Trang trọng Lễ tế đàn Xã Tắc năm 2018

NDO -

NDĐT- Rạng sáng 27-3, nhằm ngày 11-2 Âm lịch, tại Đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa (TP Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức Lễ tế đàn Xã Tắc năm 2018 với hình thức gọn nhẹ, trang nghiêm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung làm chủ lễ.

Không gian lễ tế bên trong Đàn Xã Tắc.
Không gian lễ tế bên trong Đàn Xã Tắc.

Lễ tế năm nay được tổ chức dựa theo các nghi thức truyền thống đã được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng tinh gọn như: lễ Thượng hương (dâng hương), lễ Nghinh thần (rước thần đến dự), lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), lễ Hiến tước (dâng rượu), lễ Phú tộ (hưởng lộc), lễ Triệt soạn (hạ cỗ), lễ Tống thần (đưa tiễn thần), lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).

Trang trọng Lễ tế đàn Xã Tắc năm 2018 ảnh 1

Hiện nay, chỉ duy nhất tại Huế còn bảo tồn được Đàn Xã Tắc cùng những tư liệu liên quan đến Lễ tế Xã Tắc.

Lực lượng tham gia gần 200 người, đều mặc trang phục truyền thống với đầy đủ áo quần, hài hia mũ mão theo quy định dưới thời Nguyễn. Vật phẩm dâng tế có đủ tam sinh, ngọc lụa, gạo, hoa quả…

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: Nghi lễ tế Xã Tắc có từ thời tiền Lê và được duy trì qua các đời Lý, Trần, Nguyễn, được tổ chức vào tháng hai âm lịch hằng năm nhằm để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Dưới triều nhà Nguyễn, Đàn Xã Tắc được xây dựng dưới thời Vua Gia Long (năm 1806) để cúng tế thần đất và thần lúa, đích thân nhà vua đến làm lễ tế để cầu mong thiên hạ thái bình, đất nước thịnh vượng.

Hiện nay, chỉ duy nhất tại Huế còn bảo tồn được Đàn Xã Tắc cùng những tư liệu liên quan đến Lễ tế Xã Tắc. Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Huế, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng Thành. Lễ tế Xã Tắc, tế dhần đất và thần lúa, cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự). Dù trải qua một thời gian dài với nhiều sự biến đổi, thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay, Lễ tế đàn Xã Tắc vẫn được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nỗ lực bảo tồn và duy trì tổ chức để người dân đến dâng hương cầu nguyện.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc nhân văn, một nghi lễ nông nghiệp lúa nước của nước nhà đang được gìn giữ và duy trì, trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của Thừa Thiên - Huế. Việc tái hiện, phục dựng có chọn lọc một số nghi lễ cung đình Triều Nguyễn, trong đó có Lễ tế Xã Tắc, sẽ góp phần phục hồi môi trường diễn xướng để các hình thức diễn xướng truyền thống cung đình Huế được bảo tồn và phát huy giá trị.

Lễ tế Xã Tắc đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nghiên cứu phục dựng và tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào 2008. Từ đó đến nay, hàng năm, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức định kỳ lễ tế vào dịp tháng hai âm lịch. Việc phục hồi thành công Lễ tế Xã Tắc nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam từng diễn ra trong lịch sử, đề cao những giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của cộng đồng.

Lễ tế Xã Tắc đã đề cao những giá trị nhân văn, chủ yếu là hình thức gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên; tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà; biểu thị khát vọng cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, thiên hạ thái bình, đoàn kết, đổi mới, phát triển.