Nỗ lực xóa bỏ hủ tục nơi phên dậu

Hôm nay đường vào bản như xa hơn vì mưa cứ rả rích không ngừng, đường trơn trượt khiến Thiếu tá Nguyễn Văn Ngân và đồng đội chẳng thể đi nhanh dù con đường đã quá quen thuộc. Đây đã là lần thứ 5 những cán bộ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 tới nhà Sùng Thị Hoa (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) để thăm hỏi và động viên cô bé đi học trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Đoàn 379 “3 bám, 4 cùng, 5 có” với dân bản.
Bộ đội Đoàn 379 “3 bám, 4 cùng, 5 có” với dân bản.

Những lời ru buồn trên các bản làng

Cô bé Sùng Thị Hoa lấy chồng, sinh con khi mới chưa đầy 15 tuổi mà chẳng nghĩ ngợi nhiều bởi tục tảo hôn đã tồn tại ở những xã vùng cao biên giới này đã nhiều thế hệ. Chưa đầy 16 tuổi, Hoa đã là mẹ của một cậu con trai và trải qua đổ vỡ hôn nhân.

“Bọn em quen nhau hai tháng rưỡi mới yêu ạ. Lúc yêu thì hứa đủ điều, nhưng mà đẻ con xong lại không muốn lấy nữa, lấy đủ lý do để đuổi mình khỏi nhà họ”, Sùng Thị Hoa nhớ lại.

Quen chóng vánh đã mang bầu, Hoa dọn về nhà ở với chồng mà chưa kịp tổ chức lễ cưới, cũng chưa đủ tuổi để đăng ký kết hôn. Rồi Hoa quay trở về nhà mẹ đẻ vì chồng không còn muốn thừa nhận đứa con.

“Anh chị đi trước thì bảo là nên đi học đừng nên lấy chồng quá sớm, khổ lắm. Nhưng mà lúc đấy vẫn còn nhỏ thì không biết cứ nghĩ là lấy chồng sẽ sướng lắm. Các bạn cùng tuổi thì đi học, có người thì đi làm cũng thấy tốt, còn mình thì…”, Hoa ngừng lại, tay ôm chặt hơn cậu con trai chưa đầy một tuổi đang dụi đầu vào ngực mẹ.

Câu chuyện của Sùng Thị Hoa không hiếm. Sau nhiều chục năm vận động bỏ nạn tảo hôn, vẫn còn những “lời ru buồn” như thế. “Ở dưới này họ ít nơi vui chơi, hiểu biết cũng hạn chế. Cứ mỗi lần có lễ hội, có chợ là tất cả cùng tụ tập. Thấy bạn có người yêu, có chồng mà mình 13 - 14 tuổi vẫn chưa có ai thì là “ế”. Rồi có bầu hoặc thích nhau là dắt nhau về đòi cưới”, Thiếu tá Nguyễn Văn Ngân (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379) kể. Nhiều năm làm công tác dân vận, vận động bà con từ bỏ hủ tục, người cán bộ ấy vẫn có phần day dứt khi nhìn thấy những đứa trẻ phải lấy chồng hay làm cha, làm mẹ lúc còn quá trẻ: “Trong mắt bà con thì gái cứ 13, còn trai 16 là lấy được rồi, thay đổi hủ tục truyền nhiều thế hệ như thế thì cần rất nhiều cố gắng. Mình phải đi giảng giải, phân tích cho bà con là không phải cứ lấy sớm là thêm của mà còn là nghèo đi, là ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản”.

“Chúng nó yêu nhau đòi cưới nhau bố mẹ không can được vì thời xưa bố mẹ chúng ai cũng tảo hôn. Không cho chúng nó cưới chúng nó đòi ăn lá ngón”, chị Thào Thị Dua, một người dân ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên - tâm sự, “Nhưng đấy là chúng nó trẻ con, người lớn, bố mẹ và các cán bộ lựa lời thì có đứa lại nghe, lại cố gắng học hết cái chữ, đủ tuổi mới cưới”.

Đi từng nhà, rà từng người xóa bỏ hủ tục

Đóng quân trên một địa bàn rộng, bao gồm 28 xã (18 xã biên giới) đặc biệt khó khăn thuộc bốn huyện (Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ - tỉnh Điện Biên và Mường Tè - tỉnh Lai Châu), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 không biết đã phải đi bao nhiêu lần, vận động bao nhiêu trường hợp tảo hôn, bỏ học sớm. Sau nhiều chục năm nỗ lực, hiện tỷ lệ tảo hôn tại 28 xã miền núi trên địa bàn đã giảm đáng kể. Những hủ tục như ép cưới hay bắt ép cướp vợ cũng gần như không còn nữa.

“Ngày mới về Đoàn, chính tôi đã cùng các đồng chí khác đi đến tận nhà một thanh niên trong bản vừa “bắt cóc” một cô về làm vợ, thuyết phục mãi. Phong tục là phải yêu rồi mới bắt, nhưng đây chẳng yêu đương gì, cô bé thì nhỏ tuổi bị bắt trên đường, bố mẹ thì ở xa không đến cứu kịp”, Đại tá Nguyễn Văn Thường, Đoàn trưởng đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 nhớ lại. “Chúng tôi đến nhà cậu thanh niên, phân tích, dọa nạt đủ cả thì cậu ta mới thả người. Cô bé con khi ấy khóc đã héo cả người. Giờ gần 20 năm trôi qua, giờ chúng tôi gặp lại mà có nhắc cô ấy vẫn buồn, nước mắt rơi lã chã”.

Hủ tục đã để lại vết thương lòng cho rất nhiều người dân đồng bào nơi đây, thậm chí là nhiều người phải đánh đổi cả sinh mệnh con người. Trầm ngâm nhìn về phía xa, Đại tá Nguyễn Văn Thường kể lại câu chuyện buồn về một sản phụ chỉ vì “tục lệ” nên phải tự dựng lán trong rừng sâu rồi sinh con để cả hai mẹ con đều mất. Sau lần như vậy, những người cán bộ của Đoàn lại càng tự hứa phải quyết tâm sâu sát hơn nữa.

“Một lần khác người dân đến báo, có gia đình con ốm nặng mà không mang đi bệnh viện, nhà chỉ treo cành xanh và đợi làm lý”, Đại tá Thường nhớ lại một lần đi vận động bà con. Làm lý là cách những người dân ở đây tìm đến các thầy cúng, mong muốn cúng bái xua đuổi tà ma, xui xẻo. Nhiều người vì tin vào làm lý mà không cho bác sĩ khám bệnh, không tin vào bộ đội, cán bộ xã, dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng. Để thay đổi nhận thức, không thể cứng rắn, cũng không phải ngày một ngày hai. “Hiểu rõ phong tục của bà con rồi, chúng tôi đến và nhất trí cùng bà con làm lý, đồng thời khám bệnh và cấp thuốc, điều trị luôn cho người ốm đấy. Đầu tiên họ cũng không cho uống thuốc nhưng chúng tôi bảo đảm, nếu có gì chúng tôi chịu trách nhiệm, rồi uống thuốc xong người bệnh khỏi”, Đại tá Thường nói về cách giải quyết vấn đề.

Từng là một thầy cúng, từng chỉ tin vào việc có bệnh là do “có ma”, nhưng nay ông Vàng A Khái (xã Ma Thi Hồ, huyện Mường Chà, Điện Biên) đã nghĩ khác, ông tin vào một điều khác nhiều hơn, đó là “Tin Đảng, tin Nhà nước và tin các cán bộ”. Ngôi nhà nhỏ của ông Khái vẫn còn đầy đủ “đồ nghề” của một người thầy cúng, nhưng không phải lúc nào cũng “làm lý”, đặc biệt trong việc chữa bệnh. “Giờ mình làm lý là để giữ phong tục tập quán của người dân tộc mình, như nhà có trẻ con khóc thì mình làm cái lý xem cháu nó có hết khóc không. Chứ nhà mà có người ốm, cán bộ nói một câu là đi viện đi thì mình cũng phải đi viện. Đi xong uống thuốc là khỏe nên tin, tin cán bộ lắm”, ông Khái nói.

Niềm tin dựng xây từ tình quân dân thắm thiết

Cũng bởi có niềm tin mà những hủ tục như tảo hôn, chữa bệnh bằng thầy cúng hay việc tin theo các đạo lạ cũng dần được xóa bỏ. Để có được niềm tin tuyệt đối từ quần chúng nhân dân, suốt 25 năm đóng quân tại địa bàn Khu Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà, Đoàn 379 đã thực hiện tốt mô hình “3 bám, 4 cùng, 5 có”

(3 bám: Bám chủ trương đường lối, bám địa bàn, bám dân; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào; 5 có: Có hiểu biết, có tâm huyết, có trách nhiệm, có năng lực ứng xử, có bản lĩnh) để gần gũi, giúp đỡ đồng bào. Lên Đoàn từ những ngày đầu tiên thành lập, Đại tá Nguyễn Văn Thường tự hào kể rằng, mình đã đặt chân đến tất cả những bản làng dù là sâu nhất, xa nhất, đến đâu cũng được người dân nhớ mặt, nhớ tên và “mời vào uống rượu”.

“Khoảng 25 năm trước, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Đoàn 379 gần như không điện, không đường. Lúc đó vào nhà người dân không có gì đáng giá đến 10 nghìn đồng, quần áo không có mà mặc. Ở thì bằng cái bạt tre dựng tạm, họ hàng mới cho thóc lúa để đi làm giống. Đi nương thì kiếm cái gì trong rừng là phải ăn cái đó, bộ đội có khi phải nhường cơm sẻ áo”, Đại tá Thường nhớ lại. “Ngày ấy muốn vào đến các bản, tôi cứ đi bộ ròng rã mất hai ngày, đến bữa dừng lại ăn, mệt thì ngủ tạm đâu đó nhưng lúc nào ý chí cũng cao vì mình là cán bộ trẻ, được đi làm nhiệm vụ, được giúp đỡ người dân. Giờ hạnh phúc nhất là thấy người dân mỗi ngày một khấm khá, người dân thấy mình là hồ hởi ôm hôn”.

Còn với Thiếu tá Nguyễn Văn Ngân, sự gần gũi với giữa anh và người dân được xây dựng từ những hành động nhỏ nhất: “Mình phải tạo sự gần gũi của bà con, mình không chỉ nói bằng lời mà còn phải là những hành động, mình giúp đỡ làm nhà, khai hoang ruộng đất và áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi. Đời sống bà con khấm khá rồi, bà con và cán bộ thân thiết rồi thì nói bà con sẽ nghe. Riêng câu chuyện tảo hôn, lúc vận động mình tuyên truyền với các video để bà con nhìn thấy thực tế tác hại của hủ tục ấy, hay những trường hợp như em Hoa thì Đoàn lại giới thiệu việc làm hay các lớp học để em bắt đầu cuộc sống mới. Cái niềm tin được xây dựng từ đó”.

Có lẽ chính bởi trách nhiệm người quân nhân và tình cảm dành cho người đồng bào nơi đây, bước chân của những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 suốt nhiều chục năm vẫn không biết mỏi trên các bản làng, ngày và đêm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ hết lòng vì nhân dân. Đổi lại, tình yêu thương của người dân dành cho bộ đội cũng thật sâu đậm.

“Có cái cán bộ Đoàn 379 này, cuộc sống người dân là khá hơn nhiều lắm đấy. Các cán bộ cái gì cũng cho, cho dê, cho ngựa, cho cá, yêu các chú bộ đội lắm”, chị Thào Thị Dua (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) tâm sự. Nhà chị thuộc diện nghèo, nhờ chính sách cấp phát con giống của Đoàn 379 mà nay nhà đã khấm khá hơn, chị cho các con được đi học.

Tương tự với nhà chị Dua, ông bà Sùng Thị Súa tại xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cũng vui vẻ phấn khởi nói về chú trâu giúp gia đình “thoát nghèo”: “Hai vợ chồng già nhận được trâu từ cán bộ thì vui lắm, chưa bao giờ nghĩ nhà mình lại có con trâu trong nhà để chăn. Các cán bộ giúp đỡ, quan tâm nên mình lúc nào cũng tin và yêu các cán bộ lắm”.

Nơi vùng cao xa xôi của Tổ quốc, cuộc sống người dân đã ngày càng ấm no hơn, thế trận lòng dân cũng thêm vững chắc khi người dân tin yêu vào bộ đội ta, vào Đảng và Nhà nước.