Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân

Được kỳ vọng sẽ tạo tinh thần đổi mới, khí thế mới và sự hứng khởi, quyết tâm cao độ không chỉ ở khu vực kinh tế tư nhân mà trong toàn xã hội, Nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân sắp được ban hành sẽ định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân. Qua đó, kiến tạo nền tảng nhằm ươm dưỡng khu vực kinh tế này thật sự trở thành “đòn bẩy” của xã hội thịnh vượng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như: Vingroup, Thaco, TH, HPG... đã vươn tầm khu vực và trở thành những thương hiệu mang lại niềm tự hào cho người dân Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như: Vingroup, Thaco, TH, HPG... đã vươn tầm khu vực và trở thành những thương hiệu mang lại niềm tự hào cho người dân Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Góp sức kiến thiết môi trường kinh doanh

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Mới đây, tại cuộc hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam” do Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) phối hợp tổ chức, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân được xác định một cách có hệ thống thông qua những Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết và định hướng của Đảng.

Quan điểm, chủ trương nhất quán, đúng đắn và xuyên suốt của Đảng về kinh tế tư nhân là nền tảng để kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước suốt chặng đường 40 năm Đổi mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế tư nhân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại lớn từ những rào cản trong tiếp cận nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng… Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân “không thể lớn hoặc không muốn lớn”.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ ra, bộ máy quản lý của các bộ và chính quyền địa phương chưa thật sự đổi mới, vẫn nặng về cơ chế “xin-cho”, can thiệp trực tiếp vào việc quản lý và huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp. Cụ thể, nguồn lực đất đai vẫn đang quản lý theo hình thức này thay vì theo hiệu quả và vì sự phát triển của đất nước.

Để giải quyết những tồn tại, bất cập hiện nay, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh đến những giải pháp như: Cần thống nhất, nhất quán về tư duy “đột phá”; thay đổi quan điểm, nhận thức về vai trò và vị trí của khu vực kinh tế tư nhân; Nhà nước cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; hết sức quan tâm khâu thực thi; tăng cường cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính, đất đai cho khu vực tư nhân…

Tạo sự bình đẳng cho kinh tế tư nhân trong tiếp cận bất động sản đặc thù là mối quan tâm lớn của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Ông khẳng định, đội ngũ doanh nhân sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm cùng Nhà nước. Là Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, ông Mai Hữu Tín kiến nghị, để cải thiện môi trường kinh doanh, cần đẩy mạnh ứng dụng Chính phủ điện tử, xóa bỏ “xin-cho” trong cấp phép, ứng dụng công nghệ để gia tăng tính chính xác của số liệu…

Cơ hội lịch sử không thể chậm trễ

Khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tư nhân đã được nhận diện rõ và đúng đắn, ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nêu rõ: Qua 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành khu vực đông đảo nhất, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Để giải quyết, tháo gỡ được các điểm nghẽn và phát huy được tiềm năng, sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân thời gian tới, cần tạo tinh thần đổi mới, khí thế mới và sự hứng khởi mới trong toàn xã hội. Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân cũng cần đổi mới tư duy quản trị, luôn nhận thức, hành động gắn với đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phát huy hơn nữa sự năng động, sức sáng tạo và chủ động tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng một môi trường đầu tư-kinh doanh hiện đại, lành mạnh.

Dẫn ra những thí dụ phát triển kinh tế tư nhân tại một số quốc gia, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam lưu ý, kinh tế tư nhân phải được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện, dẫn dắt. Vai trò hỗ trợ và kiến tạo của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, cần giải phóng lập trường quan điểm, thay đổi từ tư duy tới chế độ, chính sách... Qua đó giúp kinh tế tư nhân thật sự trở thành “đòn bẩy” của xã hội thịnh vượng.

Là đại diện cơ quan được giao chắp bút dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân để trình Chính phủ và Trung ương ngay trong những ngày cuối tháng 3 này, sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp tư nhân, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) chia sẻ, quả thực, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do không rõ ràng về khung pháp lý. Đơn cử như lo ngại bị vướng vào vòng pháp lý, do đó, cần phải làm rõ cách thức “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” trong Bộ luật Hình sự. Cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết đang phối hợp các bộ, ngành, nhất là ngành Công an để xác định cụ thể các quy định này.

"Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp”.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam