Mang trong mình những nét văn hóa đặc sắc và tinh thần yêu nước, cách mạng, đất và người nơi đây đã ghi tên mình vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc và khơi nguồn cảm hứng cho những áng thơ ca.
Cùng các chính sách ưu tiên từ Trung ương nhằm nâng cao chất lượng đời sống đồng bào xã biên giới, cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện luôn quan tâm và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, đời sống của người dân và việc xây dựng nông thôn mới ở địa bàn đặc biệt khó khăn này vẫn gặp nhiều thách thức cần sự nỗ lực, chung tay hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân, để có lời giải hiệu quả.
Nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen
Xã Thuận cách trung tâm huyện Hướng Hóa gần 20 km, với 8 thôn, có ba dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Vân Kiều chiếm phần lớn (hơn 71% dân số). Trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra thiên tai. Tập quán canh tác truyền thống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều “phát, cốt, đốt, trĩa” trên nương, rẫy vẫn tồn tại làm hạn chế quá trình áp dụng các phương thức sản xuất mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.
Bên cạnh đó, an ninh chính trị còn tiềm ẩn hoạt động của các loại tội phạm trộm cắp, ma túy, vận chuyển hàng lậu. Vấn nạn tảo hôn dù đã cải thiện nhưng chưa triệt để… Do đó, hiệu quả việc đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt như mong muốn, cho nên tính đến thời điểm hiện tại, xã Thuận mới đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoàng Văn Vưng, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, tập trung thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực, với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân.
Theo đó, xã định hướng phát triển các cây trồng chủ lực như sắn, chuối gắn với triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện. Một số mô hình trồng trọt bước đầu đã phát huy hiệu quả, như trồng mới cao su, gừng, nghệ; tận dụng đất triền đồi trồng cây lương thực... Song song đó, cấp ủy, chính quyền tạo cơ chế để khuyến khích người dân mở rộng, phát triển gia công sản xuất hàng mỹ nghệ, làm chổi đót, gò hàn, sửa chữa xe máy, sản xuất vật liệu xây dựng…
Năm 2024, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, với tổng giá trị sản xuất gần 141 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 114,6 % so với chỉ tiêu nghị quyết; tổng thu nhập bình quân đạt hơn 35,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 6,2 triệu đồng/người/năm so cùng kỳ năm 2023.
Về những khó khăn hiện nay, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, tập quán canh tác bao đời hình thành nét văn hóa đặc trưng, tuy nhiên việc quá phụ thuộc vào thiên nhiên và thiếu công nghệ hiện đại khiến cho sản xuất nông nghiệp của người Pa Cô và Vân Kiều gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường sống. Việc thay đổi tư duy và thói quen của đồng bào cần tôn trọng bản sắc của dân tộc Pa Cô và Vân Kiều để có hướng đi phù hợp và bền vững.
Là cán bộ biên phòng được cử về tham gia cấp ủy địa phương, đồng chí Hoàng Văn Vưng luôn chủ động cùng với cán bộ chủ chốt của xã, phần lớn cũng là người Pa Cô, Vân Kiều tìm hiểu địa bàn, sinh hoạt chi bộ thôn, bám cơ sở để giúp tháo gỡ khó khăn.
Đảng bộ xã Thuận có 14 chi bộ, gần 150 đảng viên thể hiện vai trò đi đầu, gương mẫu làm trước để gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong đó, gia đình đảng viên Hồ A Phiên, chi bộ thôn Thuận 5, đã chủ động học hỏi, áp dụng kỹ thuật trồng chuối trên diện tích 1,5 ha, cho năng suất 8-9 tấn/ năm, tăng thu nhập cho gia đình thêm hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Định hướng của xã là xây dựng mô hình chăn nuôi bằng hình thức gia trại và trang trại, đưa các khu chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư; làm tốt công tác tái đàn gia súc trâu, bò, dê, nhất là đàn lợn; chú trọng xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình phát triển kinh tế để triển khai hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới.
Qua khảo sát thực tế cùng các đồng chí cán bộ xã, diện mạo nông thôn vùng cao nơi đây có nhiều thay đổi: Trường học khang trang, đường ô-tô vào tận nhà dân, các ngôi nhà sàn vững chãi… Tuy nhiên, vấn đề môi trường, nhất là nước sạch vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.
Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của người dân trong thôn phụ thuộc vào dòng Sê Pôn, mới đây, chính quyền vận động xã hội hóa để làm cho đồng bào một điểm giếng khoan, dùng chung cho gần 20 hộ gia đình. Mong muốn có thêm nhiều điểm giếng khoan phục vụ người dân trong xã; đồng thời thu hút đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm đặc trưng là chuối, sắn và tiêu thụ ổn định, bền vững vẫn là trăn trở của các cán bộ chủ chốt xã Thuận.
Nỗ lực cho mục tiêu mới
Vừa qua, UBND xã Thuận đã tổ chức công bố quyết định công nhận thôn Thuận Hòa đạt nông thôn mới, đồng thời tập trung nguồn lực, hoàn thiện hồ sơ thẩm định nông thôn mới ở thôn Thuận 4. Theo cam kết của Đảng ủy xã với Ban Thường vụ Huyện ủy, trong năm 2024 phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí nông thôn mới, tuy nhiên chỉ có thể thực hiện được 2 tiêu chí, do tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra và số lượng đảng viên trong lực lượng dân quân chưa đạt tỷ lệ tối thiểu là 14% theo quy định.
Khắc phục khó khăn và phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, Đảng ủy xã Thuận đẩy mạnh phân công nhiệm vụ phụ trách hướng dẫn, đánh giá thực hiện tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn. Cán bộ, công chức phụ trách địa bàn, lĩnh vực, theo dõi đã tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện từng tiêu chí cụ thể; xác định nhu cầu cần đầu tư, nội dung, cách làm, lộ trình về đích nông thôn mới.
![]() |
Đời sống của người dân thôn Thuận 1 đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên nước sinh hoạt vẫn là vấn đề nan giải. |
Theo đồng chí Hồ A Dần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thuận, nông thôn mới ở địa bàn biên giới khó khăn như xã Thuận, cần tập hợp sức mạnh của cả cộng đồng. Do đó, cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để tích cực tuyên truyền, trao đổi những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo mà nhân dân chưa rõ; phát huy tốt vai trò người tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số làm nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền xã đã hỗ trợ, giúp người dân phát triển kinh tế, có việc làm, tăng thu nhập, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo.
Phát huy vai trò của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, đồng thời là đảng viên trẻ (sinh năm 1987), người dân tộc Vân Kiều, đồng chí Hồ A Dần chính là nhân tố tiêu biểu, có cách làm sáng tạo trong vận động người dân tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hiệu quả của các phong trào đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông, làm đường điện chiếu sáng, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn và các thiết chế văn hóa thôn bản…
Xác định những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, tạo đà để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đảng bộ xã Thuận phấn đấu đạt chuẩn 4 tiêu chí nông thôn mới.
Trong đó, tập trung phát triển kinh tế nông thôn; cải thiện môi trường và an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tiếp cận pháp luật và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Song song với đó là lãnh đạo, chỉ đạo tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận thôn Thuận 4 đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, hướng đến năm 2025 là thôn Thuận 5, thôn Úp Ly 2 và thôn Thuận 2.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, sự hỗ trợ của lực lượng công an, phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Thuận, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Những nỗ lực này hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân xã Thuận, đem lại một diện mạo mới cho địa bàn biên giới.