Là vậy, nhưng làng nghề Trường Sơn (vừa là làng nghề với khoảng 20 nghề truyền thống, vừa là khu văn hóa, triển lãm đa năng) đang trăn trở với nhiều câu hỏi, mà, chỉ riêng bản thân họ, khó có khả năng đưa ra đáp án.
Những ngày dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe mấy anh em nghệ sĩ thân thiết đang làm việc ở làng nghề Trường Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa). Nhịp sống chậm hơn. Giao tiếp thường nhật của con người thưa hơn. Nhưng, điều ấy dường như tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ có thêm không gian, thời gian chiêm nghiệm, nghiền ngẫm; nâng tầm tư duy sáng tạo.
Là người gắn bó với làng nghề, nghệ nhân điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Hội Gốm mỹ thuật Sài Gòn chia sẻ: Là nghệ sĩ, phải có trách nhiệm với thời cuộc. Anh em ở đây quyết tâm thực hiện cho bằng được những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tinh thần quyết liệt chống dịch của nhân dân ta. Anh gửi tôi phác thảo của tác phẩm chất liệu gốm mang tên Cọp Bình an. Nghe lạ quá! Cọp trong tự nhiên là loài mãnh thú, luôn mang đến cho mọi sinh linh nỗi khiếp sợ kinh hoàng. Nhưng, ở đây, tác giả dường như lại mượn hình ảnh cọp hết sức… tao nhã, trong hai câu của cụ Thuần Phu Trần Khắc Thành nói về Nha Trang xưa:
… Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải rừng Xuân cọp thưởng mai…
Xuân Nhâm Dần 2022, Cọp Bình an mang thông điệp về cái đẹp trong tư duy mới, hoàn cảnh mới. Mạnh mẽ, thậm chí dữ dằn, mà uyển chuyển, hướng thiện. Tất cả đều do yêu thương thôi thúc, và trí tuệ soi đường. Trước mắt tôi là hình tượng một ông cọp (dân gian Khánh Hòa xưa nay vẫn quen gọi cọp bằng ông) dũng mãnh, hai chân đè bẹp những khối cầu gai Covid-19 sắc cạnh, gớm ghiếc. Sức mạnh, uy lực của ông cọp đã chế ngự được mối nguy hiểm chết người của Covid-19. Và, tôi cảm nhận được rằng, Cọp Bình an, như tên gọi của nó, mong cầu bình an cho mọi người cũng như thể hiện khát vọng chinh phục, chiến thắng dịch bệnh của nhân dân ta.
Không chỉ có anh Đoàn Xuân Hùng, dù gặp nhiều khó khăn, có những lúc rất căng thẳng như thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nghệ nhân làng nghề Trường Sơn vẫn cho ra đời nhiều sản phẩm được chế tác công phu, tinh xảo và có giá trị nghệ thuật cao.
Rồi dịch bệnh được khống chế. Phố phường sau một thời gian dài vắng lặng giờ đã rộn tiếng người. Làng nghề Trường Sơn tổ chức công bố sản phẩm được chế tác trong thời gian diễn ra đại dịch. Đã lâu lắm, mọi người mới được gặp nhau. Tay bắt mặt mừng, anh chị em nghệ nhân, nghệ sĩ cùng chung vui trong một tình yêu cái đẹp, say nghề; tư duy năng động, sáng tạo và quyết tâm vượt lên những trở lực trong cuộc sống. Những nhạc cụ ở đây dường như cũng đợi chờ, mong mỏi ngày này từ lâu lắm. Dịch bệnh. Cách ly. Nghệ sĩ phải tập luyện riêng lẻ cho nên từng nhạc cụ chỉ có thể cất tiếng một mình, vô cùng đơn độc. Còn bây giờ, tất cả được gặp lại nhau. Trên những tiết tấu, giai điệu thân quen, những giọng đàn lại cùng hòa âm, tha thiết và hồ hởi, tấu lên những khúc tương phùng nhiều cảm xúc.
Chiều êm như ru. Tôi ngồi nghe Dương Ngọc An đàn chingkram; Trần Nhật Quang đàn guitar và Lưu Đăng Tường Vi đàn đá. Ba loại nhạc cụ, một bằng tre, một bằng đá, và một bằng gỗ, nilon mà có cùng một giọng hòa âm huyền diệu trên giai điệu Cô gái vót chông, lời thơ Lô Mô Y Choi, phổ nhạc Hoàng Hiệp. Có tiếng của đá. Có tiếng của tre. Có cả tiếng của núi non hùng vĩ. Giai điệu như một khúc tâm ca thánh thót giữa đại ngàn. Ai nhanh tay vót bằng tay em/ Chim hót không hay bằng tiếng hát em…
Và, thật bất ngờ, khi được biết rằng, chính các em Ngọc An, Nhật Quang, Tường Vi là những người trực tiếp chế tác những nhạc cụ mình đang sử dụng.
Thông qua sản phẩm của mình, làng nghề Trường Sơn muốn gửi gắm thông điệp, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta vẫn có thể làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ thủ công ở đây đã làm ra những sản phẩm đậm chất văn hóa, giàu tính nhân văn. Ở đây, tôi thấy có rất nhiều người đến chiêm ngưỡng những nét tài hoa của nghệ thuật thêu tay truyền thống. Với nét phác thảo của họa sĩ Lê Vũ, nghệ nhân Lâm Thị Mỹ Thùy trình diễn những đường kim chia sợi chỉ làm hai, làm ba mà làm nên chân dung cuộc sống, với đủ đầy đường nét, sắc màu của nó. Có lẽ, từ sự cuốn hút đó, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, làng nghề Trường Sơn đã đón hàng nghìn lượt du khách đến mỗi ngày. Dấu hiệu hồi sinh đã trở lại, trên những đóa hướng dương vàng rực rỡ và tiếng chim sơn ca vút lên trên trời xanh xao xuyến.
Kết quả ấy có phải đến từ linh ứng nhiệm màu của Cọp Bình an, của ước nguyện an lành và khát vọng chiến thắng?
Thăm làng nghề Trường Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài tỏ ra rất xúc động: “Bình thường, công sức sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ đã là rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Trong hoàn cảnh cả nước phải căng mình vật lộn với đại dịch Covid-19, các nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn tâm huyết, miệt mài sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật thì những tác phẩm ấy càng đáng trân trọng hơn gấp bội phần”.
Nghệ nhân Lê Văn Luật, Giám đốc làng nghề cho biết, làng nghề Trường Sơn được xây dựng từ năm 2014, xuất phát từ dự án khu văn hóa đa năng, bảo tồn và hành nghề truyền thống, triển lãm vườn tượng do Công ty cổ phần Chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Làng nghề có khuôn viên rộng gần 2ha, tọa lạc tại số 8 đường Trường Sơn, phường Phước Long, thành phố Nha Trang, hướng tới mục tiêu bảo tồn các nghề truyền thống; là nơi nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ làm nên những sản phẩm độc đáo giới thiệu với du khách; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống, nghề dân gian cổ xưa ở Khánh Hòa.
Tại không gian trưng bày 10 kỷ lục của Việt Nam cũng như thế giới về văn hóa, tôi lưu lại thật lâu trước bộ sưu tập bút vừa được trao bằng xác lập kỷ lục thế giới của bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, bộ sưu tập có số lượng hơn 4.000 cây bút, đủ mọi mẫu mã, kích thước.
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng chia sẻ: “Cây bút thể hiện ý chí và tình cảm của người viết. Nó cũng có thể mang trong mình một triết lý, chẳng hạn như: “Vì cuộc đời không bao giờ hoàn hảo nên trên đầu cây bút chì phải có cục tẩy”. Hoặc đơn giản hơn, mỗi lần cầm một cây bút nào đó, tôi lại nhớ những sự kiện, kỷ niệm đã qua và những người mình hằng gắn bó”.
Ở đây, tôi gặp lại họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế. Từ triển lãm Giấc mơ sau lũy tre làng tại Festival Biển Nha Trang năm 2013, anh vẫn tiếp nối mạch nguồn cảm xúc và trách nhiệm với dòng nghệ thuật đồ họa Trúc Chỉ độc đáo. Dùng tre tạo ra giấy, rồi kết hợp giữa nghề giấy thủ công truyền thống với các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa hiện đại, tác phẩm Trúc Chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng tương tác với ánh sáng chung quanh tạo nên những hiệu ứng mặt phẳng; hiệu ứng xuyên sáng độc đáo, lạ mắt và sang trọng. Anh cho biết, đang có rất nhiều dự định dành cho trucchigraphy, một loại hình nghệ thuật mới đang dần định hình trên con đường xây dựng một nét giá trị văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, làng nghề Trường Sơn (Nha Trang) đã tập hợp được khoảng 20 nghề truyền thống, ưu tiên nghề truyền thống của địa phương Khánh Hòa. Có thể kể như: đan lát song mây; gốm nghệ thuật Lư Cấm; dệt chiếu Vĩnh Thái; đan lưới chài Vĩnh Trường; đan võng Nha Trang; chằm nón Diên Khánh; ốc mỹ nghệ Vĩnh Nguyên… Những nghề này, trên thực tế, có nghề vẫn phát triển bình thường; nhưng, có nghề đang dần đi vào quá vãng, để mãi mãi là những kỷ vật, hoài niệm, như nghề dệt chiếu Vĩnh Thái chẳng hạn. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, do đó, đang là mối quan tâm đặc biệt của không chỉ những người đang làm công tác văn hóa.
Trong câu chuyện cùng chúng tôi, giọng anh Lê Văn Luật nhiều khi chùng hẳn xuống. Anh nói nhiều về những khó khăn của làng nghề, trong đó, câu chuyện thu nhập của người lao động được anh nhắc nhiều nhất. Bởi, đây là điểm cốt yếu để giữ nghề. Thu nhập thấp, cho nên công tác đào tạo thế hệ tiếp nối cho làng nghề đang rất khó khăn. Bao giờ thì những nghệ nhân, nghệ sĩ sống được bằng chính thu nhập từ nghề mình đang theo đuổi? Rồi mai, nghề xưa rồi sẽ ra sao; nhu cầu sử dụng sản phẩm tới đâu; và ai sẽ là người làm công việc chế tác sản phẩm? Làng nghề Trường Sơn đau đáu ưu tư với những bài toán ấy, mà, chỉ riêng bản thân họ, khó có khả năng đưa ra đáp án.
Vườn hoa đầy sắc, đủ hương. Cây trái sum suê, xanh mát. Càng đi vào bên trong, một thế giới độc đáo và mới mẻ dần hé lộ. Chị Nguyễn Thị Trâm Anh cùng chồng vào Nha Trang du lịch. Đến tham quan, chị hào hứng nói: “Đi du lịch Nha Trang, đến thăm làng nghề, du khách được tìm hiểu chi tiết về các ngành nghề lâu năm của người Việt. Không gian ở đây nhẹ nhàng, lắng đọng. Du khách không chỉ được tham quan, trải nghiệm, tận mắt chứng kiến nghệ nhân chế tác, biểu diễn công năng của sản phẩm nghệ thuật mà còn mua sắm được nhiều quà lưu niệm độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương cũng như văn hóa Việt Nam”.
Gắn bó với làng nghề Trường Sơn, họa sĩ Lê Vũ chia sẻ, nơi đây là một vùng không gian sinh thái, không gian văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ thủ công. Mỗi người đến đây cảm nhận được sự trân quý, tôn trọng cho nên hăng say sáng tạo. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, anh em nghệ sĩ, nghệ nhân ở đây đang cố gắng thực hiện thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện hình tượng nhân vật, truyền thuyết, lịch sử, người có công tiêu biểu gắn với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nha Trang-Khánh Hòa.
Chiều muộn. Có tiếng ve vẳng đưa từ phía xa, nơi những cánh hướng dương đang dần đậm màu trong ánh hoàng hôn đang đổ xuống.
Không gian mênh mông, man mác nhạc, và hoa ■