Cách thức làm giàu

Trồng rừng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, keo lai có đặc tính sinh trưởng nhanh về đường kính, chiều cao và hình khối (thân cây thẳng, cành nhánh nhỏ, sinh trưởng và phát triển tốt), khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện địa chất và các loại đất khác nhau. Ngoài giá trị về mặt kinh tế, cây keo lai còn có giá trị về mặt môi trường như có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn.

Keo lai mọc nhanh, cành lá phát triển mạnh, sau khi trồng từ 1 đến 2 năm rừng đã khép tán, cải thiện được tiểu khí hậu, đất đai nơi trồng, che chắn hạn chế dòng chảy, trả lại một lượng cành khô lá rụng cho đất. Hiện tại, ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, keo lai chiếm 70% diện tích, keo tai tượng chiếm 15%. Keo lai hom năng suất đạt từ rừng trồng khoảng 18 đến 20 m3/ha/năm; năng suất rừng trồng mô từ 20 đến 25 m3/ha/năm; nơi đầu tư thâm canh cao và lập địa tốt có thể đạt hơn 30 m3/ha/năm.

Tuy nhiên, nhiều chủ rừng vẫn sử dụng các giống cũ, hoặc giống không rõ nguồn gốc để trồng, trong khi các giống keo lai tiến bộ kỹ thuật mới được công nhận còn chậm đưa vào sản xuất. Vì vậy, để trồng rừng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững, sản xuất gỗ lớn, nông dân cần đưa nhiều loại giống keo lai đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận như: BV10, BV16, BV32, BV71, BV75... vào trồng rừng. Giống chỉ được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, hoặc giâm hom và được sản xuất bởi những cơ sở uy tín, đồng thời cây giống được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất vườn mới đem trồng rừng.

Quá trình chăm sóc keo lai cần bón phân đúng chủng loại, liều lượng và thời điểm. Keo lai rất cần bón phân, nhất là giai đoạn bón lót đối với những vùng đất xấu ở Bắc Trung Bộ. Đồng thời áp dụng các biện pháp như tỉa cành, nhánh, đơn thân để tạo dáng thân thẳng, hạn chế gãy đổ khi mưa bão, tăng tỷ lệ sử dụng gỗ, nhất là gỗ xẻ.