NSND Bạch Diệp tên thật là Nguyễn Thanh Tâm, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh tại Hà Nội và được hưởng thụ sự quan tâm giáo dục chu đáo từ gia đình. Mang khát vọng tự do của dân tộc, với nhiệt tình sôi nổi, lãng mạn của tuổi trẻ, năm 16 tuổi, Bạch Diệp hăm hở gia nhập phong trào Việt Minh, tham gia Tổng khởi nghĩa và phong trào phụ nữ cứu quốc ở Hải Dương, rồi hoạt động trong Tỉnh hội và Thường vụ Liên khu III. Năm 1954, về tiếp quản Hà Nội cùng đoàn quân chiến thắng, người nghệ sĩ - chiến sĩ Bạch Diệp thật sự được sống cùng niềm đam mê của mình khi chuyển công tác về Báo Nhân Dân, phụ trách tổ Hà Nội. Năm 1959, Bạch Diệp theo học lớp đạo diễn đầu tiên của Trường Ðiện ảnh Việt Nam. Dưới mái trường này, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ), bà được trang bị những kiến thức lý luận cơ bản và có dịp đắm mình với nhiều kiệt tác điện ảnh và văn hóa - nghệ thuật của thế giới. Ðây chính là mạch nguồn quan trọng tạo nên vốn kiến thức sâu rộng cùng những thủ pháp tài hoa trong các tác phẩm của nghệ sĩ Bạch Diệp.
Về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Bạch Diệp đã ghi dấu ấn thành công với bộ phim sân khấu Trần Quốc Toản ra quân (Bông sen Bạc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần II). Tiếp đó, với tác phẩm khai thác đề tài xây dựng con người mới Người về đồng cói, đạo diễn Bạch Diệp trở thành nghệ sĩ đầu tiên đưa hình tượng người thương binh từ chiến trường chống Mỹ về làng trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm điện ảnh. Tiếp đó, các tác phẩm Câu chuyện làng dừa, Ngày lễ thánh (Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ IV) đã khẳng định tài năng của nữ đạo diễn trong khai thác tâm lý và tính cách nhân vật. Qua các tác phẩm của mình, đạo diễn Bạch Diệp đã dũng cảm không đi theo lối mòn của việc xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng với những hành động xuất chúng, phi thường, mà "đi vào khía cạnh riêng tư của nhân vật anh hùng".
Ðiều đạo diễn Bạch Diệp tâm niệm chỉ có thể đạt được cùng tác phẩm khi tác giả gắn bó trong tình yêu bền chặt với cuộc sống, với con người, bằng lao động nghiêm túc, bền bỉ, nhiệt thành và tài năng thiên bẩm. Với những bộ phim như Huyền thoại về người mẹ (Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần VIII), Người chưa biết nói (Giải Ðặc biệt của Ban giám khảo LHP Ða-mát) ...đạo diễn- NSND Bạch Diệp đã có những cống hiến sống cùng năm tháng. NSND Bạch Diệp không chỉ là niềm tự hào tỏa sáng trong giai đoạn phát triển nhiều thành tựu của điện ảnh cách mạng, mà đã thật sự trở thành một trong những hình ảnh sâu đậm trong ký ức cộng đồng, mang sức lôi cuốn của nghệ thuật điện ảnh đến với nhiều thế hệ người xem.
Những thử thách đối với đạo diễn Bạch Diệp sau mỗi thành công, là làm sao để quên đi những gì đã hằn nếp, để xóa đi những đường nét thể hiện đang có khuynh hướng cố định lại. Bằng lao động nghiêm túc và ý thức trách nhiệm cao, NSND Bạch Diệp đã vượt qua các khó khăn đó để tạo những bất ngờ mới trong mỗi giai đoạn sáng tác. Ở mỗi tác phẩm, đạo diễn Bạch Diệp đều để lại những đóng góp mới trong việc tìm tòi nghệ thuật diễn tả, đi sâu khắc họa đời sống bên trong của các nhân vật. Trong bộ phim Trừng phạt (Giải Ðặc biệt LHP quốc tế các nước không liên kết), nữ đạo diễn khai thác quá trình sụp đổ tinh thần của một viên sĩ quan ngụy. Tác phẩm không chỉ mô tả hành động dã man, tàn ác của kẻ địch, điều quan trọng hơn và cũng là nét mới là đi sâu thể hiện những suy nghĩ thâm độc, tư tưởng phản động, triết lý suy đồi của các nhân vật, qua đó lột tả bản chất và sự sụp đổ tất yếu từ bên trong của chúng...
Dung dị mà tinh tế, đó là nét nổi bật trong phong cách sáng tác của NSND Bạch Diệp. Những số phận, những cuộc đời mà nữ đạo diễn tái hiện trên màn ảnh đã đem lại cho chúng ta bao nỗi niềm, bao nghĩ suy. Cả buồn đau, cả nỗi ám ảnh... Nhưng bao trùm lên tất cả là ánh sáng của niềm tin, là tấm tình tha thiết với con người và cuộc đời. Phải chăng đó là ý nghĩa trọn vẹn của cái đẹp?
Trên con đường sáng tạo nghệ thuật không ngưng nghỉ, đạo diễn - NSND Bạch Diệp đã vắt trọn tâm sức để mỗi giờ, mỗi phút cũng ắp đầy ý nghĩa. Có lẽ vì vậy mà khi đã ngoại bát tuần, cho đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, bà vẫn lăn lộn trên trường quay, vẫn trăn trở với từng trang kịch bản. Bà đi trọn nỗi đam mê cùng nỗi khát khao giản dị của người nghệ sĩ: Tìm được cái mới, đem lại sức sống cho nghệ thuật, để từ đó tìm được mối đồng cảm với bao người.
Nữ đạo diễn Bạch Diệp đã tìm được mối đồng cảm cao quý đó - để thật sự trở thành người Nghệ sĩ Nhân dân.