Theo đó, trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đón khoảng 300.000 khách nước ngoài đến và sử dụng dịch vụ y tế mỗi năm, hơn 40% trong số này chọn thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch y tế nếu được quảng bá mạnh mẽ và có chính sách phù hợp.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, từ năm 2017, Sở Y tế và Sở Du lịch đã ký kết chương trình liên tịch về du lịch y tế. Thành phố đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ đối với cơ sở y tế tham gia chương trình.
Sở Du lịch cũng đã khảo sát các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm bảo đảm điều kiện phục vụ du khách. Ðể quảng bá du lịch y tế rộng rãi, Sở Du lịch đã biên soạn cẩm nang du lịch y tế với 5 ngôn ngữ, sản xuất phim giới thiệu; đưa vào khai thác 30 tour du lịch y tế kết hợp khám, chữa bệnh và trải nghiệm văn hóa, lịch sử tại thành phố…
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, các bệnh viện tại thành phố cũng đang nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển các kỹ thuật điều trị cao và chuyên sâu, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế. Ðây là yếu tố quan trọng để các công ty bảo hiểm quốc tế ký hợp đồng, tạo điều kiện cho người nước ngoài đến điều trị.
Hiện nay, nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được các bệnh viện triển khai, giúp giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng điều trị. Ðơn cử, Bệnh viện Nhân Dân 115 cùng với các bệnh viện tại thành phố đã có những bước phát triển ngang tầm khu vực trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị đột quỵ, giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân và giảm tỷ lệ tàn phế…
Ngành y tế đã tham mưu lãnh đạo thành phố định hướng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn từ nay đến năm 2030 theo ba cụm: Y tế chuyên sâu khu vực trung tâm; Y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) và Y tế chuyên sâu tại thành phố Thủ Ðức.
Trong đó, Cụm y tế chuyên sâu khu vực trung tâm giữ vai trò chủ lực trong phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong và ngoài nước.
Ðể phát triển du lịch y tế tốt hơn, theo các chuyên gia, thành phố cần xác định và phát huy thế mạnh của ngành y tế. Thành phố có những thế mạnh có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch y tế như: Ðiều trị hiếm muộn, tầm soát ung thư bằng công nghệ cao, khám tổng quát, y học cổ truyền, nha khoa, phục hồi chức năng, phẫu thuật thẩm mỹ, y tế chuyên sâu…
Cần sớm hình thành Tổng đài du lịch y tế hoặc cổng thông tin du lịch quốc tế để người dân trong và ngoài nước đăng ký, đặt lịch hẹn các nhu cầu về khám sức khỏe, khám, chữa bệnh; sớm triển khai thí điểm mô hình điều phối viên du lịch y tế quốc tế, giúp hỗ trợ tốt hơn cho khách du lịch khi khám, chữa bệnh tại thành phố.
Trước mắt, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện, chuẩn hóa và đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch y tế hiện có, khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình du lịch y tế theo thế mạnh… Ðồng thời, đẩy mạnh công tác nguồn nhân lực có chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành y tế; nâng tầm, chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch y tế…
Về lâu dài, thành phố cần xây dựng, triển khai đề án phát triển Du lịch y tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Sở Du lịch cần phối hợp các đơn vị liên quan kết nối cơ sở y tế với hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn đạt chuẩn để cùng nhau phục vụ du khách đến thành phố du lịch và khám, chữa bệnh.