Nguồn cung hạn chế
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, cả nước hiện có 880.000 ha rau cung ứng cho NTD, nhưng diện tích RAT, rau VietGap chỉ chiếm chưa đến 10%. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 5.100 ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 224 ha rau VietGAP, 40 ha rau hữu cơ với hơn 40 loại rau. So với nhu cầu cần gần 3.000 tấn/ngày thì lượng rau sản xuất được mới đáp ứng khoảng 60% nguồn cung của thị trường.
Cùng chúng tôi đi thực tế tại huyện Đông Anh (Hà Nội) - nơi có hơn 1.340 ha trồng rau chính vụ (từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau), Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đông Anh Nguyễn Hồng Tuyển cho biết, trên địa bàn huyện có 501 ha rau được thành phố quy hoạch vào vùng sản xuất RAT tập trung. Do đây là vùng rau chuyên canh lớn, một số hộ luân canh nhiều lứa/năm, nên độ màu mỡ của đất ngày một giảm vì không có điều kiện được “nghỉ”, cho nên đã ảnh hưởng đến chất lượng tiêu thụ RAT. Tính đến nay, RAT có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã (HTX) cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, hệ thống siêu thị..., với sản lượng gần 20 nghìn tấn/năm (chiếm 5% sản lượng RAT, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng).
Chị Nguyễn Thị Lan (nông dân trồng rau ở Đông Anh, hằng ngày bán rau ở chợ Long Biên) cho biết: RAT hiện bí đầu ra vì giá thành cao hơn. Mặt khác, NTD chưa phân biệt được đâu là RAT, đâu là rau không an toàn, vẫn giữ thói quen mua rau theo cảm tính, hay theo số đông; người ta ăn được mình cũng ăn được cho nên rau không an toàn vẫn có “đất sống”. Còn theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện hơn 90% số người mua không phân biệt được rau bẩn và RAT. Do vậy, NTD mất niềm tin khiến rau sạch khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Không chỉ ở Hà Nội, tình trạng nêu trên cũng xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh, diện tích sản xuất RAT đạt 15.800 ha, sản lượng bình quân là 375.000 tấn/năm. Hiện, sản phẩm RAT do nông dân sản xuất chỉ tiêu thụ được khoảng 40% ở các siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, đầu ra gặp nhiều khó khăn. Một số siêu thị phải nhập rau từ nhiều nguồn, khó kiểm soát được chất lượng. Tại nhiều chợ tạm vẫn xảy ra tình trạng lẫn lộn RAT với rau không sạch. Không ít loại rau, củ quả do doanh nghiệp tự gắn nhãn rau sạch mà không qua kiểm nghiệm của cơ quan chức năng hoặc không được kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất. Người mua chỉ biết thông tin qua người bán cho nên đành chịu cảnh mua rau... mua cả niềm tin.
Lập lờ chất lượng
Theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, một trong những nguyên nhân sản lượng RAT thấp là do thói quen, tập quán sản xuất của người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm. Việc quản lý, giám sát RAT còn lỏng lẻo. Cơ chế, chính sách sản xuất và tiêu thụ nông sản của T.Ư và thành phố mới tập trung cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật với chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ lãi vay vốn; chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh RAT như: Chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng. Chưa có quy định về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường; trong khi nông dân sản xuất rau quy mô nhỏ, phần lớn là bán rong, bán tại các chợ xanh, chợ “cóc”, khu dân cư rất khó truy xuất nguồn gốc và việc quy đầu mối trách nhiệm trở nên không khả thi.
Hệ thống chứng nhận chất lượng RAT như VietGap chỉ thích hợp với sản xuất quy mô lớn với các tiêu chí kỹ thuật phức tạp, chi phí áp dụng cao cho nên nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có thể tiếp cận. Trong khi đó không thể có sản xuất quy mô lớn bởi hệ lụy không tích tụ được ruộng đất do sản xuất rau đang có giá trị cao, nông dân chưa sẵn sàng nhượng đất khi chưa có sinh kế khác; chưa có hệ thống chứng nhận chất lượng RAT có sự tham gia của nhà kinh doanh và người tiêu dùng.
Nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các quy định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, NTD trong việc kinh doanh và tiêu thụ RAT. Bên cạnh đó, NTD khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi có ít doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ. Đó là chưa kể có một số kẻ vì hám lợi, bất chấp lương tâm trồng rau bẩn, thu mua rau bẩn tuồn ra thị trường. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 32 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra cơ sở cung cấp RAT của bà Nguyễn Thị Tưởng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh), chủ nhân không thể chứng minh được nguồn gốc của hơn một tấn rau, củ, quả, trong đó có khoảng 2,5 tạ sản phẩm đang được nhân viên đóng gói vào các túi lưới dán nhãn bảo đảm, được cho là cung cấp vào siêu thị Metro Thăng Long.
Tiêu thụ nhỏ giọt
Để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch, vừa qua, Bộ NN và PTNT công bố 69 địa chỉ bán thực phẩm an toàn trên toàn quốc (Hà Nội có bảy điểm, TP Hồ Chí Minh có 11 điểm), một con số quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của HTX nông nghiệp rất hạn chế: Mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp, không tài sản thế chấp cho nên khó tiếp cận vốn tín dụng, không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh cho nên hầu hết chưa có dịch vụ đầu ra cho nông dân.
Để khắc phục những bất cập hạn chế trong sản xuất tiêu thụ RAT, Phó Chi cục trưởng BVTV Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, thời gian tới UBND thành phố cần đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội: Chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng RAT. Đồng thời, đề nghị Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT. Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường. Tăng cường các hoạt động nâng cao kiến thức kỹ năng cho người sản xuất và nhận thức cho NTD về RAT. Nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về phòng, chống sinh vật hại trên rau bằng các biện pháp không sử dụng thuốc BVTV; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc; áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản RAT cho người trồng rau. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển cửa hàng bán lẻ RAT. Cần có quy định các bếp ăn tập thể, trường mầm non, đơn vị… phải lấy RAT từ những đơn vị được chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Có chế tài xử lý nghiêm hơn, mạnh tay hơn với những hộ sản xuất, kinh doanh rau không an toàn...
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên thì việc sản xuất và cung cấp RAT ra thị trường chắc chắn sẽ có chuyển biến, đem lại niềm tin cho NTD, đồng thời góp phần bảo đảm ATVSTP và sức khỏe người dân.