Mới đây, qua công tác kiểm tra, giám sát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định), đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Vũ, trú tại xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra xác định, Nguyễn Văn Vũ sử dụng mạng xã hội để đặt mua các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Trung Quốc với giá rẻ và đặt kèm theo vỏ hộp, tem, nhãn thương hiệu thuốc nhỏ mắt của Nhật Bản.
Khi các bị hại tin tưởng với nội dung quảng cáo, giới thiệu, đặt mua, Vũ trực tiếp đóng hàng và gửi dịch vụ cod (nhận hàng, trả tiền) cho bị hại. Bước đầu, cơ quan công an đã làm rõ, với phương thức, thủ đoạn như trên, đối tượng đã lừa bán các loại thuốc nhỏ mắt giả nhãn hiệu của Nhật Bản cho hàng chục nghìn người trên toàn quốc, chiếm đoạt tổng số tiền khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Đáng nói, đây không phải lần đầu lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn thuốc giả khi đang lưu hành trên thị trường. Trước đó, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều đường dây tổ chức sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn.
Thậm chí, các đường dây này đã hoạt động khá lâu với số thuốc giả có thể đã đưa ra thị trường khá nhiều, kéo theo đó là số lượng dược phẩm không bảo đảm chất lượng đến tay bệnh nhân đã, đang ngày càng gia tăng...

Khởi tố vợ chồng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh
Theo các chuyên gia y tế, thuốc giả gây ra sự nguy hại rất lớn cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh sẽ tốn kém rất nhiều tiền để trả tiền mua thuốc, nhưng bệnh tật không thuyên giảm, dẫn đến tình trạng "nhờn" thuốc, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người bệnh. Mặt khác, thuốc giả còn gây khó cho công tác điều trị của bác sĩ vì thuốc giả có thể làm vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị.
Và nếu người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh nhưng gặp phải thuốc giả không đủ hàm lượng thì thời điểm vàng trong việc cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua, dẫn đến hậu quả là bệnh ngày càng nặng thêm hoặc tử vong.
Ngoài ra, người bệnh nếu dùng phải thuốc giả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, buộc bác sĩ điều trị phải thay đổi quy trình điều trị, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài và người bệnh phải chi trả chi phí rất tốn kém.
Trước thực trạng này, được biết thời gian qua, Bộ Y tế đã có các biện pháp để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, kém chất lượng. Theo đó, Bộ Y tế đang xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016; trong đó có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn việc sản xuất và đưa ra lưu thông thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Cùng với các giải pháp nêu trên, để đối phó với vấn nạn thuốc giả trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội để kiểm tra, phát hiện và gỡ bỏ các nội dung quảng cáo thuốc giả. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ thị trường dược phẩm, thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường và nắm bắt thông tin về các hành vi vi phạm.
Các nhà sản xuất và nhà phân phối thuốc cần có biện pháp quản lý nguồn cung và phân phối thuốc, ứng dụng công nghệ như mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến chính thức và được chứng nhận, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm an toàn.
Về phía người tiêu dùng, cần chắt lọc thông tin quảng cáo sản phẩm, nhất là thuốc trên mạng xã hội, chỉ nên mua thuốc ở những website uy tín, được chứng nhận và nói không với các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.