Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh:

Càng nhọc nhằn càng muốn dấn thân

Người làm phê bình văn học, theo đúng nghĩa, thời nào cũng không nhiều. Là nữ lại càng ít và chịu nhiều thử thách hơn. Thêm nữa, để an toàn, nhiều người vẫn thích những giá trị đã được “xếp hạng di tích”. Hoàng Thụy Anh (trong ảnh) và một số nhà phê bình 7x, 8x đã nỗ lực tìm cho mình một lối đi riêng, tiệm cận và song hành, thậm chí đón đầu văn chương cùng thời. Mới đây, chị ra mắt cuốn tiểu luận - phê bình “Phê bình văn học & ý thức cái Khác” (NXB Hội Nhà văn), trước đó là “Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson” - 2010, “Bản xô - nát thi ca” - 2012, “Tiếng vọng đa thanh” - 2016. Th

Càng nhọc nhằn càng muốn dấn thân

Phóng viên (PV): Trong khi “Cơm áo không đùa với khách thơ”, mà xem ra thơ vẫn còn dễ “gả bán” hơn phê bình văn học, đã vậy thể loại này phải lao động nhọc nhằn hơn, nhưng Hoàng Thụy Anh đã ra bốn đầu sách phê bình với dấu ấn nhất định. Chị nghĩ sao về cuộc “em chọn lối này” cho phê bình của mình?

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh (HTA): Đọc một tác phẩm văn chương, tôi luôn khát khao thám mã giá trị tác phẩm, những kiến tạo đầy mê hoặc của các con chữ mà có khi chính người sáng tạo cũng không nghĩ đến. Do vậy, ngay từ đầu tôi đã chọn con đường phê bình thi pháp học. Sau chuyên luận đầu tay về thi pháp học, tôi mở rộng các giác độ khám phá văn học của mình. Hiện tại, tôi cứ đọc, cứ viết trong khả năng có thể của mình, vì trong tôi, niềm đam mê tiếp cận văn chương chưa bao giờ ngưng. Mà một khi đã đam mê rồi thì khó dứt ra lắm! Càng khó khăn, nhọc nhằn càng muốn dấn thân.

PV: Hoàng Thụy Anh không chỉ viết phê bình, mà còn làm thơ (tập thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa” - 2017). Vậy đâu là lợi thế của một giọng thơ viết phê bình? Có khi nào “phán” tác phẩm của người khác thì dễ nhưng mình sáng tác lại khó không? Liệu chị có đủ tỉnh táo để tránh những hạn chế mà người khác dính phải theo con mắt phê bình của chị?

HTA: Những cảm nhận tinh tế của một thi sĩ giúp gia tăng tính nghệ thuật trong phê bình và khẳng định tiếng nói phê bình của riêng mình, tránh được lối phê bình khô khan, cứng nhắc, nặng lý thuyết. Thành công của các nhà phê bình có làm thơ, như Trương Đăng Dung, Hồ Thế Hà, Hoàng Đăng Khoa, Phan Tuấn Anh đã khẳng định điều này.

Là cây bút phê bình, thật ra, chẳng ai lại đi làm cái việc tự phán xét những sáng tác của mình (thơ) cả. Thứ nhất, không khách quan. Thứ hai, “mèo khen mèo dài đuôi”. Việc đó có độc giả, có những cây bút phê bình khác lo. Nhưng điều cốt lõi, bắt buộc, khi người phê bình sáng tác thì anh ta phải là người thẩm định “thầm lặng” đầu tiên sản phẩm mà mình sinh ra. Bất kỳ người sáng tác nào cũng phải có ý thức, trách nhiệm đó. Riêng đối với người phê bình, vì anh ta đã được trang bị những tri thức cần thiết rồi, nên theo tôi, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn.

PV: Với “Phê bình văn học & ý thức cái Khác” cùng ba tiểu luận -phê bình trước đó, nhận thấy Hoàng Thụy Anh đã “tả xung hữu đột” với thơ, văn xuôi và cả lý luận - phê bình nữa, vậy đâu là sở trường của chị?

HTA: Nhiều người bảo tôi, sao không chọn một phương pháp phê bình nào đó để chuyên sâu hơn. Quả thật, như đã nói ở trên, tôi muốn “giải phẫu” các tác phẩm để cảm nhận mọi chiều kích của văn chương. Trong khi văn chương đương đại ngày một “giàu có”, nếu chọn cho mình một sở trường phê bình, tôi sợ mình chẳng thỏa mãn được đam mê.

PV: Đã có một thế hệ phê bình 7x, 8x chững chạc về kiến thức học thuật, ngoại ngữ, và hơn hết là bản lĩnh dấn thân. Việc các nhà phê bình trẻ dám “Sống với văn chương cùng thời” (chữ của Lại Nguyên Ân) là thách thức không nhỏ. Chị nghĩ sao về điều này?

HTA: Chọn con đường phê bình, nghĩa là bản thân người đó phải tự ý thức, trang bị đầy đủ vốn liếng cần thiết cho mình rồi. Nhưng theo tôi, yếu tố không thể thiếu là bản lĩnh và sự dấn thân. Nếu phê bình mà chỉ chăm chắm níu vào những tác giả đã nổi tiếng thì tôi cho rằng anh ta chưa thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của người phê bình. Người viết phê bình phải quan tâm đời sống văn học đương đại, chú ý những sáng tác của các cây bút trẻ, đồng thời biết phát hiện những cây bút đầy tiềm năng đang khuất lấp ở các địa phương.

Chỉ cần mỗi người viết phê bình có “tâm”, trách nhiệm với nghề, tôi tin, đời sống văn học đương đại luôn được “ôm” sát. Nếu cứ mãi xoáy vào vùng trung tâm (những giá trị đã định hình) phớt lờ cái bên lề (cái đang nỗ lực tiến vào trung tâm) thì vô hình trung người viết phê bình đang tự đưa mình vào khuôn cứng nhắc, rất dễ bỏ qua những cái mới, cái khác.

PV: Để phê bình trẻ lớn mạnh hơn nữa, ngoài chuyện lao động chữ của mỗi người, theo chị những người làm phê bình cần được “chăm sóc” ra sao, nhất là ở góc độ quản lý?

HTA: Phê bình là công việc nhọc nhằn, cần sự đầu tư nghiêm túc về kiến thức lẫn thời gian. Mặc dù các tờ báo, tạp chí đã có những ưu đãi cho “sân chơi” phê bình nhưng nhìn chung nhuận bút vẫn quá thấp. Sáng tác thì có thể đăng ở bất kỳ mặt báo nào, nhưng phê bình luôn bị hạn định bởi đặc trưng vùng, miền. Đã vậy, các NXB lại hạn chế liên kết xuất bản và phát hành với những tác phẩm phê bình, vì đơn giản là ít người đọc nên bán không chạy, tất nhiên, ngoại trừ tác phẩm của những cây bút phê bình đã nổi tiếng.

Ở Quảng Bình, rất may, tỉnh có hỗ trợ một phần kinh phí xuất bản và Hội Văn học - Nghệ thuật có quy chế hỗ trợ đầu tư sáng tạo chất lượng cao nên bản thân tôi bớt lo lắng đôi phần. Hội đồng lý luận phê bình T.Ư cũng có nhiều đãi ngộ như tặng thưởng các tác phẩm trong năm và xét hỗ trợ đầu tư. Thiết nghĩ, để phê bình trẻ lớn mạnh hơn nữa, tôi cho rằng, rất cần sự quan tâm và sự cởi mở của các tờ báo, tạp chí và các NXB.

PV: Sau cùng, để nói ngắn về các tác giả trẻ cùng thời, những người viết mà chị và các đồng nghiệp đang đồng hành, chị sẽ nói gì?

HTA: Tôi rất kỳ vọng về năng lượng của các cây bút trẻ. Họ đang thể hiện nhịp điệu trẻ ngay trên cánh đồng chữ. Họ còn dấn thân, chứng minh sự nhiệt huyết, đam mê của mình ở nhiều thể loại. Không khó để điểm danh các cây bút nhiều trong một như Phan Tuấn Anh, Lê Minh Phong, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật, Mai Anh Tuấn, Văn Thành Lê, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Ngô Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Thùy Linh, Trần Ngọc Hiếu, Cao Việt Dũng, Trịnh Sơn, Vũ Thị Huyền Trang, Huỳnh Trọng Khang, Vĩnh Thông, Kiều Maily… Tuy những thành tựu của họ chưa đủ dày để đưa ra so sánh với các thế hệ đi trước nhưng chúng ta có quyền tự tin và tự hào với sự xông xáo của họ.

PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!