Trung Quốc phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam

NDO - Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thương lái tuyển lựa sầu riêng tại vườn của bà Nguyễn Thị Hoa, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để xuất khẩu. (Ảnh: nhandan.vn)
Thương lái tuyển lựa sầu riêng tại vườn của bà Nguyễn Thị Hoa, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để xuất khẩu. (Ảnh: nhandan.vn)

Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự cải thiện đáng kể của Việt Nam trong công tác kiểm soát chất lượng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời bảo đảm nghiêm túc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nhằm xuất khẩu sầu riêng một cách bền vững.

Ngày 11/7/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã được ký kết.

Ngay sau đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với các địa phương trồng sầu riêng trong cả nước, phổ biến quy định, hướng dẫn xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn. Cục đã gửi hồ sơ 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc; trong đó có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt. Do có vi phạm trong quá trình xuất khẩu, thời gian qua Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã tạm dừng hoạt động đối với một số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Từ cảnh báo và yêu cầu thị trường, hoạt động sản xuất và xuất khẩu sầu riêng đã có sự thay đổi. Thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, ngày 21/5/2025, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiếp tục phê duyệt thêm 829 vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Việc được phê duyệt thêm gần 1.000 mã số nói trên là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với phía Trung Quốc, thể hiện nỗ lực tăng cường năng lực giám sát, truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị sầu riêng xuất khẩu.

Động thái này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong chuỗi nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, trong đó có việc tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Đồng thời, động thái này cũng cho thấy Trung Quốc ghi nhận những tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong công tác tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của nước nhập khẩu.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khuyến cáo các doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp tục duy trì nghiêm túc quy trình sản xuất, đóng gói và kiểm dịch theo đúng quy định đã đăng ký với phía Trung Quốc, nhằm bảo đảm tính bền vững trong hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Cục cũng cho biết, cả nước đang có 12 phòng kiểm định Cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đủ điều kiện xét nghiệm sầu riêng xuất khẩu. Đây là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm tra chất lượng, đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.