Thêm giải pháp phát triển bền vững khu phố cổ

Những ngày đầu triển khai thí điểm cấm xe trên 16 chỗ lưu thông trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào khung giờ cao điểm, tình hình giao thông đã được cải thiện... Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định kinh doanh, phát huy tốt hơn nữa giá trị khu phố cổ, vẫn còn nhiều việc phải làm.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị kinh doanh khu vực phố cổ đang chủ động các phương án để việc đón, trả khách được thuận tiện. Ảnh: Minh Vy
Các đơn vị kinh doanh khu vực phố cổ đang chủ động các phương án để việc đón, trả khách được thuận tiện. Ảnh: Minh Vy

Các cơ sở chủ động phương án kinh doanh

Ngay từ những ngày đầu triển khai, các tổ công tác liên ngành đã bố trí chốt trực tại nhiều điểm giao cắt quan trọng để hướng dẫn, nhắc nhở tài xế, chủ đơn vị kinh doanh vận tải nắm rõ quy định.

Trung tá Đỗ Xuân Giáp, Phó trưởng Công an phường Hàng Đào cho biết, trong thời gian đầu thực hiện, lực lượng chức năng tập trung hướng dẫn, tuyên truyền nội dung thí điểm nhưng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, ông Vũ Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm khẳng định, việc hạn chế phương tiện xe ô-tô trên 16 chỗ (trừ xe buýt, xe đưa đón học sinh) lưu thông trong khu vực vào các khung giờ cao điểm, từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút là cần thiết. Điều này sẽ góp phần làm cho hình ảnh của Thủ đô đẹp và thân thiện hơn trong lòng du khách, đồng thời giúp không khí trong lành hơn.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, chính sách này đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, du lịch. Bà Dương Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm tâm tư: Các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành cần có thời gian, ít nhất là hai tuần, để đánh giá hiệu quả của các phương án đón, trả khách trong điều kiện mới, giảm thiểu sự tác động đến hoạt động vận chuyển khách.

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc tiếp thị của Công ty Du lịch BestPrice Travel chia sẻ chương trình thí điểm này có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhưng vì mục tiêu chung của thành phố, mỗi đơn vị phải cố gắng chủ động xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp. “Trước mắt, chúng tôi sẽ đưa khách tới nghỉ ở ngoài khu vực phố cổ. Với những đoàn đông và vẫn muốn nghỉ ở khu phố cổ, chúng tôi sẽ cố gắng tìm cách đáp ứng”, ông Tú nhấn mạnh. Theo ông Tú, trước đây, trên mỗi xe lớn, chỉ cần một hướng dẫn viên đưa khách về khách sạn, thì nay, công ty phải chia nhỏ đoàn để ngồi xe trung chuyển, việc bố trí người hướng dẫn phải hợp lý và chặt chẽ hơn, bảo đảm ổn định và an toàn cho cả đoàn.

Hài hòa lợi ích của người dân và đơn vị kinh doanh

Quận Hoàn Kiếm có mật độ dân số cao, trong khi đó, phần lớn lòng đường các tuyến phố nhỏ, hẹp (thường nhỏ hơn 7m). Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm, đã có rất nhiều ý kiến phản ánh tình trạng xe ô-tô trên 16 chỗ dừng, đỗ không đúng quy định để đón, trả khách, làm ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Cơ quan chức năng đã tiến hành một số biện pháp nhưng chưa đạt hiệu quả cao.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, trước khi thực hiện thí điểm, cơ quan chức năng đã phối hợp tuyên truyền đến tất cả các công ty lữ hành, khách sạn trên địa bàn để chủ động có phương án điều chỉnh khung giờ đón, trả khách, đồng thời đã bố trí sáu điểm trung chuyển.

Đồng tình với phương án hạn chế xe, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ban đầu, việc thí điểm này có thể gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh. Nhưng vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô, sẽ còn cần đến những quy định nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp, đơn vị phải chuẩn bị tốt các phương án để bảo đảm hoạt động kinh doanh. “Hiện tại, thành phố cần mở thêm các tuyến xe điện, xe buýt nhỏ, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giúp du khách và người dân di chuyển thuận lợi, đồng thời cần nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối khu phố cổ với các điểm đỗ xe bên ngoài”, KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị thêm.

Việc thí điểm hạn chế xe trên 16 chỗ lưu thông trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm phù hợp mục tiêu xây dựng các vùng phát thải thấp của Hà Nội, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Chúng ta có thể học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như: Quy định xe cỡ lớn muốn lưu thông tại khu phố cổ, khu du lịch, phải có giấy phép, hoặc giới hạn thời gian xe được hoạt động. Nên có quy định thời gian cho các xe dừng đón, trả khách để tránh việc biến những điểm trung chuyển thành bến xe con"

TS KHƯƠNG KIM TẠO, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội, nhất là vùng lõi đô thị, luôn là bài toán khó. Bởi thế, cơ quan chức năng phải chú trọng tối ưu hóa hạ tầng hiện có đồng thời mau chóng cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng thêm bãi đỗ xe thông minh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị.

Không ít ý kiến còn lo ngại, việc thí điểm cấm xe trên 16 chỗ vào phố cổ có thể giúp giảm ùn tắc phần nào nhưng dễ dẫn đến tình trạng gia tăng phương tiện nhỏ hơn, như xe năm đến bảy chỗ, lưu thông trong khu vực, khiến áp lực giao thông lại có nguy cơ tăng. Trung tá Đỗ Xuân Giáp bày tỏ: “Khu phố cổ có nhiều nét đặc thù nên cần các giải pháp tổng thể để hài hòa lợi ích của người dân và đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch. Giờ mới đi vào thí điểm nên chưa có nhiều đánh giá. Theo từng giai đoạn, cơ quan chức năng sẽ đúc rút kinh nghiệm”. Trung tá Giáp cũng cho rằng, thực tế, vì lòng đường quá hẹp nên nếu không có các giải pháp cụ thể hơn, nguy cơ ùn tắc giao thông vẫn hiện hữu ngay trong các khung giờ thấp điểm, khi các xe trên 16 chỗ được phép lưu thông trong khu phố cổ.