Những miền quê xanh, đáng sống

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường, tạo nền tảng quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo môi trường của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tham gia xây dựng tuyến đường đẹp giúp cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp.
Người dân tham gia xây dựng tuyến đường đẹp giúp cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, Đề án Hậu Giang xanh bước đầu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, với hơn 97% số hộ dân được tiếp cận thông tin. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường sống. Người dân không còn đốt rác hay xả thải bừa bãi, thay vào đó là thói quen gom rác đúng nơi, đúng quy định, sạch nhà - sạch xóm - sạch cả môi trường sống.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia hưởng ứng đề án, tỉnh trang bị thêm hơn 1.100 xe kéo tay thu gom rác sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật và hơn 4.650 thùng rác, giúp việc thu gom trở nên đồng bộ, bài bản và hiệu quả. Cùng với đó là việc củng cố, thành lập mới hơn 440 tổ vệ sinh môi trường. Hiệu quả hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường được thể hiện bằng tỷ lệ phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt mức cao, với trên 92% hộ gia đình thực hiện phân loại rác và 93% hộ gia đình phát sinh chất thải được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Quyên ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cho biết: “Từ khi có tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải, hằng tháng mỗi hộ chỉ đóng vài chục nghìn tiền thu gom rác, tình trạng vứt rác bừa bãi không còn. Việc gia đình nào cũng tham gia thực hiện các tiêu chí về “gia đình văn hóa”, “xã nông thôn mới”, đã giúp cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn”.

Một điểm sáng trong thực hiện đề án là các địa phương đã xây dựng, duy trì nhiều mô hình hiệu quả như: “Biến rác thải thành bảo hiểm y tế”, “Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm”, “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy quà”, “Bảo vệ dòng sông, khơi thông dòng chảy” hay “Đội xung kích chống rác thải”… Ông Huỳnh Văn Thành ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Bây giờ bà con ở đây rất có ý thức trong việc sử dụng xong bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ gom để lại một điểm để đổi lấy quà. Vừa có quà, vừa không gây hại cho môi trường”. Nhiều mô hình như “5 không 3 sạch”, “3 sạch - 3 an toàn”, “Khu dân cư không rác”, “Tuyến đường không túi nylon”, “Ngôi nhà xanh thân thiện”… không còn là khẩu hiệu, mà trở thành nếp sống của mỗi người, được hình thành từ chính sự chủ động của người dân, các hội, đoàn thể ở cơ sở.

Đến nay, Hậu Giang có hơn 870 mô hình về bảo vệ môi trường. Hơn 40 điểm rác tự phát đã được xử lý dứt điểm, đồng thời đã thu gom hàng nghìn tấn rác, khơi thông và phát quang hơn 5.000 km cống rãnh, kênh mương, trục vớt lục bình, rác thải các tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 56.000 km. Hơn 77% chiều dài tuyến đường giao thông và 90% diện tích công viên đã được phủ xanh với gần 62.400 cây xanh, hoa kiểng các loại. Các ngành, các cấp lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã trồng gần 500.000 cây xanh, hoa kiểng các loại; trồng chỉnh trang hơn 750 km hàng rào cây xanh… Tổng kinh phí thực hiện đề án đến nay hơn 988 tỷ đồng.

Nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, qua thực hiện đề án đã giúp cho công tác quản lý, kiểm soát, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải sản xuất nông nghiệp được chặt chẽ và nâng cao hơn. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường được nâng lên, giảm tình trạng hộ dân tự xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng thiêu đốt, chôn lấp không hợp vệ sinh môi trường hoặc vứt ra môi trường; giảm dần số hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên sông, kênh, rạch gây cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường; nâng cao tỷ lệ hộ xử lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, cảnh quan môi trường được nâng cao, duy trì và phát triển.

Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân đạt hơn 93%; tỷ lệ hộ chăn nuôi thủy thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt hơn 97%, nuôi trồng thủy đạt hơn 96%; tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt trên 36%; tỷ lệ chiều dài tuyến đường giao thông được trồng cây xanh ven đường đạt hơn 77%; tỷ lệ diện tích khu vực công viên được trồng cây xanh đạt hơn 90%...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang La Trọng Kỳ, bên cạnh kết quả đạt được, Đề án Hậu Giang xanh vẫn còn những hạn chế như: thiếu phương tiện thu gom phù hợp với giao thông nông thôn; một số điểm tập kết rác chưa đảm bảo vệ sinh, còn tồn đọng gây mùi hôi thối; tỷ lệ thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật còn thấp; chưa xử lý triệt để ô nhiễm tại bãi rác Tân Tiến và Long Mỹ. Khó khăn hiện nay là thiếu kinh phí, thiếu mặt bằng quy hoạch ổn định và việc phối hợp giữa các cấp đôi lúc còn lỏng lẻo… Tới đây, khi Nhà máy điện rác Hậu Giang ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp đi vào hoạt động chính thức sẽ giúp xử lý tốt rác thải sinh hoạt. Điều quan trọng vẫn là phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường đến từng hộ gia đình, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng: Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình hiệu quả trong triển khai thực hiện đề án. Tỉnh rà soát, cập nhật các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, đồng thời đổi mới tư duy, khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân hình thành thói quen sống xanh, tiêu dùng bền vững, cùng đồng hành vì môi trường từ những việc làm nhỏ nhất.

Việc triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh là sự khẳng định của tỉnh Hậu Giang đối với lựa chọn con đường tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, đô thị sinh thái, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống cho người dân, không chỉ vì một tương lai xanh hơn cho tỉnh, mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của cả nước vào năm 2050.