Ngành lúa gạo trước áp lực phát thải và cơ hội bứt phá xanh

NDO - Sản xuất lúa gạo đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng: Hoặc tiếp tục theo hướng canh tác truyền thống với mức phát thải cao, hoặc chuyển đổi mạnh mẽ sang các mô hình sản xuất phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển các mô hình sản xuất lúa ít phát thải không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững trong dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa hè thu tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: THANH TÂM)
Thu hoạch lúa hè thu tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: THANH TÂM)

Lúa gạo – ngành hàng chủ lực đối mặt yêu cầu giảm phát thải

Lúa gạo từ lâu đã là ngành hàng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và xuất khẩu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 5,66 tỷ USD với sản lượng gần 9 triệu tấn, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của ngành hàng này trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, song hành với những kết quả tích cực là những thách thức không nhỏ về môi trường. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hoạt động canh tác lúa chiếm tới 48% tổng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khí metan (CH₄) - loại khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp nhiều lần so với CO₂ - chiếm hơn 75%. Đây là con số đáng lưu ý trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngành lúa gạo trước áp lực phát thải và cơ hội bứt phá xanh ảnh 1
Tỉnh Tiền Giang triển khai đề án 1 triệu ha lúa.

Những năm gần đây, một số mô hình sản xuất lúa phát thải thấp đã được triển khai thử nghiệm và ghi nhận kết quả khả quan. Trong đó, nổi bật là mô hình tưới ngập-khô xen kẽ (AWD) kết hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch thay vì đốt hoặc để phân hủy ngoài đồng. Các giải pháp này không chỉ giúp giảm phát thải khí metan và nitrous oxide (N₂O), mà còn tăng hiệu quả sử dụng nước, giảm chi phí đầu vào và nâng cao năng suất.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hai yếu tố then chốt trong mô hình sản xuất lúa phát thải thấp là quản lý nước hợp lý và xử lý rơm rạ hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả triển khai phụ thuộc lớn vào điều kiện hạ tầng thủy lợi và địa hình canh tác. Tại các khu vực có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, mô hình phát huy rõ hiệu quả; trong khi ở những vùng địa hình phức tạp, ruộng manh mún, việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Hai yếu tố then chốt trong mô hình sản xuất lúa phát thải thấp là quản lý nước hợp lý và xử lý rơm rạ hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Thạch cho rằng: “Trong điều kiện thực tế, không nhất thiết phải áp dụng tuyệt đối 100% quy trình kỹ thuật. Nếu nông dân có thể thực hiện được 50-70% quy trình và vẫn mang lại hiệu quả giảm phát thải rõ rệt thì cũng nên được khuyến khích nhân rộng”.

Tăng cường liên kết chuỗi để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu ha

Một trong những định hướng chiến lược hiện nay của ngành nông nghiệp là triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực chiếm hơn 50% sản lượng lúa gạo của cả nước.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nhận định: Đây là một bước đi đúng đắn, mang tính chiến lược lâu dài. Thời gian qua, các hoạt động từ truyền thông, xây dựng mô hình, đến hoạch định kế hoạch trung và dài hạn đã được triển khai đồng bộ và bước đầu cho thấy tính khả thi cao.

Tuy nhiên, sau một năm triển khai, theo đánh giá của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Đáng chú ý là vai trò và sự tham gia của các thành tố trong chuỗi giá trị hiện nay vẫn chưa thật sự rõ nét. Việc triển khai chủ yếu mới dừng lại ở một số chủ thể như nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu vào và đơn vị nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, mắt xích quan trọng là doanh nghiệp tiêu thụ và liên kết tiêu thụ lúa gạo quy mô lớn vẫn chưa được nhấn mạnh đúng mức.

Ngành lúa gạo trước áp lực phát thải và cơ hội bứt phá xanh ảnh 2

Các mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha vẫn còn quy mô hạn chế - chỉ vài trăm đến vài nghìn ha, hoặc vài chục nghìn tấn lúa.

Hiện tại, các mô hình thí điểm vẫn còn quy mô hạn chế - chỉ vài trăm đến vài nghìn ha, hoặc vài chục nghìn tấn lúa. Trong khi mục tiêu của Đề án là đạt 1 triệu ha, sản lượng khoảng 13 triệu tấn lúa mỗi năm. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và liên kết thị trường, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và nhân rộng mô hình trên toàn vùng.

Một trong những thách thức khác là thiếu các công cụ đồng bộ để đo lường phát thải, dẫn tới khó khăn trong đánh giá hiệu quả thực tế. Ông Tùng chia sẻ: “Nếu không có công cụ minh bạch để tính toán và xác nhận lượng khí nhà kính được cắt giảm, thì rất khó để tiếp cận thị trường tín chỉ carbon - một hướng đi có tiềm năng gia tăng thu nhập cho người nông dân”.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị vẫn chưa đầy đủ. Trong khi nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu vào đã tham gia khá tích cực, thì các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu vẫn chưa được kết nối chặt chẽ vào hệ thống. Điều này sẽ là một rào cản lớn nếu muốn mở rộng đề án trên quy mô lớn trong thời gian tới.

Ở góc độ khoa học, ông Trần Ngọc Thạch nhận định: Quy trình kỹ thuật hiện tại có thể được xem là tạm chấp nhận được, trong điều kiện chưa có nhiều nghiên cứu sâu để cải thiện. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả trong thực tế sản xuất, cần xây dựng bộ thông số kỹ thuật linh hoạt, có thể điều chỉnh theo điều kiện cụ thể từng vùng.

“Việc áp dụng linh hoạt từ 50 đến 70% quy trình kỹ thuật, nếu đạt hiệu quả giảm phát thải, cần được khuyến khích thay vì áp dụng cứng nhắc. Bởi nếu không linh hoạt, sẽ rất khó để triển khai đồng loạt trên diện rộng”, ông Thạch chia sẻ.

Về dài hạn, ông Thạch cũng đưa ra một số đề xuất đó là cần áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật, đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống thủy lợi và tưới tiêu thông minh. Song song đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu các hướng đi về mặt sinh học như phát triển giống lúa, chế phẩm sinh học có khả năng ức chế hoạt động của vi sinh vật sinh khí metan trong điều kiện ngập nước. Đây được coi là giải pháp bền vững, có thể áp dụng không chỉ cho 1 triệu ha trong đề án, mà còn cho hơn 4 triệu ha đất lúa trên toàn quốc.