất thị trấn Ma Lâm với sỏi đá năm xưa đã có một diện mạo “xanh” mới - diện mạo của sự phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.