Thị trường bất động sản vùng Thủ đô được dự báo sẽ chuyển mình mạnh mẽ. (Ảnh: HNV)
Thị trường bất động sản vùng Thủ đô được dự báo sẽ chuyển mình mạnh mẽ. (Ảnh: HNV)

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô

NDO - Hiện nay, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính đang được gấp rút triển khai là bước đi chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra không gian phát triển mới, đưa các địa phương tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Theo đó, thị trường bất động sản được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Sáng 15/5, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô".

Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế-xã hội gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Vùng Thủ đô được định hướng phát triển thành vùng có tầm quan trọng quốc gia, là đô thị hạt nhân - trung tâm chính trị, văn hóa-lịch sử, khoa học, giáo dục-đào tạo và du lịch lớn của cả nước; phát triển năng động, có nền kinh tế thịnh vượng và đổi mới; có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt cho cộng đồng; có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối tốt; có môi trường cảnh quan chất lượng cao, hòa vào thiên nhiên đồng bằng sông Hồng và trung du và miền núi phía bắc; sáng tạo và đặc thù, có đặc trưng riêng và giàu bản sắc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích và đánh giá về tầm nhìn và khát vọng trong kỷ nguyên mới của vùng Thủ đô; dư địa, cơ hội bứt phá sau sáp nhập của các đô thị trong vùng Thủ đô; cũng như triển vọng của thị trường bất động sản tại các đô thị trong vùng.

Đáng chú ý, tại bàn tròn thảo luận, đại diện các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận 3 nội dung chính về diễn biến thị trường bất động sản, điểm sáng, điểm đến đầu tư hấp dẫn và đầu tư thông minh trước nhiều cơ hội của bất động sản vùng Thủ đô.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam. (Ảnh: TÙNG DƯƠNG)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là dịp quan trọng để cùng nhìn lại tầm nhìn, sứ mệnh phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội trong kỷ nguyên mới, nhận diện những cơ hội bứt phá sau các chính sách sáp nhập hành chính, thảo luận về vai trò của các đô thị vệ tinh và đánh giá thực trạng, triển vọng thị trường bất động sản trong khu vực đặc biệt này.

Sứ mệnh, tầm nhìn và khát vọng trong kỷ nguyên mới

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng phân tích, theo định hướng phát triển đã được xác định, vùng Thủ đô sẽ trở thành một vùng đô thị đặc biệt tầm cỡ quốc gia, một đô thị hạt nhân năng động với nền kinh tế thịnh vượng, đổi mới; có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt, hệ thống giao thông kết nối thuận lợi; cảnh quan hài hòa với thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi Bắc Bộ; đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô ảnh 2

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng. (Ảnh: TÙNG DƯƠNG)

Luật Thủ đô 2024 cũng đã nhấn mạnh mục tiêu liên kết, phát triển vùng Thủ đô không chỉ trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố hiện nay mà còn mở rộng hợp tác với các địa phương khác thuộc đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc, qua đó phát huy tối đa lợi thế vùng trung tâm và lan tỏa động lực ra nhiều vùng miền.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, vùng Thủ đô trong tư duy mới không chỉ là không gian gắn với Hà Nội mà là trung tâm của trung tâm, là điểm hội tụ và lan tỏa của các nguồn lực phát triển. Việc mời gọi các "đại bàng công nghệ", kết nối các chuỗi giá trị mới, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đều đang tạo ra hiệu ứng hào hứng, sôi sục cho một kỷ nguyên phát triển.

“Đây là thời điểm cần nhận thức rõ, cơ hội không còn nằm ở điểm tựa cũ, mà nằm ở khả năng mở ra không gian mới, cả về địa lý, công nghệ, thể chế và tư duy. Vùng Thủ đô với tất cả lợi thế và vị thế đang được tái cấu trúc, có thể sẽ là nơi chứng kiến những thành tựu phát triển vượt sức tưởng tượng, nếu tận dụng được lợi thế, sẽ mở đà vươn lên hiện nay”.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô ảnh 3

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Uỷ viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng. (Ảnh: TÙNG DƯƠNG)

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng chỉ rõ, nếu Vùng Thủ đô tạo ra được những cực tăng trưởng tốt, đất nước cũng sẽ có thêm động lực tăng trưởng. Đồng thời dự báo, vùng Thủ đô sẽ có nhiều động lực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Dư địa, cơ hội bứt phá sau sáp nhập của các đô thị vùng Thủ đô

Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cả nước đang hướng tới tinh gọn từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34, trong đó Hà Nội được giữ nguyên do tính chất đặc thù.

Riêng tại vùng Thủ đô, chủ trương này được xem là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo hành lang và động lực tăng trưởng mới cho các địa phương.

Đây không đơn thuần là cải cách hành chính, mà là cơ hội mang tầm nhìn trăm năm để tái cấu trúc không gian kinh tế-xã hội, giúp các tỉnh, thành trong vùng cất cánh mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô ảnh 4

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. (Ảnh: TÙNG DƯƠNG)

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng nhận định, việc sáp nhập sẽ mang lại dư địa phát triển đô thị to lớn và tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Theo nhận định của các chuyên gia, quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường bất động sản vùng Thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thực tế cho thấy bất động sản sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi không gian phát triển được mở rộng và nguồn lực được tập trung.

Việc sáp nhập các tỉnh vùng Thủ đô ngày nay cũng được kỳ vọng tạo nên những “siêu địa phương” mới, đủ nguồn lực và không gian để triển khai các dự án hạ tầng, khu đô thị quy mô lớn, tạo sức bật cho cả vùng trong dài hạn.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Việc sáp nhập các tỉnh vùng Thủ đô ngày nay cũng được kỳ vọng tạo nên những “siêu địa phương” mới, đủ nguồn lực và không gian để triển khai các dự án hạ tầng, khu đô thị quy mô lớn, tạo sức bật cho cả vùng trong dài hạn.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô ảnh 5

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam. (Ảnh: TÙNG DƯƠNG)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam bày tỏ sự lạc quan trước tương lai đầy triển vọng của vùng Thủ đô nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính cũng thẳng thắn cảnh báo, bên cạnh lợi ích, chúng ta cũng ý thức rằng quá trình sắp xếp lại địa giới đặt ra không ít thách thức. Việc tổ chức, vận hành chính quyền trên địa bàn mới đòi hỏi tầm nhìn quy hoạch đồng bộ, tránh chồng chéo. Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để sau sáp nhập, bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng thời sẵn sàng kiểm soát hiện tượng sốt đất ảo có thể xảy ra theo tâm lý đón đầu quy hoạch.

Trước cảnh báo này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi đồng tình cao, “việc “chặn sóng” đầu cơ bất động sản đã được tính đến nhằm bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả thể chế lẫn quy hoạch, chúng ta tin tưởng quá trình mở rộng không gian phát triển vùng Thủ đô sẽ diễn ra suôn sẻ, tạo cú hích mạnh mẽ cho kinh tế-xã hội vùng, đặc biệt là thị trường bất động sản”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi nói.

Đô thị vùng vệ tinh: Tâm điểm của làn sóng đầu tư

Trong bức tranh phát triển vùng Thủ đô, các đô thị vệ tinh chung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến đầu tư sôi động nhất. Nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dồi dào, những năm gần đây các tỉnh lân cận Hà Nội thu hút mạnh dòng vốn đầu tư vào bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã và đang “đổ xô” về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi khu vực nội đô chật chội.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô ảnh 6

Chủ trì hội thảo "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô". (Ảnh: TÙNG DƯƠNG)

Chúng ta có thể thấy vai trò ngày càng lớn của loạt đô thị vệ tinh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang… Đây đều là các địa phương nằm ở vị trí “cửa ngõ” của Thủ đô, đồng thời tích cực cải thiện hạ tầng giao thông và môi trường đầu tư. Nhờ đó, mức độ quan tâm tới thị trường bất động sản tại các tỉnh này đã tăng trưởng vượt trội so với Hà Nội.

Đây là thời điểm cần nhận thức rõ, cơ hội không còn nằm ở điểm tựa cũ, mà nằm ở khả năng mở ra không gian mới, cả về địa lý, công nghệ, thể chế và tư duy. Vùng Thủ đô với tất cả lợi thế và vị thế đang được tái cấu trúc, có thể sẽ là nơi chứng kiến những thành tựu phát triển vượt sức tưởng tượng, nếu tận dụng được lợi thế, sẽ mở đà vươn lên hiện nay.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Uỷ viên Hội đồng tư vấn của Thủ tướng

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, mức độ quan tâm và đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025. Xu hướng này còn tiếp tục trong quý I/2025 khi nhu cầu tập trung nhiều ở các khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4 và các hành lang công nghiệp kết nối Hà Nội với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Rõ ràng, dòng tiền và nhu cầu đang dịch chuyển về các đô thị vệ tinh, biến các đô thị vệ tinh thành tâm điểm của thị trường.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô ảnh 7

Sóc Sơn, Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: HNV)

Có thể khẳng định, thị trường bất động sản đô thị vùng Thủ đô đang đứng trước triển vọng tươi sáng. Các chuyên gia, các nhà quản lý đều chung niềm tin rằng bất động sản đô thị vùng Thủ đô sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Vùng Thủ đô hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển: một tầm nhìn chiến lược rõ ràng, dư địa không gian mở rộng, hạ tầng kết nối cải thiện từng ngày, dòng vốn đầu tư dồi dào, nhất là quyết tâm chính trị thông qua các chính sách mới. Thách thức vẫn còn nhưng không phải là không thể vượt qua nếu chúng ta có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và giới chuyên gia và người dân.

Sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản vùng Thủ đô cần sự chung tay của tất cả chúng ta. Chính quyền Trung ương và Hà Nội đã vạch ra định hướng, chính sách; các tỉnh trong vùng cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Phần việc còn lại phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Vốn có nhiều dư địa bứt phá, vùng Thủ đô sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển đô thị, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, nhất là tạo ra các xu hướng đầu tư dẫn dắt thị trường phát triển bền vững…

back to top