Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới mạnh giàu

Tháng 4 năm 2025, đất nước Việt Nam đã đi qua nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất. Nhân loại đã đi qua một phần tư thế kỷ 21. Kỷ nguyên mới đã gõ cửa từng nhà, thiêng liêng mà bình dị. Nhìn lại lịch sử, hướng tới tương lai, ta bỗng thấy thêm quý, thêm yêu những trang sử hào hùng dân tộc và vững tin đi tới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh | THÀNH ĐẠT
Ảnh | THÀNH ĐẠT

Trong thế kỷ 20, các thế hệ con Rồng cháu Tiên đã kiến tạo nên hai kỷ nguyên vĩ đại. Đó là Kỷ nguyên Độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975); Kỷ nguyên Thống nhất đất nước, đổi mới (1975-2025). Hôm nay, chúng ta đang chuẩn bị hành trang, xốc lại đội ngũ để bước vào Kỷ nguyên vươn mình, bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng. Việc xác định các kỷ nguyên là một cách định danh, nhưng vẫn có thể tồn tại những cách tính toán và kiến giải khác. Điều chắc chắn, kỷ nguyên là biện chứng của phát triển, là sự nối tiếp nhau phù hợp quy luật cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không ngừng phát triển, hoàn thiện.

Nếu không có Ngày 30/4? Một nữ nhà thơ đã đặt câu hỏi và băn khoăn nếu không có ngày trọng đại ấy có thể “sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất/không một lần dám sống hy sinh”. Ngày ấy không chỉ là ngày miền nam giải phóng, đất nước thống nhất mà còn là bước ngoặt trọng đại, kết thúc hơn 20 năm chiến tranh, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên Thống nhất đất nước, đổi mới. Từ thời khắc ấy, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, vượt qua muôn vàn khó khăn để từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là bản Anh hùng ca vĩ đại, bởi nó minh chứng cho ý chí kiên cường và lòng yêu nước cháy bỏng, tinh thần kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Từ Chiến dịch Tây Nguyên (3/1975), Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (3/1975), quân và dân ta đã tiến đến chiến thắng quyết định: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chỉ trong 55 ngày tổng tiến công, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4 lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn. Lịch sử đã sang trang. Không còn chiến tranh. Không còn đêm nam ngày bắc.

Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV, Đại hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, tháng 12/1976, đã thể hiện tinh thần đầy hào sảng, xúc động: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Có một câu nói như một chiêm cảm lớn của V.I Lênin: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Người lưu ý rằng, việc thay thế một chế độ cũ và giành lấy quyền lực mới là bước đầu tiên. Điều quan trọng hơn, thách thức lớn hơn là làm thế nào để duy trì, giữ vững chính quyền và xây dựng một xã hội mới theo lý tưởng cách mạng. Sau ngày 30/4/1975, non sông ta liền một dải, song việc “giữ chính quyền” và thực hiện mục tiêu đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua biết bao giông tố.

Sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là cơ sở hạ tầng và nền sản xuất. Ở miền nam, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, gây ra sự xáo trộn lớn. Lạm phát, thiếu hụt lương thực, hàng hóa khan hiếm, đời sống người dân nhiều bề cơ cực. Thêm vào đó, sự cấm vận từ Mỹ và phương Tây càng khiến nền kinh tế thêm kiệt quệ. Gian nan là thế, nhưng với tinh thần tự lực tự cường, chúng ta đã từng bước khắc phục khó khăn, tiến hành khôi phục và tái thiết đất nước.

Và rồi cái gì đến phải đến như một tất yếu của lịch sử. Cánh cửa đưa Việt Nam hội nhập đã mở ra sau năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI khởi xướng công cuộc Đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc và triệt để. Từ mô hình kinh tế bao cấp, Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thành tựu của công cuộc Đổi mới sau bốn thập niên đã tạo nên thế và lực vững vàng để đất nước ta cất cánh. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ 20, khủng hoảng kinh tế-xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có lúc lên đến hơn 770%, thiếu lương thực triền miên, nhiều chủ trương cụ thể của Đảng khi đó bàn chuyên về đến vấn đề làm thế nào “giải quyết cái ăn” cho xã hội.

Câu chuyện “cổ tích” ấy giờ đây mỗi lần nhắc lại vẫn thấy nao lòng. Là một nước nông nghiệp xứ nhiệt đới có hai vựa lúa lớn là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng mà vẫn quanh năm thiếu lương thực. Chuyện lạ đã thành sự thật, đất hóa vàng ròng! Hàng chục năm qua đất nước ta đã bảo đảm được an ninh lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2024 theo giá hiện hành đạt gần 11.512 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng, hiện nay chiếm khoảng 85% GDP.

Trong bức tranh đất nước, thành phố Hồ Chí Minh sau nửa thế kỷ tự hào có bước phát triển nhanh chóng, luôn giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế. Nhiều năm liền thành phố giữ vững một “hằng số” ấn tượng: Tạo ra khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 27% tổng thu ngân sách. Năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước lần đầu vượt ngưỡng đạt hơn 2 triệu tỷ đồng thì riêng thành phố Hồ Chí Minh đạt 502 nghìn tỷ đồng. Và giờ đây khi nhắc đến “Hòn ngọc Viễn Đông” thời hội nhập quốc tế không thể không nhắc tới ba công trình tầm cỡ thế kỷ. Đó là công trình dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án phát triển về vùng phía nam thành phố, dự án Khu đô thị đại học. Đặc biệt, từ một con kênh nước đen, con kênh chết, Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã hóa thân, được ví như kênh đào Amsterdam của đất nước Hà Lan - xứ sở hoa tulip, mang vẻ đẹp theo chuẩn đô thị hiện đại, nhưng vẫn giữ nét riêng hiền hòa của thành phố mến thương.

Năm 1945 khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Đó là tầm nhìn xa rộng về mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả của công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước. Nhờ việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã có những bước đi để “phá băng”, hội nhập khu vực và quốc tế. Đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 12 nước, trong đó Indonesia và Singapore là hai trong số năm quốc gia sáng lập ASEAN, vừa nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam trong tháng 3 năm 2025.

Nửa thế kỷ đất nước thống nhất, vẫn biết còn không ít khó khăn, thách thức, chúng ta đã hội đủ điều kiện để tiến vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong Ngày hội non sông, càng thấm thía hạnh phúc của người dân sống trong hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc. Mỗi người dân đất Việt nghĩ gì đây, làm gì đây ở thời khắc lịch sử này? Muốn bay cao, bay xa và không bay lạc thì phải gọn nhẹ, làm thật tốt việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế; điều chỉnh về phân công, phân cấp; điều chỉnh về phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế.

Văn kiện Đại hội XIV dự thảo những định hướng lớn và những nhiệm vụ cụ thể: Phấn đấu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Con đường lớn, con đường sáng đã rộng mở. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự tăng tốc của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để chúng ta hình dung dáng hình đất nước 100 năm trong hiển hách những ngàn năm lịch sử.