Đường lên bản Búng
Từ xa, trong mầu xanh trùng điệp của rừng nguyên sinh, dưới mái núi ven bờ sông Giăng là vệt dài như sợi chỉ đỏ của con đường dẫn lên thượng nguồn. Theo Chủ tịch UBND xã Môn Sơn Lương Văn Hoa, tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã được đầu tư, khởi công vào cuối tháng 9/2024, kéo dài tận bản Búng - nơi chót cùng của người Đan Lai trong vùng lõi đại ngàn Vườn Quốc gia Pù Mát. Trên tuyến đường này phải xây
4 cầu treo vượt sông Giăng. Khi đường và cầu hoàn thành, quãng đường
18 km từ trung tâm xã vào bản Búng chỉ mất khoảng 30 phút đi xe máy, bà con không còn chịu cảnh biệt lập như “ốc đảo” trong mùa mưa bão.
Dưới ánh nắng ban mai trên sườn núi, hoa ban nở trắng rừng, dòng sông Giăng trong vắt, nhìn thấy rõ từng viên sỏi. Đầu các con thác, những đàn cá mát chao mình rúc phù du dưới phiến đá, lấp lánh ánh bạc. Trước đây, do công tác quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng còn buông lỏng, lại gặp nhiều khó khăn, nên nạn đánh bắt cá trên thượng nguồn sông Giăng bằng thuốc nổ, kích điện đã khiến nhiều loài cá quý hiếm như cá mát, lăng, lệch gần như tuyệt chủng. Ngày trước, vùng này từng có nhiều loài thú quý hiếm như voi, tê giác, gấu, sao la xuất hiện, nhưng giờ gần như vắng bóng.
Trên đường vào bản Búng phải qua bản đầu tiên là Cò Phạt. Chúng tôi gặp Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Cò Phạt La Văn Linh. Nhận ra người quen cũ, ông bắt tay chào bằng tiếng Đan Lai: “Ô! Nhiều chum rồi mới gặp lại mặng em!” (nhiều năm rồi mới gặp lại người anh em). Ông xởi lởi cho biết: Bây giờ bản Cò Phạt có 126 hộ, 528 nhân khẩu, trong đó 5 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Cuộc sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào rừng, lấy măng, bắt ong. Ngoài ra, một số người trẻ đi làm ăn xa ở các tỉnh, các công ty. Thời gian qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học kiên cố và trạm quân dân y chăm sóc sức khỏe, đời sống dần cải thiện. Con đường từ trung tâm xã Môn Sơn qua bản Cò Phạt vào bản Búng dài khoảng 18 km đã cơ bản hoàn thành, giúp bà con giao lưu thuận lợi với bên ngoài, kết nối giao thương, tăng giá trị sản phẩm.
![]() |
Đường vào bản Búng cơ bản đã thông xe. Ảnh: NH.LÂN |
Gần rồi bản Búng
Hàng chục năm mới có dịp trở lại bản Búng, một bản trước đây đúng nghĩa “nơi sơn cùng thủy tận”, đúng nghĩa với tên gọi “tộc lá vàng” và “ngủ ngồi” bên bếp lửa dưới mái lá chuối. Khi lá vàng héo, họ lại dời đi nơi khác, đời sống như “tô mong, tô cụn, tô quang” (hươu, nai, lợn rừng). Có thể nói, bản Búng là một trong những nơi đặc biệt khó khăn bậc nhất nước.
Lần này trở lại, thay cho những mái lá chuối vàng úa, lỗ chỗ “trăng sao”, vách nứa sơ sài là những ngôi nhà mới lợp mái tôn xanh, đỏ khang trang. Trên những khuôn mặt sạm đen khắc khổ đã lộ nụ cười, niềm vui. Trưởng bản Lê Văn Chín và già bản La Văn Hoài chia sẻ: Bản Búng hiện có 125 hộ, 520 nhân khẩu, trong đó 3 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Lý giải cái nghèo đeo bám, họ cho rằng trình độ canh tác của bà con Đan Lai còn lạc hậu, diện tích lúa ít, mỗi hộ chỉ từ 40-50 m², lại thiếu vốn, công cụ sản xuất chủ yếu dựa vào tập quán cũ, hái lượm từ rừng. Nay được Nhà nước đầu tư cầu, đường, trường học, bờ kè chống lũ, bà con bản Búng yên tâm, vui sướng.
Vào bản Búng hôm nay đã có tuyến đường bê- tông lớn gắn với hệ thống mương thoát nước, chạy xuyên suốt bản, nối đến trụ cầu treo số 4. Hai bên đường, nhiều nhà dân được sửa sang, lợp mái tôn xanh, đỏ chắc bền, điểm trường được xây mới. Những năm gần đây, cùng với hệ thống giao thông, các điểm trường kiên cố cho bản Cò Phạt, bản Búng, kè chống sạt lở cho bản Búng đã được xây dựng. Thời gian qua, hai bản Đan Lai trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát được Nhà nước đầu tư điện, cung cấp con giống. Lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên bám bản, “cầm tay chỉ việc”, giúp cuộc sống người Đan Lai từng bước thay đổi, nhận thức cũng dần nâng lên. Có thêm đường và cầu, những triển vọng phát triển mới đang mở ra.
Tại bản Búng, cô giáo mầm non La Thị Nghi, người Đan Lai được học hành và đào tạo, đã trở lại quê dạy chữ cho con em. Cô chia sẻ: “Em nghĩ mình là người Đan Lai nên muốn góp sức để con em được học hành, nâng cao trình độ văn hóa. Các cháu ở đây cần được bày dạy để trở thành con người mới, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu. Bản Búng hiện đã có một học sinh vào đại học. Chừ lại được Nhà nước đầu tư điện, đường vào bản, đồng bào Đan Lai thuận lợi trong đi lại, nâng cao tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, có điều kiện giao lưu văn hóa, bỏ tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế. Tập thể giáo viên ở bản Búng cũng đỡ vất vả rất nhiều”.
Gặp Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Anh Tuấn, ông cho biết: Tuyến giao thông kết nối trung tâm xã Môn Sơn đến bản Búng có tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng, mang ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy kinh tế cho đồng bào Đan Lai trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Hiện dự án mới đầu tư giai đoạn 1 với gói thầu số 1 dài 6 km cùng cầu treo số 4. Do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, sạt lở nhiều, quá trình thi công gặp khó khăn. UBND huyện sẽ rà soát, điều chỉnh hồ sơ để bảo đảm cuối năm 2025 thông toàn tuyến. Bên cạnh đó, trong Đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai, Vườn Quốc gia Pù Mát đã lập kế hoạch tách diện tích đất, quy hoạch lại đất ở, đất rừng cho đồng bào Đan Lai ra khỏi đất Vườn Quốc gia. Nội dung này đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh và Chính phủ phê duyệt. Hiện UBND tỉnh và các sở, ngành đang hoàn thiện thủ tục để sớm giao đất cho bà con. Đồng thời, huyện cũng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh, hỗ trợ nhà ở cho 72 hộ nghèo Đan Lai còn khó khăn.
Như vậy, từ năm 2006, khi Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển tộc người Đan Lai, hai bản Búng và Cò Phạt đã được ưu tiên đầu tư điện lưới, trường học, trạm y tế và các dự án kinh tế. Hiện nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án xây dựng đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Búng đang được thực hiện. Hôm nay, ngược thượng nguồn sông Giăng vào “nơi sơn cùng thủy tận” không còn trắc trở, xa xôi!
Cùng với đầu tư xây dựng đường bộ vào thượng nguồn sông Giăng, đập Phà Lài là công trình thủy lợi lớn nhất xã Môn Sơn, được khởi công đầu năm 2000 và hoàn thành vào tháng 5/2002. Công trình nhằm giữ nước cho canh tác, sinh hoạt và phục vụ du lịch sinh thái, các tour du lịch cộng đồng. Kể từ khi hoàn thành, người dân đã tận dụng điều kiện tự nhiên, xây dựng nhiều nhà hàng nổi trên mặt nước để phục vụ du khách đặc sản ẩm thực, đồng thời sắm thuyền chở khách tham quan phong cảnh sơn thủy miền Tây Nghệ An.