Đầu thập niên 90, xã Tân Châu (nay thuộc xã Di Linh, Lâm Đồng) với 2/3 là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn nằm trong danh sách những xã nghèo nhất tỉnh. Như một kỳ tích, Tân Châu đã chuyển mình vươn dậy, trở thành quê hương của những tỷ phú người dân tộc thiểu số. Ở xã này, trên tổng số 1.870 hộ dân đã có tới 290 hộ giàu với thu nhập mỗi hộ cả tỷ đồng hằng năm. Trong tổng số 290 hộ giàu thì có tới 244 hộ là người đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi hộ này đang sản xuất, kinh doanh từ 10 ha cà-phê trở lên. Xã Tân Châu xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ Đổi mới. Buôn Ka Ming (nay thuộc xã Di Linh, Lâm Đồng) là một trong những buôn dân tộc thiểu số Cơ Ho đi đầu đổi thay cung cách làm ăn. Bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sớm, từ cây lúa sang cây cà-phê. Cây lúa chỉ giải quyết cái ăn, cà phê đã giúp họ làm giàu. Khi giá cà-phê tăng cao, chỉ một, hai vụ là nhà lầu mọc lên san sát, những âm thanh điện tử và tiếng động cơ rộn rã buôn làng.
Du lịch cũng là một lựa chọn, và nhiều buôn làng đã thành công theo hướng đi này. Thực tế hiện nay, khi rất nhiều buôn làng đón ánh hoàng hôn trong không khí trễ nải với những chiếu rượu thì ở những buôn làng khác lại sáng lên những bếp lửa văn minh. Những người trẻ đã tiên phong trong việc tổ chức kinh doanh du lịch bằng việc khai thác chính các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Ở vùng Tây Nguyên, đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, trở thành nguồn thu nhập chính của một bộ phận đồng bào. Rất đáng khích lệ là thị trấn Lạc Dương (nay thuộc phường Lang Biang, Lâm Đồng). Chỉ vài buôn nhỏ trong một miền núi rừng heo hút, nay đã trở thành một điểm đến quen thuộc. Vùng đất này nổi tiếng bởi sự đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bidup-núi Bà; bởi những giá trị quý báu của văn hóa Cơ Ho đang được phát huy. Cũng như Lạc Dương, du lịch cộng đồng được xem là cứu cánh cho các buôn làng Ê Đê nội thị thành phố Buôn Ma Thuột (nay thuộc phường Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Trên địa bàn này hiện nay có bảy điểm du lịch cộng đồng, thu hút hàng nghìn lao động người dân tộc thiểu số tham gia (ẩm thực, cồng chiêng, văn nghệ dân gian, chế tác và mua bán đồ thủ công mỹ nghệ, nhạc cụ truyền thống). Những sản phẩm du lịch đặc sắc đã dần thu hút du khách. Đến nay, một số buôn làng ở thành phố Buôn Ma Thuột như Akô Dhông, Dhăp Rông, Ea Bông, Kô Tam đã thường xuyên kết nối với du khách trong và ngoài nước thông qua các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp du lịch trong nước. Đây được xem là hướng đi phù hợp và thực tế cho thấy loại hình du lịch cộng đồng nơi này đã tạo ra sinh kế ổn định cho bà con…
Dám thay đổi tư duy, dám làm và sáng tạo trong cách làm để cải thiện cuộc sống, chính là câu trả lời cho sự thành công trên hành trình tìm kiếm sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số. Một vài thí dụ trên đây đã góp phần chứng minh điều đó.