Nghệ An có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

NDO - * Thái Bình nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Ðảng Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 quy hoạch phát triển 41 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 900 ha, trên cơ sở các quy định của Chính phủ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là quy hoạch phát triển công nghiệp.

Ðể đạt mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Nghệ An sẽ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, quản lý trực tiếp đầu tư phát triển và hoạt động trong cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành nhiều chính sách như: hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng/cụm; hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng với mức 100 triệu đồng/ha; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp với mức hỗ trợ tối đa ba tỷ đồng/cụm. Ngoài ra, tỉnh trích ngân sách đầu tư xây dựng đường giao thông đến hàng rào cụm công nghiệp, nhằm tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; khai thác có hiệu quả tiềm năng và nguồn lực sẵn có của từng địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển dịch vụ, tạo nhiều chỗ làm việc và tăng thu nhập cho người lao động. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, tỉnh kêu gọi đầu tư, ưu tiên nguồn vốn phát triển hạ tầng, bảo đảm thuận lợi để lấp đầy 27 cụm công nghiệp.

Hiện nay, Nghệ An có 12 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng và đang hoạt động với tổng diện tích 183,8 ha, tổng số vốn đầu tư theo dự án phê duyệt là 509,917 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư các doanh nghiệp, cụm công nghiệp đạt 1.913 tỷ đồng, bình quân từ 15 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng/doanh nghiệp, các cụm công nghiệp đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 4.900 lao động. Năm 2011, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp, cụm công nghiệp đạt gần 1.000 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thu ngân sách từ các doanh nghiệp, cụm công nghiệp đạt 75 tỷ đồng.

* Nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo các cấp ủy tiến hành, khảo sát đánh giá đúng thực trạng tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Từ đó, có biện pháp cụ thể nhằm duy trì chất lượng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, khắc phục những tổ chức đảng yếu kém.

Ðồng thời, Tỉnh ủy đẩy mạnh việc đổi mới phương thức hoạt động của cấp ủy các cấp, nhất là ở cơ sở. Ðể nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công 78 đồng chí là Tỉnh ủy viên và một số đồng chí là trưởng, phó giám đốc sở, trưởng, phó trưởng ban, ngành về tham gia sinh hoạt chi bộ, đảng bộ các xã, vừa nắm tình hình, vừa giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, những vụ việc nảy sinh. Các cấp ủy cơ sở, chi bộ tăng cường sinh hoạt theo chuyên đề, tập trung lãnh đạo, bàn giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc. Mặt khác, các cấp ủy tích cực thực hiện tốt chương trình đào tạo, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở; gắn kiện toàn tổ chức bộ máy với sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự đồng bộ giữa tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% số cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và trung cấp lý luận chính trị, trong đó 5% số cán bộ có trình độ cao cấp, cử nhân; 70% số cán bộ được bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước,...