Mở “cửa ngõ biển” cho hàng hóa miền Tây

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 590/QĐ-BXD ngày 13/5/2025 phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một quyết định hiện thực hóa việc “mở cửa ngõ” ra biển cho hàng hóa Đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng biển Sóc Trăng được định hướng xây dựng theo công nghệ xanh, hiện đại, thông minh.
Cảng biển Sóc Trăng được định hướng xây dựng theo công nghệ xanh, hiện đại, thông minh.

Cầu cảng biển

Là vùng kinh tế có khối lượng hàng hóa vận chuyển xuất nhập khẩu lớn, Đồng bằng sông Cửu Long rất cần có hệ thống cảng phát triển để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa. Thời gian qua, có đến 70% khối lượng hàng hóa xuất nhập vào vùng phải chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh qua hệ thống đường bộ, gây quá tải cho đường bộ và hệ thống cảng ở vùng Đông Nam Bộ.

Theo các doanh nghiệp, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ về Thành phố Hồ Chí Minh và qua các cảng Đông Nam Bộ đã nâng phí bình quân khoảng 7-10 USD/tấn hàng hóa, hay 170 USD/1 container. Hệ quả là làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh cho hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết, hơn 27 năm qua công ty phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cảng thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cung đường vận chuyển khá xa, phí vận chuyển hai chiều lên hơn 700 USD mỗi chuyến, bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như kẹt xe, sự cố giao thông cho nên có thể hàng không tới cảng kịp thời gian theo hợp đồng, gây thiệt hại cho kinh doanh.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về thực hiện phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có đề ra các giải pháp cụ thể như nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống đường bộ, đường sông, cảng biển...

Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung khẳng định, thực tế cho thấy, việc hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long về Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại chưa phát huy được thế mạnh của hệ thống đường thủy nội địa trong vùng. Để tháo gỡ nút thắt, giảm chi phí logistics của vùng tiệm cận với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và khu vực, cần thiết phải hình thành một cửa ngõ cho toàn vùng. Một trong những nghiên cứu khả thi là xây dựng cảng biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sóc Trăng được xác định là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển nước sâu Trần Đề.

Phát triển công nghệ cảng biển thông minh

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang, cảng biển Sóc Trăng gồm các khu bến: Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề và các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão; với lưu lượng hàng hóa và hành khách trung chuyển hằng năm rất lớn.

Theo quy hoạch, cảng biển Trần Đề là cảng cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tổng số 6 bến cảng gồm từ 16 cầu cảng đến 18 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.693m đến 3.493m. Phạm vi vùng đất, vùng nước phù hợp quy mô bến cảng và đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa. Tổng nhu cầu sử dụng đất cho dự án đến năm 2030 khoảng 1.331ha; tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 148.486ha. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng 61.513 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 19.607 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng gần 42.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề; đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải; xây dựng bến cảng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và các bến cảng tại khu bến ngoài khơi cửa Trần Đề. Theo đó, dự án khuyến khích nhà đầu tư khai thác cảng ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển Sóc Trăng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh đáp ứng các tiêu chí cảng xanh, cảng biển thông minh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Trần Văn Lâu cho biết, thời gian gần đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung nguồn lực đầu tư khu vực, nhất là phát triển hạ tầng giao thông. Tỉnh Sóc Trăng đã và đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề, đồng thời tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng kết nối và phát huy hiệu quả, đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng biển Trần Đề.