Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) dự báo, khu vực Tây Nguyên có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2024-2025, với diện tích chịu ảnh hưởng khoảng 500-1.000 ha, tập trung tại Gia Lai (100-400 ha), Đắk Lắk (200-300 ha) và Đắk Nông (200-300 ha). Những khu vực này chủ yếu nằm ngoài hệ thống công trình thủy lợi, khiến nguy cơ thiếu nước càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán được dự báo sẽ kéo dài đến đầu tháng 5/2025.
Chủ động ứng phó
Đắk Nông đang vào thời điểm nắng nóng khắc nghiệt khiến hàng chục hồ đập cạn nước. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho thấy, đến nay toàn tỉnh có 20 công trình hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, khai thác bị cạn kiệt nguồn nước, trong đó huyện Đắk Mil chiếm số hồ cạn nhiều nhất.
Ông Chu Gia Thất, trưởng thôn Đắk Thọ (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) cho biết, nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt dù trước đó trên địa bàn xuất hiện mưa nhưng không đáng kể, nên hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn quay quắt tìm nước tưới cây trồng. Ông Thất cho biết, nguồn nước tưới trên địa bàn chủ yếu trông chờ hồ nước 40, song đã cạn từ tháng 2. Phía công ty thủy lợi đã trung chuyển nước từ hồ trung tâm huyện Đắk Mil về cho người dân nhưng vẫn không đủ.
Trước hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt, nhất là tại các huyện Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông đề nghị Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi cho tỉnh giai đoạn đến năm 2030. Cụ thể đầu tư nâng cấp, sửa chữa 37 công trình để bảo đảm phục vụ cho khoảng 8.200 ha cây trồng các loại với tổng kinh phí dự kiến 169 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi với tổng kinh phí dự kiến 1.968 tỷ đồng, để tăng thêm diện tích tưới khoảng 12.700 ha cây trồng các loại.
Tại Đắk Lắk, do tổng lượng mưa năm 2024 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khiến sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa bàn đang đối mặt với nguy cơ khô hạn. Ông Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Ea Súp cho biết, đơn vị đang quản lý bảy hồ chứa, với tổng diện tích tưới gần 8.500 ha, trong đó hồ Ea Súp thượng bảo đảm tưới 8.300 ha. Song đáng lo ngại là đến giữa tháng 4/2025, hồ Ea Súp thượng đã xuống dưới mực nước chết 1,7 m, buộc đơn vị phải tính đến phương án sử dụng nguồn nước dự trữ ở hồ Ea Súp hạ để tưới cây trồng nếu đến cuối tháng 4/2025 vẫn chưa có mưa.
Ông Trần Văn Vạn (thôn 1, xã Ea Bung, huyện Ea Súp) chia sẻ, từ đầu vụ đến nay, chi nhánh thủy lợi và nông dân tích cực phối hợp với nhau để sử dụng nguồn nước hiệu quả, bảo đảm nước tưới cho đến cuối vụ. Tuy nhiên, hồ Ea Súp thượng cũng đã cạn, nhiều cánh đồng lúa chưa đến thời điểm gặt nên người dân nơi đây cũng khá lo lắng. Hy vọng thời gian tới trời không nắng gắt hoặc có thêm trận mưa đủ để cánh đồng chờ đến khi thu hoạch.
Trước thách thức về nguồn nước, ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu vụ, công ty đã chủ động rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước, diện tích tưới của từng công trình để lập phương án phòng chống hạn. Dù vậy, ông Bảo cũng bày tỏ lo ngại khi đã có 32 hồ chứa cạn nước; ở các khu vực phía bắc của tỉnh, người dân đang phải sử dụng nước giếng khoan hỗ trợ tưới cà phê do các hồ nhỏ đã cạn kiệt nước. “Đến thời điểm này, công ty chúng tôi đã và đang thực hiện chống hạn cho bảy công trình, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Hiện nay, công ty cũng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước tại các công trình để có chỉ đạo kịp thời đối với công tác phục vụ tưới vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và có phương án phục vụ sản xuất cho bà con nông dân đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Bảo cho cho biết.
Tại Gia Lai, hạn hán cũng gây ảnh hưởng đến 269 ha lúa, chiếm 1,1% tổng diện tích lúa toàn tỉnh, tập trung tại các huyện Đắk Đoa, Chư Sê, và Kbang. Đây là những khu vực nằm ngoài vùng tưới của hệ thống thủy lợi, vốn đã được khuyến cáo không sản xuất trong vụ Đông Xuân 2024-2025 do thiếu nước.
Dùng công nghệ viễn thám cảnh báo
Thống kê cho thấy trong vòng 25 năm trở lại đây, khu vực Tây Nguyên đã trải qua 17 đợt hạn hán lớn, với diện tích ảnh hưởng rộng và giá trị thiệt hại có xu hướng gia tăng. Cây lúa, cà phê và hồ tiêu là những đối tượng cây trồng chịu ảnh hưởng chính bởi thiếu nước tưới. Điều đáng nói, dù Tây Nguyên là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước, song chỉ có khoảng 26% diện tích nông nghiệp được phục vụ bởi hệ thống thủy lợi; 74% diện tích còn lại phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên.
![]() |
Hồ thủy lợi Tà Kang (xã Diên Bình, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) cạn nước hồi tháng 3/2025. (Ảnh Hữu Phúc) |
Ứng phó hạn hán trong mùa khô hạn năm nay, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, cục đã có văn bản gửi các ngành nông nghiệp và môi trường các tỉnh Tây Nguyên yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn hán. Cục khuyến cáo các địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống hạn hán hiệu quả, đặc biệt là đối với cây công nghiệp lâu năm. Các giải pháp kỹ thuật phòng chống hạn hán, như tưới tiết kiệm nước và điều chỉnh cơ cấu cây trồng, cũng được khuyến khích áp dụng rộng rãi.
Phía các địa phương, đơn cử như tại Kon Tum, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh này đã ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh về triển khai các giải pháp phòng chống, ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, đó là vận động, hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm; vận hành hiệu quả các trạm bơm và điều tiết nước tưới hợp lý; chuyển nước từ các hồ có dung tích lớn về các công trình không bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ cống lấy nước và các công trình tưới; tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao hồ để đặt máy bơm điện tưới nước chống hạn cho cây trồng.
Trong bối cảnh Tây Nguyên bước vào giai đoạn đỉnh điểm hạn hán, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sẽ phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thực hiện dự án "Đánh giá tác động của hạn hán vùng Tây Nguyên" bằng công nghệ viễn thám. Nhóm thực hiện dự án sẽ xây dựng công nghệ cảnh báo hạn hán trên nền tảng viễn thám cho khoảng 1.500 km2 thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp của Đăk Lăk và Đăk Nông. Cụ thể, bộ dữ liệu WaPOR sẽ được xây dựng cho khu vực thử nghiệm nhằm đánh giá, giám sát tình trạng hạn hán, thiếu nước.
Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Tùng Phong cho rằng, thời gian tới dự án này sẽ giúp cán bộ quản lý Trung ương và địa phương xây dựng phương pháp giám sát, dự báo hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động, minh bạch. Đây sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình ứng dụng trên toàn quốc.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận, khu vực Tây Nguyên có lợi thế đa dạng tiểu khí hậu và có thể trồng nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên tính đa dạng này cũng đặt ra thách thức về xây dựng và quản lý thủy lợi, bởi điều kiện tự nhiên của vùng không thuận lợi cho việc phát triển các hệ thống thủy lợi quy mô lớn nhằm phục vụ tưới chủ động. Nguồn nước ngầm hiện nay đang bị suy thoái cũng dẫn tới gia tăng chi phí sản xuất và tình trạng khan hiếm nước tưới cho cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác vào một số thời điểm quan trọng trong vụ sản xuất. Để giải quyết những thách thức đó, cần có các giải pháp sáng tạo, sử dụng dữ liệu để phân tích nguy cơ, đưa ra những cảnh báo phù hợp, và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để quản lý nguồn nước, bảo đảm phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp bền vững.
Từ tháng 4 đến tháng 7/2025, tình hình nắng nóng và khô hạn có khả năng xảy ra ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở phía Tây Bắc Bộ (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu...) và các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Các dự báo về nắng nóng trong thời gian tới đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự chủ động trong việc quản lý nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt."
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia