Thấy gì qua đợt rau xanh tăng giá ở Bến Tre?

Giá cao ngất ngưởng

Anh Nguyễn Minh Tâm, cửa hàng rau an toàn phường 3 thị xã Bến Tre cho biết: Hiện giá rau đã giảm xuống đôi chút nhưng vẫn còn ở mức cao. Tùy theo loại, như giá mỗi kg khổ qua từ 9 đến 10.000 đồng, dưa leo từ 5 đến 6.000 đồng, cà chua từ 8 đến 10.000 đồng, bắp cải Đà Lạt từ 14 đến 150.000 đồng, mướp, bầu, bí các loại dao động từ 5 đến 7.000 đồng, rau muống từ 4 đến 6.000 đồng,… So với nửa tháng nay thì giá có giảm từ 15 đến 20%, nhưng so với 2 tháng về trước thì giá vẫn còn cao từ một đến hai lần, thậm chí có loại tăng 3 – 4 lần. Có người đã so sánh: “Trong bữa ăn, nếu ăn cho đủ sức thì tiền rau bằng tiền cá thịt”. 

Do trời và do người

Đồng tình với ý kiến của nhiều người: “Hơi sức nào mà lo, vì năm nào cũng vậy. Hễ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch mưa dầm, rau màu bị úng, thối, thì liền sau đó giá cao đôi chút. Sở dĩ năm nay tăng đột biến là do các nơi rau hút hàng về thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nên rau về Bến Tre ít. Cung ít mà cầu không giảm, giá cao, nên rau tại chỗ bắt giá lên theo”. Nhưng nếu nhìn kỹ vườn rau trong tỉnh và cung cách mua bán thì có nhiều điều phải lo.

Phải nói là việc mua bán có quá nhiều khâu trung gian. Người trồng không trực tiếp bán cho người bán lẻ, mà phải thông qua ít nhất từ 3 đến 4 khâu. Thương lái thu gom về chợ đầu mối, rồi từ chợ đầu mối bung ra các chợ bán lẻ rồi người bán lẻ đến trực tiếp mua về bán lại, hoặc có người chuyên đi bỏ mối đến từng sạp rau. Chỉ tính mỗi khâu nâng lên 500 đồng/kg, thì giá một kg rau muống cũng đã tăng lên gấp đôi.

Diện tích trồng cũng là vấn đề phải suy nghĩ. Rau ở Bến Tre được trồng tập trung từng vùng.Thị xã có Sơn Đông, Phú Hưng; Mỏ Cày có Nhuận Phú Tân; Ba Tri có An Hòa Tây, Tân Thủy; Thạnh Phú có Bình Thạnh và một số cồn, bãi; Bình Đại tập trung 4 – 5 xã thuộc tiểu vùng một giáp huyện Châu Thành; Giồng Trôm có Tân Hào, Tân Thanh. Hai huyện còn lại là Châu Thành và Chợ Lách vì chuyên trồng cây ăn trái, nên phần đông là ăn rau các huyện khác và hai tỉnh lân cận là Tiền Giang và Vĩnh Long. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT và Cục Thống kê, diện tích rau màu của tỉnh năm 2007 là 4.400 ha (số tròn), ước tính năm 2008 khoảng 4.500 ha, trong đó dưa leo 489 ha, rau muống 505 ha, cải bắp 26 ha, hành, ngò các loại 299 ha, cà chua 394 ha, đậu các loại 145 ha, diện tích còn lại là trồng các loại rau xanh khác. Diện tích là vậy, nhưng sản lượng không năm nào đáp ứng đủ tiêu dùng. Theo anh Tâm: “Rau trong tỉnh chỉ đáp ứng được từ 70 đến 80 %, số còn lại phải nhập từ nơi khác, đa số là từ hai tỉnh Lâm Đồng và Tiền Giang”, còn đối với các anh ở chợ đầu mối thị xã, thì “Rau trong tỉnh về hàng ngày ở đây chỉ chiếm 1/3”. Nói gì thì nói, nhưng rau trong tỉnh không xuất ra mà phải nhập về, thì cả trước mắt lẫn lâu dài, rau xanh ở Bến Tre luôn là chuyện thời sự cần bàn. 

Khắc phục cách nào?

Tỉnh có quy hoạch vùng rau không? Rõ ràng là có. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thì diện tích rau màu trong toàn tỉnh đến năm 2010 phải đạt con số 4.900 ha và năm 2020 là 5.600 ha, bình quân tăng 3,4%/năm. Diện tích như vậy, chắc chắn là không đáp ứng đủ nhu cầu cho bữa ăn hàng ngày trong tỉnh, nhưng đối với Bến Tre thì đất ở đâu để mà mở rộng diện tích? Đây là vấn đề khó. Có lẽ chỉ có con đường là cần phải đẩy mạnh hơn nữa mô hình trồng xen trong vườn và luân canh trên một diện tích đất trồng, mà điển hình một số nơi đã làm hai vụ lúa, một vụ màu chẳng hạn.

Việc nâng sản lượng còn bằng con đường tăng năng suất, nhưng đã và đang vướng cả 4 khâu của nghề nông là nước, phân, cần, giống. Đặc điểm rau màu ở Bến Tre là trồng trên đất giồng, mưa thì úng, còn nắng thì khô; công tác thủy lợi vừa qua thường tập trung cho cây lúa và vườn cây ăn trái, chưa chú ý nhiều đến rau màu trong tỉnh, như củ hành tím, dưa hấu ở An Hòa Tây, Tân Thủy (Ba Tri) vừa qua bị úng, thối là một điển hình.

Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rau màu đang là trở ngại không nhỏ. Theo chị Hà, kỹ sư nông nghiệp, phòng kinh tế kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “Chúng tôi xây dựng mô hình để hướng dẫn nông dân vể cách trồng, cách bón phân, kể cả giống và thu hoạch để đảm bảo rau đúng chuẩn an toàn, nhưng còn thiếu nhiều điều kiện để nhân rộng”. Trở ngại trên con đường tăng năng suất, mà chất lượng rau cũng là một vấn đề. Nhìn tổng thể, đối với cây màu tuy có quan tâm, nhưng ít hơn, kể cả hiệu quả đem lại không như cây lúa và cây ăn trái. Vấn đề ở đây không chỉ là quan tâm của cơ quan chức năng và đoàn thể trong việc chuyển giao công nghệ và tuyên truyền vận động, mà còn là đạo đức của người trồng rau và tâm lý của người ăn rau.

Ngày nay, một xu hướng ở nông thôn là người có sức lao động ngày càng giảm, trong khi đó trồng màu lại cần nhiều lao động. Nên sắp tới, muốn duy trì được diện tích cũng là khó, không khéo “lại teo dần”, chứ đừng nói đến chuyện phát triển thêm diện rộng. Phấn đấu để có đủ lượng rau từ nguồn trong tỉnh, thì đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nói chung, đối với việc trồng rau ở Bến Tre, nước tưới còn đang nhờ trời, các yếu tố như phân, cần, giống, kể cả khâu vận chuyển, tiêu thụ là hoàn toàn thuộc về thị trường và sự hiểu biết có giới hạn của người trồng tự lo liệu.

Thiếu cá, thiếu thịt còn được, chứ rau xanh không thể thiếu trong bữa. Bến Tre lo nhiều về kinh tế nông nghiệp và đã đem lại hiệu quả không ít về cây trồng, vật nuôi, kể cả cách thức sản xuất và làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc tăng chất lượng bữa ăn hàng ngày, trong đó có rau xanh. Bến Tre đã có quy hoạch và ngành chuyên môn đã có đề án, có mô hình. Vấn đề  hiện nay là chính sách cụ thể và thích hợp để nhân rộng, cùng với dấy lên một phong trào mỗi nhà có một vườn rau sạch, dù nhỏ. Nhưng nói gì thì nói, mọi việc cần phải có một tinh thần “xốc vô” như cây bưởi da xanh, cây ca cao trồng xen trong vườn dừa, cây dừa dứa uống nước,… chẳng hạn, thì người nông dân trồng rau màu chắc chắn sẽ chung vai, đậu cật cùng xã hội. Kể ra cũng đã trễ, nhưng bắt tay vào làm ngay thì vẫn chưa muộn.

Có thể bạn quan tâm

back to top