Nghệ thuật - Cầu nối sẻ chia và hòa nhập

Giống như cầu nối cảm xúc giúp mọi người xích lại gần nhau, những dự án nghệ thuật dành cho người khuyết tật không chỉ mang đến phương tiện để họ biểu đạt, thể hiện bản thân, mà còn tạo ra không gian sẻ chia, nơi người khuyết tật được kết nối với cộng đồng, được lắng nghe, thấu hiểu và hòa nhập xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm được làm bởi những người thợ thủ công khuyết tật tại không gian trưng bày “Những mảnh ghép sẻ chia từ hy vọng”. (Ảnh: BTC)
Các sản phẩm được làm bởi những người thợ thủ công khuyết tật tại không gian trưng bày “Những mảnh ghép sẻ chia từ hy vọng”. (Ảnh: BTC)

Nghệ thuật xóa nhòa khoảng cách

Những ngày giữa tháng 3, đến thăm phố lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi được đắm mình trong không gian rực rỡ sắc màu của triển lãm “Những mảnh ghép sẻ chia từ hy vọng”. Chiêm ngưỡng những bức tranh ghép lụa tinh tế, cùng những sản phẩm nghệ thuật ứng dụng độc đáo như áo dài, áo phông, túi xách, vỏ gối…, khó ai có thể hình dung đó là tác phẩm được tạo ra từ những người thợ thủ công khuyết tật. Càng bất ngờ hơn là chỉ với những mảnh lụa vụn, những người thợ đã khéo léo sáng tạo để mang đến cho chúng hơi thở mới, đời sống mới.

Không dừng lại ở việc tạo ra không gian nghệ thuật, triển lãm còn chuyển tải câu chuyện về nghị lực và niềm tin, nơi mỗi khách tham quan có thể cảm nhận sâu sắc năng lực sáng tạo dồi dào và nghị lực bền bỉ của những người khuyết tật.

“Những mảnh ghép sẻ chia từ hy vọng” là sự kiện tiếp nối chuỗi dự án của Vụn Art - một doanh nghiệp xã hội ra đời từ năm 2017 với phương châm tạo dựng môi trường lao động nghệ thuật bền vững dành cho người khuyết tật.

Trước đó, Vụn Art đã khởi xướng chiến dịch “Những bức chân dung từ lụa vụn” nhằm cải thiện điều kiện làm việc của người khuyết tật, cùng với đó là nhiều workshop trải nghiệm thực hành tranh ghép vải thường xuyên được tổ chức, góp phần minh chứng cho sức mạnh của nghệ thuật trong việc kết nối cộng đồng và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội.

Việc sáng tạo những sản phẩm hữu ích, giàu tính thẩm mỹ, được thị trường đón nhận cũng là con đường để những người khuyết tật tại Vụn Art tự tin khẳng định: Khi được trao cơ hội, niềm tin, họ cũng có thể mang đến những giá trị tích cực cho cuộc sống, giống như cách Vụn Art đã tái sinh những mảnh lụa vụn.

Cùng chung mục đích nhân lên sự tự tin, thúc đẩy khả năng hòa nhập xã hội của người khuyết tật, lớp dạy khiêu vũ miễn phí Solar Dance Club hướng đến đối tượng người khiếm thị của huấn luyện viên Tô Văn Hòa cũng là một điểm sáng.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực khiêu vũ, thầy giáo Tô Văn Hòa đã tự xây dựng phương pháp giảng dạy đặc biệt. Thay vì sử dụng giáo trình truyền thống, thầy Hòa tập trung vào việc hướng dẫn bằng lời nói và cảm nhận, giúp học viên có thể phát triển động tác một cách tự nhiên.

Thầy Hòa chia sẻ, người bình thường học khiêu vũ thể thao đã khó, với người khiếm thị lại càng gian nan gấp nhiều lần. Nhưng nếu có thể chiến thắng bản thân, vượt qua những nỗi sợ, sự lo lắng ban đầu để từng bước chinh phục từng bước nhảy, thì khiêu vũ thể thao sẽ là cơ hội tuyệt vời để họ khẳng định bản thân, chủ động kết nối cộng đồng và cống hiến ở nhiều vị trí công việc khác, từ đó đem đến nhiều ánh sáng rực rỡ hơn cho cuộc đời mình. Chính điều này đã thôi thúc huấn luyện viên Tô Văn Hòa kiên trì duy trì lớp học suốt 6 năm qua.

Nhiều học viên từ chỗ e dè, thiếu tự tin nay đã trở thành những “chiến binh” trong các cuộc thi, sàn đấu lớn. Tiêu biểu là Lê Tuấn Hà, một học viên khiếm thị bẩm sinh đã gắn bó với lớp học 5 năm. Thông qua quá trình học tập, Hà không chỉ thu nhận được những lợi ích về sức khỏe, sự dẻo dai, mà còn cải thiện được khả năng giao tiếp.

Vượt qua nhiều trở ngại trong định hình không gian, xác định phương hướng, tư thế khiêu vũ, Hà cùng một số thành viên trong câu lạc bộ đã tham gia và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, như Hội thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”; Cúp các Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị…

Khi những giá trị nhân văn được trao đi cũng là lúc chúng lan tỏa, chạm đến trái tim nhiều người. Từ xuất phát điểm ban đầu là lớp học nhỏ ở Hội Người mù quận Đống Đa, Hà Nội, với sự chung tay góp sức từ nhiều huấn luyện viên khác, Solar Dance Club đã có mặt ở nhiều địa điểm tại Thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Bình, mở rộng hơn cơ hội để người khiếm thị được tiếp cận bộ môn khiêu vũ thể thao, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Thúc đẩy sẻ chia và kết nối

Lâu nay, người khuyết tật vẫn thường phải đối diện với những rào cản vô hình trong giao tiếp, hòa nhập xã hội, nên họ dễ rơi vào trạng thái tự ti, thu mình trong thế giới riêng. Thông qua nghệ thuật - thứ ngôn ngữ không cần phiên dịch, họ có thể thoải mái bộc lộ tài năng cũng như cảm xúc, suy nghĩ. Đó là lý do những năm gần đây, đã ra đời nhiều dự án sử dụng nghệ thuật làm phương tiện để mở cánh cửa bước vào thế giới của những người khuyết tật.

Bên cạnh Vụn Art, Solar Dance Club, còn có thể kể đến: “Beyond Barriers” - triển lãm tranh đặc biệt quy tụ các tác phẩm của trẻ khuyết tật từ các trường giáo dục đặc biệt trên cả nước, với thông điệp “Khiếm khuyết trên thân thể không có nghĩa là khuyết đi những tài năng”; “Nghe bằng mắt” - dự án dài hơi được thực hiện nhiều năm qua với chuỗi các hoạt động hội họa, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu… nhằm gắn kết cộng đồng người điếc với cộng đồng người nghe.

Gần đây nhất là chương trình biểu diễn nghệ thuật “Không giới hạn” được Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp The International Center tổ chức nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4)…

Không phải người khuyết tật nào cũng có năng khiếu để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng nghệ thuật, với sức mạnh chữa lành và kết nối cần được xác định là thành tố không thể thiếu trong hành trình xây dựng một xã hội nhân văn.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros - đơn vị đã đồng hành, tổ chức một số dự án nghệ thuật dành cho người khuyết tật, cho biết: Nghệ thuật từ lâu đã được xem là ngôn ngữ chung của nhân loại, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa hay thể chất. Đối với người khuyết tật, vai trò của nghệ thuật được thể hiện qua nhiều khía cạnh, từ khuyến khích sự tự biểu đạt đến tạo cơ hội kết nối xã hội.

Bên cạnh đó, nghệ thuật còn đóng vai trò như một công cụ trị liệu, hỗ trợ người khuyết tật cải thiện sức khỏe tinh thần và phát triển kỹ năng xã hội. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật do người khuyết tật tạo ra, còn có thể truyền cảm hứng, thay đổi cách nhìn của xã hội về khả năng và giá trị của người khuyết tật, từ đó giảm thiểu kỳ thị và khuyến khích sự hòa nhập.

Từ thực tế làm việc với những người khuyết tật bị tự kỷ, điếc, chậm phát triển trí tuệ, hạn chế vận động…, ông Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, cũng là Giám đốc Vụn Art khẳng định, việc tạo ra những sân chơi nghệ thuật cho người khuyết tật rất cần thiết.

Tuy nhiên, để những sân chơi này thật sự hiệu quả, hữu ích, cần có cách thức để những người khuyết tật mở lòng và sẵn sàng tham gia, cũng cần có sự đồng hành của các nghệ sĩ, tổ chức xã hội và cộng đồng để hướng tới những mô hình sáng tạo nghệ thuật vừa có giá trị, vừa mang tính bền vững.

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng trước hết, cần có sự đầu tư vào cơ sở vật chất tiếp cận, như phòng học nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu của những người sử dụng xe lăn, hay thiết bị hỗ trợ người khiếm thị…, bên cạnh đó là nguồn tài trợ cho đào tạo và sự kiện.

Các chương trình đào tạo chuyên biệt, phối hợp với chuyên gia nghệ thuật và nhà trị liệu nên được tổ chức thường xuyên, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Các sự kiện như triển lãm, hòa nhạc định kỳ cũng cần được đẩy mạnh để người khuyết tật được thể hiện tài năng.

Cộng đồng cũng cần được nâng cao nhận thức qua các chiến dịch giáo dục, từ đó giảm thiểu định kiến. Việc khuyến khích sự tham gia của tình nguyện viên vào các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật sẽ tạo nên một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ góp phần thúc đẩy sự hòa nhập…

Ở góc độ truyền thông, ông Vinh lưu ý, người khuyết tật là những người nhạy cảm, không muốn bị phân biệt đối xử hay kỳ thị, cho nên sử dụng ngôn ngữ tôn trọng và phù hợp là yêu cầu then chốt. Các tổ chức xã hội nghiên cứu về người khuyết tật đã có hẳn những chỉ dẫn sử dụng ngôn ngữ phù hợp với các nhóm khác nhau, các trường hợp khác nhau.

Ông cũng nhấn mạnh, hình ảnh truyền thông của các dự án cần làm nổi bật tài năng và tác phẩm, tránh tập trung quá mức vào khó khăn cá nhân, điều có thể vô tình biến người khuyết tật thành đối tượng của sự thương hại.

Bên cạnh đó, nội dung truyền thông cần bảo đảm tính tiếp cận, như cung cấp phụ đề cho người điếc, người khiếm thính, mô tả âm thanh cho người khiếm thị, người mù và ngôn ngữ dễ hiểu cho người khuyết tật trí tuệ.

Quan trọng hơn, truyền thông nên tránh khai thác câu chuyện cá nhân để gây xúc động, thay vào đó, cần nhấn mạnh hành trình sáng tạo và đóng góp nghệ thuật; cũng nên tham vấn ý kiến người khuyết tật trước khi triển khai chiến dịch truyền thông để xây dựng thông điệp phù hợp, tạo dựng niềm tin và duy trì câu chuyện lâu dài. Từ đó, giúp người khuyết tật có thêm cơ hội để đối thoại với cộng đồng, được lắng nghe, thấu hiểu và trân trọng...