Ngày ấy nụ cười trong nước mắt

Ngày 30/4/1975, khoảnh khắc ấy với những người đi qua cuộc chiến là điều quá đỗi thiêng liêng.
0:00 / 0:00
0:00
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái thăm lại Dinh Độc Lập - nay là Hội trường Thống Nhất. Ảnh | NVCC
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái thăm lại Dinh Độc Lập - nay là Hội trường Thống Nhất. Ảnh | NVCC

Đâu nghĩ chiến tranh dài thế

Cách đây tròn nửa thế kỷ, vào đêm 30/4 lịch sử, Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) cho phép bản thân trở về thăm vợ con sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Gần 30 năm xa cách, ngày ông đi, vợ mới mang thai vài tháng, thời khắc hội ngộ, con gái đã 28 tuổi, cháu ngoại vừa lên 3. Đứng trước căn nhà nhỏ chưa một lần ghé thăm, ông thổn thức gọi “Nhồng ơi! Nhồng”. Ngọn đèn hàng ba bật sáng, tiếng vặn ổ khóa lách cách, người chiến sĩ rơi nước mắt khi nghe tiếng vợ líu ríu, đứt quãng: “Anh về đó hả? Em biết mà, nghe gọi tên Nhồng, em biết chỉ có anh”.

Chưa kịp đáp lời, ông tháo chiếc khăn rằn trên cổ, nhẹ nhàng lau nước mắt cho người phụ nữ mảnh khảnh trước mặt mình rồi đặt một nụ hôn thật sâu lên trán bà, khẽ hỏi: “Sao em lại khóc? Vui lên chứ! Hòa bình vĩnh viễn rồi, độc lập thực sự rồi!”. Đêm hôm đó, người Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63 biết nhân dân Việt Nam ai cũng thế, mất ngủ vì niềm vui quá lớn.

Căn nhà thân thương ấy là nơi thử thách lý trí suốt thời gian ông làm tình báo. Ngày dặn vợ lên Sài Gòn, còn mình vào chiến khu, ông hẹn hòa bình gặp lại nhưng đâu biết chiến tranh đằng đẵng. Đi qua xóm nhỏ bao bận, biết vợ con mình trong đó đang mòn mỏi nhớ mong, nhưng chưa lần nào ông ghé. Nhờ cách nghĩ “xem như mình đã chết”, ông đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, mang về nhiều thông tin có giá trị. Trong hồ sơ mật khi bị người Mỹ và chế độ ngụy quyền miền nam Việt Nam truy tìm, người chiến sĩ tình báo tài ba được miêu tả vỏn vẹn vài dòng: “Tư Cang - Phó Chính ủy Tình báo miền nam, người trắng, cao, bắn súng bằng hai tay. Quê quán: chưa xác định. Gia đình: chưa xác định”.

Tháng 4/1975, khi đang học tập tại miền bắc, người chiến sĩ thuộc nằm lòng đường phố Sài Gòn được cấp trên điều về chiến trường miền nam tấn công đầu não của địch. Ông có nhiệm vụ chỉ những vị trí đóng quân quan trọng cho Quân đoàn 3. Trong trường hợp chính quyền Dương Văn Minh không đầu hàng, quân giải phóng sẽ pháo kích, đánh chiếm từng con phố, quyết giành lại độc lập, tự do. Ông trở thành Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động - Bộ Tham mưu miền (B2), đơn vị sẽ tiên phong đánh vào những cứ điểm trọng yếu ở cửa ngõ thành phố.

Ngày 27/4/1975, Chính ủy Tư Cang tổ chức cho bộ đội vượt sông, tấn công địch để giữ cho bằng được cầu Rạch Chiếc, thông suốt tuyến đường, đợi quân giải phóng tiến vào nội thành. Sáng 30/4/1975, khi đang cùng trợ lý pháo binh của Quân đoàn 3 bàn kế hoạch sẵn sàng tác chiến, nghe tiếng reo vang của chiến sĩ, đồng bào, rằng “Dương Văn Minh đầu hàng rồi”, ông cùng đồng đội xếp bản đồ lại nhìn nhau, ánh mắt rộn ràng hạnh phúc. “Hòa bình rồi thì bắn pháo làm chi nữa…”.

Mùa xuân đáng nhớ

Đầu năm 1974, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền nam Việt Nam thành lập Lữ đoàn 316 nhằm gấp rút chuẩn bị cho những trận đánh quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi ấy, chàng trai Nguyễn Đức Thọ, chiến sĩ thuộc Đại đội 32, Lữ đoàn 126 Hải quân cùng đại đội hành quân vào nam chuẩn bị chiến đấu. Thời điểm ấy, ông thuộc phiên hiệu Z23, Lữ đoàn 316. “Xuân ấy tôi tròn 20, đón một cái Tết đặc biệt cùng anh em giữa vùng sình lầy nước mặn, nơi sát cạnh Thủ đô của chế độ Việt Nam cộng hòa. Quà Tết gồm bánh chưng, giò chả, bánh trái do anh em ở hậu cứ Rừng Sác chuẩn bị. Đặc biệt, trong gói quà Tết còn có bốn chiếc kẹo Hải Hà của Hà Nội, sáu điếu thuốc lá Điện Biên, những lá thư của các cháu học sinh và phụ nữ miền bắc, thư chúc Tết của bác Tôn. Tất cả đều được chuyển đến tận tay từng người khiến anh em vô cùng xúc động. Sau Giao thừa, từ những gốc dừa nước nơi sinh lầy, nhìn vào Sài Gòn ánh điện sáng rực cả vùng trời, chúng tôi nhìn nhau, càng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ vì tin rằng ngày chiến thắng đang cận kề”, Trung úy Nguyễn Đức Thọ nhớ chuyện xưa.

Ngày ấy nụ cười trong nước mắt ảnh 1

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 (bên trái) trò chuyện cùng các chiến sĩ tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc năm 1975.

Sáng 24/4/1975, đơn vị đặc công nước Z23 nhận lệnh chuẩn bị đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, nhưng đến trưa hôm đó lại nhận lệnh hủy trận này. Toàn đơn vị cùng Đại đội Z23 và Tiểu đoàn D81 chờ đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, đón quân vào giải phóng Sài Gòn. Đây là nhiệm vụ đầy thử thách vì tại cửa ngõ quan trọng này, địch phòng thủ dày đặc. Ngay đêm 25/4, cả ba đơn vị trinh sát trận địa. Khuya 26/4, bắt đầu tìm cách tiếp cận mục tiêu. Ông Thọ được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên để tiêu diệt tháp canh của địch và làm hiệu lệnh chung cho toàn trận đánh. Bị tấn công bất ngờ, dồn dập, địch không kịp phản ứng, số bị tiêu diệt, số bỏ chạy, ta bắt sống 7 tên.

Sáng 27/4/1975, địch phản công chiếm lại cầu. Sau nhiều đợt tấn công không thành, chúng dùng pháo chụp khiến nhiều chiến sĩ của ta hy sinh, bị thương. Ngày 29/4/1975, đơn vị được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Khi ấy, lực lượng Z22 và Z23 chỉ còn 29 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Đúng 5 giờ sáng 30/4/1975, toàn bộ đơn vị đồng loạt nổ súng. Cuộc tiến công bất ngờ và ở khoảng cách quá gần khiến địch mất tinh thần, hoảng loạn, tìm cách tháo chạy. Các chiến sĩ đặc công từ dưới nước vọt lên bám sát chân cầu nổ súng quyết liệt. Chiếc tàu sắt trực chiến dưới chân cầu vội nổ máy, tháo chạy khỏi sông Sài Gòn.

Gần 7 giờ sáng, từ vị trí chiến đấu, ông Thọ cùng đồng đội phát hiện xe tăng có cắm cờ giải phóng đang tiến lại gần. Khi xe đến đầu cầu Rạch Chiếc, mọi người ùa ra reo mừng: “Giải phóng rồi, giải phóng rồi các đồng chí ơi!”. Xe tăng tiến thẳng vào nội thành, chuẩn bị cho thời khắc đặc biệt. Ngước nhìn dòng sông, gốc dừa nước, bụi cỏ, nơi vài ngày trước giao tranh quyết liệt khiến 52 chiến sĩ thuộc Z23 hy sinh, ông Thọ ngậm ngùi, gọi tên từng đồng đội, tay ghì chặt khẩu súng vào lòng.

Chương trình phát thanh đặc biệt

“Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em Quân đội Giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi là Giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng. Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…”. Trưa 30/4/1975, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trở thành “phát thanh viên” trong chương trình phát thanh đặc biệt thực hiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau lời thông báo mở đầu của ông Thái là lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng miền nam Việt Nam của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh.

Đã 50 năm trôi qua, ông Thái vẫn nhớ rõ từng sự kiện diễn ra trong ngày 30/4 lịch sử. Sáng hôm đó, ông Thái cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng tới Dinh Độc Lập. Không lâu sau, ông thấy một đoàn xe tăng rầm rập tiến về hướng dinh. Bỗng chốc, cửa chính bị húc đổ, đoàn xe tăng tiến thẳng vào thềm dinh. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ chạy vào trong. Lúc bấy giờ, ông Thái đề nghị dẫn đường lên nóc dinh cắm cờ. Đại tá Vũ Quang Chiêm, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống được tướng Hạnh giao nhiệm vụ hỗ trợ quân giải phóng lên cắm cờ.

Nhìn lá cờ nửa xanh nửa đỏ tung bay trong gió vào thời khắc đặc biệt của lịch sử, ông Thái và mọi người không thể cầm nước mắt. “Sài Gòn đã được giải phóng, hòa bình lập lại và đất nước từ nay thống nhất làm một, không gì có thể chia cắt được nữa. Thật ngẫu nhiên, vào thời điểm ấy, trên nóc Dinh Độc Lập có mặt 3 chàng trai của 3 miền đất nước. Anh bộ đội Thận gốc Thái Bình từ Đồng bằng sông Hồng, sinh viên Thái sinh ra ở thành phố cảng Đà Nẵng miền trung và Giáo sư Tòng quê Tây Ninh, Nam Bộ. Anh em chúng tôi vừa sung sướng, vừa hãnh diện. Vào giây phút ấy chắc chắn nhân dân cả nước đang reo mừng”, ông Thái bồi hồi kể lại.