Đẹp và Cuộc sống

Nghệ thuật vượt qua thị giác

Xúc động. Nghẹn lòng. Và không khỏi thán phục khi chứng kiến những học trò khiếm thị vẽ bức tranh về người mẹ giữa đồng lúa chín, hay nặn bức tượng về người cha bồng con. Gương mặt các em ánh lên nét hân hoan khi được sáng tạo bằng cả trái tim mình.

Họa sĩ Đào Ngọc Huỳnh (đeo kính) hướng dẫn các học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu làm gốm.
Họa sĩ Đào Ngọc Huỳnh (đeo kính) hướng dẫn các học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu làm gốm.

Vẽ tranh, nặn tượng từ bóng tối

Lần đầu đến làng gốm Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), được tận mắt thấy các học trò khiếm thị nặn tượng, làm bình hoa trong bóng tối, mà rất nhiều trong số tác phẩm đó được trang trí hình đôi mắt, trái tim, ngôi nhà, cha mẹ, ông bà đã khiến nhà điêu khắc Tommy Jerhammar - người Thụy Ðiển như nghẹn lại. "Vì sao trên bình gốm em lại trang trí một đôi mắt?", Lê Huy Hào, sinh năm 1996, đã trả lời câu hỏi của nhà điêu khắc Tommy: "Vì em yêu đôi mắt của mình". Ông Tommy nghe xong liền bậm môi lại như cố kìm nén lòng mình. "Tôi nhìn thấy trong mỗi tác phẩm gốm của các em thể hiện rất nhiều ước mơ và rất giàu tình yêu thương", ông Tommy nói.

Lê Huy Hào đang là học sinh lớp 9 Trường Nguyễn Ðình Chiểu, Hà Nội. Hào có thể đi lại không cần người dìu dắt, nhưng mọi thứ trước mắt em chỉ là một màn sương mờ ảo. Em được học làm gốm từ năm lên lớp năm, do đây là môn ngoại khóa của ngôi trường chuyên biệt mà em theo học. Nhờ thế, hằng tháng em được đến những làng gốm nổi tiếng như: Chu Ðậu, Bát Tràng, Hương Canh để được trải nghiệm, thỏa chí đam mê của mình. Yêu thích lắm, nhưng đó đều là những chuyến đi mà em không thể nhìn ngắm cảnh làng gốm với những khúc quanh hai bên ngổn ngang chum vại, tiểu sành ở Hương Canh, hay con đường chất đầy gốm sứ của Bát Tràng. Ðối với Hào, mọi thứ chỉ được cảm nhận qua những gì em có thể chạm vào. Ðó là những cái ôm vào lòng, những bàn tay ấm của các nghệ nhân hướng dẫn làm từng động tác từ lúc nhồi đất, vuốt thành sản phẩm đến vẽ hoa văn, hay đắp hình để trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Hào kể, lần đến Hương Canh cách đây hai năm được nghệ nhân Thanh Nhạn cho sờ vào tác phẩm của mình nặn trước đó đã được nung chín làm em sung sướng đến phát khóc. "Mặc dù không nhìn thấy những chi tiết trên sản phẩm mình làm ra, nhưng em tin người thân sẽ nhìn thấy những chia sẻ, suy nghĩ của em về vạn vật chung quanh trong mỗi tác phẩm", Hào cười tự tin. Giờ đây những khó khăn của việc nhồi đất, vuốt thành sản phẩm hay vẽ hoa văn đều được Hào vượt qua. Môn nghệ thuật này trở nên như máu thịt, thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của Hào.

May mắn hơn Hào một chút, khi đôi mắt vẫn còn chút may mắn thấy ánh sáng, nhưng chàng trai Lương Quốc Hưng tâm sự, thứ ánh sáng ấy không đủ để em nhìn thấy gương mặt của mẹ cha. Em học Trường Nguyễn Ðình Chiểu từ nhỏ và sớm được học vẽ tranh, làm tượng. Hưng nhớ lại, từ năm học lớp năm, cô giáo Hương Giang thường dùng những bảng lưới giúp em tô sáp mầu, tô đến đâu thì mầu nổi đến đấy, và em có thể cảm thụ được bức tranh của mình qua đôi bàn tay. Những tác phẩm ban đầu xuất phát từ chính những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống cũng như niềm mơ ước, khát khao của em. Miệt mài học hỏi để vượt qua chính mình, đến nay Hưng có thể tự làm những tác phẩm gốm trong thời gian ngắn với thao tác khá nhanh nhẹn. Những tác phẩm ấy có thể chưa đạt đến độ hoàn mỹ, tinh xảo nhưng nhìn những đôi tay non trau chuốt tác phẩm đã khiến người xem cảm phục về nghị lực và ý chí của chàng trai trẻ này. Hưng hiện là sinh viên năm thứ hai khoa Sư phạm Nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư nhưng em vẫn tham gia "Ngôi nhà nghệ thuật" của Trường Nguyễn Ðình Chiểu, hằng tuần quay về trường cũ vẽ tranh, nặn tượng. "Nơi đây là môi trường đã chắp cánh đưa em đến với nghệ thuật. Em mong sau này tốt nghiệp đại học sẽ trở về Trường Nguyễn Ðình Chiểu dạy các em nhỏ không may bị khiếm khuyết bẩm sinh như mình", Hưng bộc bạch.

Nghệ thuật vượt qua thị giác ảnh 1

Các học trò ở "Ngôi nhà nghệ thuật" đã trả lời được câu hỏi của nữ họa sĩ Elisabeth Peson rằng, nghệ thuật vượt qua được thị giác.

Sẽ là nghệ sĩ dù thiếu đôi mắt sáng

Những người làm nghệ thuật hội họa, điêu khắc như họa sĩ Ðào Ngọc Huỳnh vẫn chưa thể quên hình ảnh người phụ nữ tóc bạch kim, gương mặt tươi rói và hồn hậu xuất hiện trong một cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội cách đây chừng non một thập kỷ - bà Elisabeth Peson - họa sĩ và cũng là nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực văn hóa đến từ Thụy Ðiển. Bà bắt chuyện với các nghệ sĩ Việt Nam với câu hỏi đầy trăn trở: "Nghệ thuật có vượt qua được thị giác hay không? Làm thế nào để trở thành nghệ sĩ khi thiếu đi một công cụ quan trọng nhất trên con đường đến với nghệ thuật, đó chính là đôi mắt". Ít ai hiểu và trả lời ngay được câu hỏi của bà Elisabeth. Họa sĩ Ðào Ngọc Huỳnh hồi ấy cũng có con đang theo học Trường Nguyễn Ðình Chiểu, nhưng việc ông quyết định cho con theo học ngôi trường chuyên biệt này là nhằm mục đích con cái biết sống yêu thương, đồng cảm với người kém may mắn hơn mình. Ðó cũng là cơ duyên ông gặp và đọc được ý tưởng mà bà Elisabeth nung nấu - đưa nghệ thuật hội họa và điêu khắc đến với người khiếm thị. "Nhờ công lao nữ họa sĩ Elisabeth Peson khởi xướng, đến nay dự án "Nghệ thuật vượt qua thị giác", với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế: Lion Clup (Thụy Ðiển), DED (CHLB Ðức) tại Việt Nam đã bước sang năm thứ 8", họa sĩ Huỳnh cho biết.

* "Những tác phẩm nghệ thuật của các em đã gần gũi với đời sống xã hội. Các em đã chứng minh rằng, nếu được cho cơ hội, ngay cả những người kém may mắn, thiệt thòi nhất cũng có thể là những người xây dựng cộng đồng".

Họa sĩ, nhà điêu khắc ĐÀO NGỌC HUỲNH

Nhiều người quan niệm phải có thị giác mới đến được nghệ thuật, vậy nhưng bằng niềm yêu thích, đam mê với cái đẹp, chịu khổ chịu khó, các học trò Trường Nguyễn Ðình Chiểu đã trả lời cho câu hỏi của nữ họa sĩ Elisabeth Peson: Không có đôi mắt sáng vẫn tới được nghệ thuật, để trở thành một nghệ sĩ. Cảm nhận qua đôi bàn tay, qua lời kể, miêu tả của bạn bè, người thân, bằng nỗ lực và tài năng của mình, các em đã khẳng định, nghệ thuật vượt qua được thị giác. Bởi vậy trong chuyến trở lại Việt Nam tham dự triển lãm mang tên "Ánh sáng từ bàn tay", bà Elisabeth đã phải thốt lên kinh ngạc khi chứng kiến thành quả gần 200 tác phẩm điêu khắc gốm và một trăm bức tranh, mà mỗi tác phẩm là những cảm xúc, chứa đựng những ước mơ, khát khao và tâm sự riêng của các học trò khiếm thị. "Ở triển lãm "Nghệ thuật vượt qua thị giác" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp đó (năm 2011) đã cho người xem có một cái nhìn khác về nghệ thuật. Rằng, nghệ thuật xuất phát từ tâm hồn, không một khiếm khuyết nào có thể ngăn cản tâm hồn tiếp xúc với nghệ thuật. Ðã có em vẽ trăng mà dài như chiếc đòn gánh khiến tôi xem tranh mà chảy nước mắt, bởi các em nào biết trăng hình khối ra sao. Sự tưởng tượng của các em khiếm thị là vô cùng phong phú, nên chúng tôi rất muốn các em đưa những hình dung vô biên ấy vào nghệ thuật", họa sĩ Huỳnh nói.

Những ngày đầu năm 2015 này, mặc mưa phùn gió rét, bà Elisabeth Peson quay lại Hà Nội, đi lại như con thoi để đưa những tác phẩm của các nghệ sĩ khiếm thị nhí tới được công chúng thủ đô qua triển lãm Nghệ thuật kết nối tình bạn. "Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy nghệ thuật đang mang đến cho các em sự đam mê, những niềm vui, nó như một liệu pháp giúp các em giải tỏa tâm lý, bởi tôi hiểu người khiếm thị rất cần sự lạc quan để thoát khỏi sự tự ti, vượt qua những mặc cảm để hòa nhập cuộc sống", bà Elisabeth nói.