Tăng cường tiếp cận mặt bằng, đất đai cho sản xuất kinh doanh
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay 17/5, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đại biểu Đoàn Thái Bình nhấn mạnh, phải xác định đúng vai trò, vị trí của nghị quyết này.
Đây không phải là văn bản có thể thay thế toàn bộ quá trình sửa đổi luật pháp, mà là bước đi khẩn trương, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm xử lý ngay một số vấn đề có thể thực hiện được.
![]() |
Đại biểu Phan Đức Hiếu trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Ông phân tích, trong nghị quyết lần này, chỉ những điểm nào có thể thể chế hóa được bằng một vài điều khoản rõ ràng, dễ triển khai thì mới được đưa vào, còn những nội dung lớn như cải cách thủ tục phá sản doanh nghiệp, hay xử lý tranh chấp tại tòa án - thì không thể chỉ sửa một điều luật, mà bắt buộc phải sửa toàn diện các đạo luật liên quan như Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự.
Do đó, nghị quyết lần này của Quốc hội chỉ “chọn” những gì có thể làm được ngay, những gì chưa làm được thì sẽ là cơ sở định hướng cho các lần sửa luật sắp tới.
Theo đại biểu Hiếu, để bảo đảm nghị quyết thực sự có tác động hỗ trợ doanh nghiệp, Quốc hội đã chia nội dung nghị quyết thành 3 nhóm quy định. Theo đó, Nhóm 1 gồm những quy định có thể thực hiện ngay, thí dụ như việc bãi bỏ điều kiện, thủ tục không còn phù hợp.
Nhóm 2 là những quy định cần có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, do không thể quy định chi tiết ngay trong nghị quyết; và Nhóm 3 gồm những định hướng mang tính nguyên tắc, là nền tảng để sau này sửa đổi luật, như yêu cầu rút ngắn ít nhất 30% thủ tục, hồ sơ trong phá sản doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu để thể hiện rõ tinh thần này trong điều khoản thi hành. Theo đó, các nội dung của Nghị quyết 68 nếu liên quan đến luật đang được sửa thì phải đưa ngay vào chương trình điều chỉnh; còn các luật chưa nằm trong chương trình thì giao Chính phủ hoàn thành việc rà soát, đề xuất sửa đổi trong năm 2026.
Tuy nhiên, cá nhân ông Hiếu cho rằng: “Tôi rất muốn sớm hơn, có thể là trong năm 2025, hoặc chậm nhất là đến quý II/2026 phải hoàn thành việc này”.

Doanh nghiệp tư nhân đồng hành đổi mới sáng tạo: Chia sẻ nguồn lực, nâng tầm công nghệ
Đặc biệt, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể có thể hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Ông cho rằng đây là biện pháp hỗ trợ ít rủi ro nhất về quản lý nhà nước.
“Cung cấp mặt bằng với chi phí hợp lý, dễ tiếp cận thì có thể nhìn thấy ngay sản phẩm là nhà máy, là hoạt động sản xuất cụ thể. Còn nếu hỗ trợ bằng tín dụng thì rất khó kiểm soát dòng tiền sử dụng ra sao”, ông lý giải.
Ông kiến nghị Nhà nước cần chủ động đầu tư xây dựng những khu, cụm công nghiệp “chuyên nghiệp, chuyên biệt, đầy đủ hạ tầng” cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những khu này cần có giá thuê hợp lý - có thể coi như “nhà ở xã hội” dành cho khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng nhấn mạnh cần miễn toàn bộ lệ phí, phí cấp lại, đổi lại giấy tờ trong trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thay đổi trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Cuối cùng, đại biểu Hiếu đánh giá cao việc nghị quyết lần này đã bước đầu thể hiện tinh thần giảm hình sự hóa quá mức các quan hệ kinh tế, dân sự - một trong những điểm người dân và doanh nghiệp rất kỳ vọng. “Làm được điều đó thì người dân và doanh nghiệp sẽ mừng lắm”, ông nói.
Đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ thuế, tín dụng
![]() |
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về dự thảo nghị quyết, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh tinh thần đồng hành, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề xuất, cần kéo dài thời gian hỗ trợ thuế và tín dụng cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu hoạt động.
Theo bà, quy định hiện hành về miễn giảm thuế trong 2-3 năm đầu từ khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh chưa sát thực tế, vì giai đoạn đầu doanh nghiệp thường chưa có lợi nhuận mà đang trong quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống.
“Nếu hỗ trợ từ đầu mà doanh nghiệp chưa có lãi thì khi bắt đầu có lãi thì lại hết thời hạn được hỗ trợ. Nên hỗ trợ 3 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh lãi để thực sự hiệu quả”, bà Vân phân tích.
Bà cũng đề nghị nâng mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, bà đánh giá cao chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh vay vốn thực hiện các dự án xanh - đây là chính sách rất được mong đợi. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai Nghị quyết 43 về hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, bà lưu ý rằng các thủ tục rườm rà và lo ngại về thanh tra, hậu kiểm đã khiến chính sách khó đi vào cuộc sống.
“Nếu chúng ta tháo gỡ được những điểm nghẽn này thì sẽ tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp phát triển”, bà Vân nói.

Không để thanh tra, kiểm tra trở thành rào cản đối với doanh nghiệp
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đánh giá, nghị quyết có nhiều cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực như đất đai, vốn, thị trường… Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tạo được môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hấp thụ được các nguồn lực này.
Đánh giá cao quy định mỗi năm cơ quan chức năng chỉ được thanh tra một lần đối với mỗi doanh nghiệp (trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng), ông Tuấn cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để bảo đảm thanh tra một lần nhưng đầy đủ, hiệu quả, tránh chồng chéo.
“Cần làm rõ bản chất của thanh tra, kiểm tra là để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, phát triển chứ không phải để tìm ra những kẽ hở, sơ suất không đáng có rồi xử phạt”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.
Ông cũng ủng hộ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng lưu ý cần có phương thức phù hợp để tránh tình trạng buông lỏng quản lý, dẫn đến việc sản phẩm kém chất lượng tràn lan rồi mới xử lý.

Đại biểu Quốc hội: Cần chính sách thuế đủ mạnh, đồng hành cùng doanh nghiệp
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) khẳng định, các quy định tại dự thảo nghị quyết sẽ gỡ bỏ nhiều rào cản cho doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh quy định tránh hình sự hóa các vi phạm hành chính, góp phần tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và nhân văn, không gây tâm lý lo ngại cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Ông Tuấn cũng ủng hộ việc mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua quy định yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới phải dành quỹ đất nhất định cho khu vực này.
“Đây là điều kiện thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển”, ông nói. Tuy vậy, ông đề nghị cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp được ưu đãi và doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, tránh tạo ra sự lệch pha trong cơ chế chính sách.