Hoạt động vận tải và công tác quản lý vận tải hành khách được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ.
Các tuyến cửa ngõ khá thông thoáng
Khoảng 16 giờ ngày 4/5, tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), các phương tiện xe khách từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa,… ùn ùn đổ về. Hành khách xuống xe, ai cũng vội vã lấy hành lý, đồ đạc rồi bắt taxi, xe ôm rời bến. Tại lối vào bến, nhân viên Bến xe Giáp Bát được huy động hướng dẫn, phân làn phương tiện để tránh gây ùn ứ cục bộ. Phía ngoài bến, trên đường Giải Phóng, do phương tiện qua lại quá đông, lực lượng công an hết sức vất vả trong việc bảo đảm trật tự, phân luồng giao thông.
Kéo chiếc va-li to ra cửa bến, em Hoàng Mỹ Hạnh, quê ở huyện Trực Ninh (Nam Định), sinh viên Học viện Ngân hàng rút điện thoại hý hoáy đặt xe Grab để về phòng trọ. Trưa nay, Hạnh được bố chở ra ven Quốc lộ 21 bắt xe khách. Rất nhiều xe chạy qua song xe nào cũng đầy chỗ nên phải chờ một lúc lâu cô mới lên được xe.
![]() |
“Chỗ khu nhà em chỉ đón được xe khách từ huyện Giao Thủy, Hải Hậu đi qua. Tần suất xe ít, ngay từ đầu bến, xe nào cũng đông khách nên những dịp nghỉ lễ như thế này rất khó bắt xe, cũng phải chấp nhận đôi khi bị “nhồi nhét” vì khách đông quá. Đợt này, em thấy nhà xe vẫn giữ nguyên giá vé 100 nghìn đồng, đi đường thấy nhiều người vẫy xe nhưng xe đã chở quá số người rồi nên không thấy bắt khách nữa”, Hạnh cho hay.

Cửa ngõ dẫn vào Thành phố Hồ Chí Minh không quá ùn ứ ngày cuối nghỉ lễ
Lãnh đạo các bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình thông tin, do kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, một số hành khách đã quay trở lại Hà Nội từ hôm trước (ngày 3/5), ngày cuối nghỉ lễ cũng trở về thành phố trải dài trong nhiều khung giờ nên không ùn ứ cục bộ.
Tuy tần suất phương tiện đông hơn ngày thường song cả lượng khách và số xe về bến không tăng đột biến. Các nhân viên bến xe đã túc trực tại nhiều vị trí và phối hợp cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông duy trì an ninh, trật tự, phân luồng giao thông cả trong và ngoài bến xe để bảo đảm thuận tiện cho hành khách trở về Thủ đô.
Đến cuối giờ chiều 4/5, tại các khu vực cửa ngõ Thủ đô đã xảy ra ùn tắc giao thông, “nóng” nhất vẫn là tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ. Nhiều thời điểm, dòng phương tiện ùn ứ dài tới 1-2km đoạn từ nút giao Tứ Hiệp đến nút giao với vành đai 3.
Lực lượng chức năng phải tăng cường quân số tại nút giao này để điều tiết, phân luồng giao thông nhằm giảm xung đột, ùn tắc. Tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cũng bị ùn ứ tại khu vực trạm thu phí đầu tuyến. Trên đường Cổ Linh (Long Biên), đoạn rẽ lên cầu Vĩnh Tuy, dòng xe cũng phải nhích từng chút một. Nhiều khu vực khác như đường Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, hầm chui Đại lộ Thăng Long cũng bị ùn tắc cục bộ.
![]() |
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào cuối giờ chiều 4/5, các cửa ngõ ra vào khá đông, song do người dân chủ động sắp xếp kế hoạch quay lại thành phố từ sớm nên không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng ở các tuyến quốc lộ, cửa ngõ. Khu vực phà Cát Lái, nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), dòng người từ Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh đông lên từ 15 giờ, việc di chuyển rất trật tự do đơn vị quản lý phà chủ động bố trí nhân viên túc trực, phân luồng hướng dẫn hành khách.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Cát Lái cho biết, ngày 30/4, đã có 75.000 lượt khách qua phà (ngày bình thường khoảng 40.000 lượt). Trong dịp lễ, xí nghiệp đã vận hành 300 chuyến phà đôi mỗi ngày (ngày bình thường 180 chuyến), đồng thời tăng cường thêm 50% nhân sự so với ngày thường.
Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, lượng người dân đổ về Thành phố Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm 30/4, các điểm du lịch và về quê tăng cao hơn so với mọi năm. Nhờ chuẩn bị từ sớm và triển khai hiệu quả của các đơn vị, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 5 ngày vừa qua cơ bản bảo đảm tốt.
Tại cửa ngõ phía tây, ngày cuối nghỉ lễ khá thông thoáng. Từ chiều tối 3/5, rất nhiều người dân đã quay trở lại thành phố sớm khiến đoạn Quốc lộ 1 đoạn giao với cầu Bình Điền ken dày xe cộ đi lại. Riêng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, từ trưa đến chiều 4/5 xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện, khiến giao thông đình trệ, nhiều xe phải nhích từng chút một để di chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là tại trạm thu phí Long Phước (Đồng Nai).
Ở Đà Nẵng, trong 5 ngày nghỉ lễ, ga Đà Nẵng đón 24.000 lượt khách lên/xuống, tăng hơn 50% so với ngày thường. Một sự kiện đặc biệt của ngành đường sắt Đà Nẵng là tổ chức đón “Đoàn tàu Thống Nhất” gồm tàu SE1 xuất phát tại Ga Hà Nội lúc 20 giờ 55 phút ngày 29/4 và tàu SE4 xuất phát tại Ga Sài Gòn lúc 19 giờ ngày 29/4, cả hai đoàn tàu đến Ga Đà Nẵng lúc 12 giờ 40 phút ngày 30/4. Khoảng 900 hành khách trên hai đoàn tàu đã có buổi gặp gỡ đầy xúc động tại Ga Đà Nẵng.
Tai nạn giao thông giảm sâu
Hoạt động khai thác vận chuyển hàng không trong dịp nghỉ lễ 30/4 được ghi nhận đạt tăng trưởng cao ở mức hai con số. Ước tính sơ bộ trong các ngày từ 29/4 đến 4/5, tại các cảng hàng không, sân bay trong cả nước có hơn 12.600 lượt chuyến bay cất hạ cánh, tăng 19,45%; tổng sản lượng hành khách thông qua đạt gần 2,1 triệu lượt (tăng gần 26%) và 23,36 nghìn tấn hàng hóa (tăng 18,6%) so với cùng kỳ.
Riêng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có khoảng 4.320 lượt cất hạ cánh, gần 710 nghìn khách và 70,4 nghìn tấn hàng hóa. Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có khoảng 3.480 lượt cất hạ cánh với hơn 578,5 nghìn hành khách thông qua cảng. Trung bình dịp nghỉ lễ, các cảng hàng không, sân bay cả nước mỗi ngày có hơn 2.000 lượt cất hạ cánh, hơn 340 nghìn hành khách và khoảng 3.800 tấn hàng hóa thông qua cảng.
Cục trưởng Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng cho biết, hoạt động phục vụ, vận chuyển hàng không dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay diễn ra ổn định, liên tục, thông suốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách. Các đơn vị, bộ phận chức năng liên quan đã phối hợp triển khai và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khai thác.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã chủ động bố trí tất cả quân số ứng trực, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Trên đường bộ, đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 42 nghìn trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 118,2 tỷ đồng; tạm giữ 221 xe ô-tô, hơn 11 nghìn xe máy; tước 1.313 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, xử lý 9.154 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 11.360 trường hợp vi phạm tốc độ,...
Trong 5 ngày nghỉ lễ, cả nước xảy ra 268 vụ tai nạn giao thông, làm chết 128 người, bị thương 203 người; trong đó, xảy ra 265 vụ trên đường bộ, làm chết 126 người, bị thương 200 người. So với 5 ngày nghỉ lễ năm 2024, tai nạn giao thông giảm sâu ở cả ba tiêu chí (giảm 79 vụ, 10 người chết và 82 người bị thương.
Trong dịp nghỉ lễ, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhận 11 ý kiến phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi), chủ yếu phản ánh tình trạng chở quá số người quy định, va chạm giao thông, ùn tắc tại một số tuyến đường và các khu vực du lịch nghỉ dưỡng. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương; sự chuẩn bị từ sớm, triển khai nghiêm túc và hiệu quả của các lực lượng chức năng, trật tự an toàn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ cơ bản được bảo đảm tốt; tai nạn giao thông giảm sâu so với năm trước, không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Việc xử lý vi phạm, nhất là về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ được triển khai quyết liệt, tình hình giao thông được kiểm soát tốt. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định.
Do lưu lượng phương tiện tăng cao phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra tại khu vực cửa ngõ, vành đai và các tuyến cao tốc trọng điểm của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày đầu và ngày cuối nghỉ lễ.