Theo Cục Chăn nuôi, trong năm năm qua, chăn nuôi gia cầm nói chung, chăn nuôi gà nói riêng tiếp tục duy trì tăng trưởng khoảng 4,5 đến 5% về số lượng và 9,3% về sản lượng/năm, góp phần đáp ứng cơ bản thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước là 334 triệu con, đạt 826 nghìn tấn thịt, 8 tỷ 840 triệu quả trứng. Chăn nuôi gà góp phần đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc tăng thu nhập cho gần tám triệu hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, hiện sản xuất chăn nuôi gà còn thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Do năng suất, chất lượng con giống chưa cao; các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường; sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định, thường xuyên mất cân đối giữa cung- cầu. Hiệu quả chăn nuôi thấp, chi phí sản xuất lớn hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước…
Ngay trong sáu tháng đầu năm 2015, khi số lượng thịt gà được nhập về ồ ạt với giá rẻ (bình quân 0,9 USD/kg, tương đương 19.625 đồng/kg) đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi gà, nhất là chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng. Tại các doanh nghiệp FDI, giá thành sản xuất 1 kg thịt gà công nghiệp lông trắng từ 26.310 đến 27.500 đồng/kg, đã giảm từ 1,4-12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thịt gà nhập khẩu giá rẻ tăng nhiều nên giá bán thịt gà công nghiệp trong nước không cao, chỉ được từ 24.231 đế 28.442 đồng, chăn nuôi khó có lãi. Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi tư nhân do không chủ động con giống và thức ăn, nên giá thành thường cao hơn các doanh nghiệp FDI từ 12-17%, trong khi giá bán không cao hơn, nên chăn nuôi sáu tháng đầu năm nay còn bị thua lỗ.
Theo Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi gà trong bối cảnh hội nhập quốc tế cần nhận diện rõ những lợi thế và điểm yếu của ngành trên cơ sở đó có các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung nâng cao chất lượng con giống, giảm giá thức ăn chăn nuôi, cân đối cung cầu giữa sản phẩm làm ra và nhập khẩu bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo, cần tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài. Đó là hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp; theo đó gấp rút triển khai cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi trang trại, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, khuyến khích các hình thức liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho nhập khẩu, chọn tạo con giống năng suất, chất lượng tốt. Siết chặt quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp cũng như hướng dẫn, phổ biến kiến thức về chế biến thức ăn chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi. Tìm cách giảm chi phí thú y, ngăn chặn dịch bệnh, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, rà soát, xây dựng hàng rào kỹ thuật, tăng cường giám sát theo tiêu chuẩn các sản phẩm nhập khẩu, quyết liệt kiểm soát giết mổ và kinh doanh trong nước; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước chuyên ngành tại địa phương; đồng thời nhanh chóng tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gà.