Trường nghề đẩy mạnh tuyển sinh

Ngay từ đầu năm 2025, một số trường nghề trên địa bàn Hà Nội đã thông báo tuyển sinh. Theo đó, nhiều trường mở thêm các ngành mới để đón đầu xu thế thị trường lao động. Dự kiến, năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp của TP Hà Nội sẽ đào tạo 240 lượt người.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn tuyển sinh tại Trường cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
Tư vấn tuyển sinh tại Trường cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội. Ảnh: SONG ANH

Theo nhu cầu doanh nghiệp

Nắm bắt được định hướng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp (DN), bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, từ cuối năm 2024, nhiều trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và thông báo tuyển sinh năm học 2025 - 2026.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết, năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh gần 2.000 học sinh, sinh viên, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là hơn 1.000 chỉ tiêu với các ngành “hot” như: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô-tô, Hàn công nghệ cao, Cắt gọt kim loại, Quản trị mạng máy tính. Với những mã ngành đang tuyển sinh, nhà trường tăng cường đào tạo thêm về ngoại ngữ, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Ngành nghề hiện nay giới trẻ đang có nhu cầu ở trường chúng tôi vẫn thiên về kỹ thuật, công nghệ. Phụ huynh và các em cũng hướng đến các ngành nghề dễ có việc làm, lương cao và cơ hội phát triển sau này. Chúng tôi tư vấn làm thế nào để phù hợp nhất với năng lực của các em. Về công tác tuyển sinh, năm nào trường cũng đạt khoảng 95% so với chỉ tiêu”, ông Ngọc nói.

Trường cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội đã chủ động các phương án tuyển sinh năm 2025 như: Tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh, thu hút tuyển sinh học nghề, trong đó các đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS được chú trọng tư vấn, định hướng một cách tích cực và hiệu quả. Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, người học sẽ dịch chuyển sang các ngành nghề: Công nghệ thông tin, Bán dẫn, Chăm sóc sắc đẹp, Công nghệ ô-tô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Điện - điện tử và các ngành về ngoại ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật... Dự kiến năm 2025, nhà trường sẽ mở thêm một số nghề mới như tiếng Hàn, tiếng Đức, Ứng dụng phần mềm, Điều khiển máy bay không người lái.

Trước nhu cầu cao về nhân lực công nghệ của các DN, Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội dự kiến đào tạo 3 ngành mới là: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và tiếng Trung Quốc. Năm 2025, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ bán dẫn. Theo đó, nhà trường phối hợp với các trường đại học của Đài Loan (Trung Quốc) để tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn. Được biết, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội sẽ mở thêm 3 chuyên ngành về tiếng là Trung, Nhật, Hàn. Khi đăng ký học 3 ngành này, các em có nhiều cơ hội làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài làm việc với mức lương khá...

Trường cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội năm học 2025-2026 cũng mở thêm chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; đang xây dựng chương trình để mở thêm một số nghề nhằm đáp ứng xu thế chuyển đổi số trong kinh doanh thương mại và hội nhập quốc tế như Thương mại điện tử và Marketing số, ngôn ngữ. Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho rằng, với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, những ngành nghề về công nghệ thông tin, thương mại điện tử, marketing số sẽ được các DN tuyển dụng nhiều nhân lực. Bên cạnh đó, các ngành có yêu cầu về công nghệ cao đang rất cần nhiều nhân lực như: Bán dẫn, năng lượng tái tạo, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển du lịch, nên tới đây các DN sẽ tuyển dụng nhiều nhân sự ngành này.

Cập nhật chương trình đào tạo

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như trang bị cho người học kỹ năng tay nghề đáp ứng nhu cầu công việc, nhiều trường nghề xây dựng chương trình sát thực tế và thị trường lao động. Chương trình đào tạo với thời lượng 30% lý thuyết và 70% thực hành. Đồng thời, các trường chỉnh sửa, cập nhật chương trình đào tạo cho phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, các trường cao đẳng chú trọng lựa chọn DN để đưa sinh viên đi thực tập, thực tế nhằm trang bị kỹ năng phù hợp. Theo đó, từ năm học thứ hai và ba, các trường đưa sinh viên đến DN thực tập. Tại DN, các em sẽ được tiếp cận trang thiết bị thực tế, được học nguyên tắc, kỷ luật làm việc, văn hóa làm việc.

Như vậy, khi sinh viên tốt nghiệp sẽ đáp ứng được ngay yêu cầu công việc và DN không mất thời gian đào tạo lại. Từ việc thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, tỷ lệ học thực hành cao, sinh viên lại được đi thực tập tại DN nên khi ra trường được DN tuyển dụng ngay. Hướng đi này đã nâng tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành ngay khi tốt nghiệp của Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội lên hơn 90%. Không chỉ vậy, với các ngành Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô-tô và Hàn, gần 100% số sinh viên tốt nghiệp được DN tuyển dụng ngay với mức lương cao từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Công nghệ cao Hà Nội cho biết, việc kết nối với hơn 400 DN trong và ngoài nước, nhà trường đã giải quyết hiệu quả mục tiêu kép nâng chất lượng đào tạo và bảo đảm việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên. “Với những nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội, sắp tới chúng tôi sẽ mở các ngành mới. Trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ mở ngành về nông nghiệp công nghệ cao, trong ngành du lịch thì hướng đến du lịch sinh thái, một số ngành liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi cũng chú trọng hướng đến ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn, như lập trình chíp bán dẫn… Đó là những ngành nghề thị trường đang cần”, ông Khánh nói.

Theo ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội), để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, TP Hà Nội thực hiện các giải pháp tăng cường giáo dục định hướng nghề nghiệp trong các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “TP Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của DN, tập trung đào tạo đối với những ngành nghề mà xã hội và thị trường có nhu cầu cao, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội và từng địa phương”, ông Lê Minh Thảo nhấn mạnh.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, ngoài việc tăng chỉ tiêu đào tạo cũng cần chú ý đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng lao động đang tham gia thị trường lao động. “Lực lượng đang làm việc trong nền kinh tế chưa được đào tạo còn rất nhiều. Do vậy, nhu cầu giữa đào tạo mới và đào tạo lại, tăng quy mô trình độ trung cấp, cao đẳng theo hình thức tuyển mới từ lực lượng chuẩn bị bước vào thị trường lao động sẽ không tăng nhiều, mà phần lớn chúng ta phải đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, tức là lực lượng đang hiện hữu, đang làm việc trong nền kinh tế và trong các doanh nghiệp. Một là để chuẩn hóa, hai là nâng cao trình độ kỹ năng để họ thích ứng được với công việc”, ông Độ cho biết.

Với hệ thống gần 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, hiện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi theo hướng ưu tiên đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu các DN, nâng cao nhận thức của người học, gia đình, xã hội và DN về các chủ trương, chính sách, xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp.