Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quý I/2025 xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất, chiếm 53,1% thị phần xuất khẩu. Các địa phương có mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ đang nỗ lực rà soát, đánh giá tác động và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh Bình Định có hơn 300 doanh nghiệp chế biến gỗ với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nội, ngoại thất, viên nén, dăm gỗ. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 604 triệu USD, chiếm 34,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh. Ngay sau khi có thông tin về thuế đối ứng, một số doanh nghiệp từ Hoa Kỳ đã đề nghị đàm phán lại đơn hàng và tạm hoãn ký kết đơn hàng mới.
Tương tự, toàn tỉnh Bắc Kạn có 22 doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó hai đơn vị xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ là Công ty cổ phần đầu tư Govina (xuất khẩu ván gỗ dán) và Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam (xuất khẩu ván gỗ dán và ván sàn) có tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 54,7% tổng sản lượng sản xuất của đơn vị.
Báo cáo rà soát, đánh giá tác động đối với các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ của tỉnh Bắc Kạn cho thấy: Nếu bị áp thuế đối ứng mức 46% sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp của tỉnh, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ và toàn bộ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ xuất khẩu như: gỗ nguyên liệu, các sản phẩm đầu vào cho chế biến khoáng sản, chế biến thực phẩm, may mặc, giày da.
Ngay sau khi có thông tin về thuế đối ứng, một số đơn hàng của hai doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã bị tạm dừng hoặc hủy đơn hàng. Đặc biệt, Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam đã bị hủy 100% đơn hàng xuất khẩu ván sàn. Dự báo tốc độ tăng trưởng công nghiệp năm 2025 tại Bắc Kạn sẽ giảm khoảng 1-2%, kim ngạch xuất khẩu gỗ có thể giảm 8-10 triệu USD. Một số doanh nghiệp có thể cắt giảm lao động, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn Đinh Lâm Sáng cho biết, thời gian Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm thời gian điều chỉnh chính sách hoạt động kinh doanh và chuẩn bị các biện pháp ứng phó. Đồng thời là thời gian chuẩn bị tốt cho đàm phán thỏa thuận thương mại dài hạn cũng như tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng sẽ rất khó khăn khi chuyển đổi thị trường. Mỗi dòng hàng xuất khẩu đều có hệ thống sản xuất riêng, việc chuyển đổi thị trường không chỉ là vấn đề xúc tiến thương mại, tìm kiếm hợp đồng mà còn cần nguồn tài chính lớn để đầu tư hệ thống sản xuất.
Ông Trần Quốc Bảo (Công ty Xuất nhập khẩu Thiên Lộc) cho rằng, việc chuyển đổi thị trường là một hướng đi tốt nhưng không dễ triển khai, hơn nữa thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu gỗ, các thị trường còn lại chiếm tỷ trọng không lớn. Chỉ khoảng 10% doanh nghiệp có khả năng chuyển dịch thị trường. Nếu áp mức thuế 10% là mức doanh nghiệp gồng gánh được khi chia đôi rủi ro giữa doanh nghiệp hai bên, nhưng nếu mức thuế cao hơn thì khả năng đóng cửa nhà máy rất lớn. “Chúng tôi sẽ phải tính đến phương án chuyển hướng sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa, cố gắng bảo đảm ổn định đời sống cho hơn 100 lao động”, ông Bảo phân tích.
Ðể phát triển vững chắc ngành đồ gỗ xuất khẩu
Một số địa phương đang triển khai kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để bàn giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ổn định sản xuất, mở rộng thị trường nội địa. Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp tổng thể trước mắt và lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý, hồ sơ điều tra phòng vệ thương mại bằng tiếng Anh, theo yêu cầu phía Hoa Kỳ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh trong công tác xúc tiến xuất khẩu tới các thị trường thay thế.
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng, trước kia chúng ta chỉ xuất khẩu dăm gỗ và một số ván gỗ sang thị trường Nhật Bản, nay với áp lực từ thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần tìm kiếm khả năng xuất khẩu đồ gỗ nội thất phù hợp với sở thích của người Nhật Bản. Trung Quốc - thị trường 1,4 tỷ người, trước kia chúng ta chỉ tập trung xuất khẩu dăm gỗ để làm giấy, nhưng nếu khổ công khai thác thì có thể vẫn tìm kiếm được đầu ra cho một số sản phẩm nhất định.
Thị trường Hàn Quốc rất thuận lợi về logistics, cự ly vận tải biển tương đối gần, quan hệ thương mại rất tốt, nhưng doanh nghiệp gỗ của Việt Nam mới chỉ cung cấp chủ yếu viên nén gỗ và gỗ dán giá rẻ.
Hoặc ngay cả thị trường EU, với 27 quốc gia thành viên và với Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã được ký kết, nhưng sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường này mới chỉ chiếm 3,8-4% tổng kim ngạch. Một loạt các thị trường khác như Nga, Trung Đông, Nam Mỹ… hay nội khối ASEAN cũng cần được nghiên cứu, khai mở và kích hoạt. Đây là các thị trường còn những tiềm năng mà doanh nghiệp gỗ Việt cần sớm tận dụng để bù đắp một phần khoảng trống rất lớn có thể xảy ra do chính sách thuế từ Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu gỗ. Nếu bị áp thuế do nghi ngờ lẩn tránh thuế, cần minh bạch quy trình sản xuất, nguyên liệu. Đồng thời, nghiên cứu thay đổi cấu trúc nguyên vật liệu, cấu trúc sản xuất, chuyển hướng sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, giảm tối đa phụ thuộc nguyên vật liệu, bán thành phẩm từ nước ngoài.