“Tôi chuyển đổi mô hình được khoảng hơn 5 năm nay, trên vườn trồng chuối, dưới ao nuôi cá, ruộng thì 1 vụ lúa - 1 vụ cá”, ông nói. Từ những thửa ruộng trũng chỉ biết đến lúa với nước, giờ đây mỗi sào đất của ông cho thu nhập 30 triệu đồng mỗi năm, với lúa xen cá, chuối xen ốc. Câu chuyện của ông Đăng là hành trình đổi đời cá nhân, cũng là minh chứng sống động cho sự chuyển mình của kinh tế đa canh ở HTX Yên Thắng.
Từ ruộng lúa đơn độc đến vườn ao trù phú
“Trước đây gia đình chỉ làm lúa với 2 vụ chính, nên không tận dụng được tiềm năng đất đai của địa phương, gia đình”, ông Đăng kể, đôi mắt lấp lánh hồi ức. Trước khi xen canh, đất ruộng Quảng Hạ không thiếu, nhưng không tối ưu hóa, thu nhập cứ bình bình, muốn vươn lên làm giàu từ đất là câu chuyện xa vời. Ổn định thôi chưa đủ, ông Đăng muốn hơn thế.
![]() |
Thu hoạch cây rau má ở Hợp tác xã Vân Trà. |
Mọi thứ thay đổi khi HTX Nông nghiệp Quảng Bình bắt đầu khuyến khích bà con thử sức với mô hình đa canh. “Chi bộ HTX cũng động viên, khuyến khích bà con, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi”, ông Đăng kể. Chính quyền xã Yên Thắng, cùng HTX, mang đến những buổi hướng dẫn kỹ thuật, những bao giống cá, cây chuối đầu tiên. “Bà con làm quen rồi thì mọi thứ ổn định ngay”, ông Đăng cười.
Ông Đăng dẫn chúng tôi ra thăm “cơ ngơi”, vừa đi vừa hồ hởi: “Lúa thì được khoảng hơn 2 triệu đồng/sào/vụ, cá thì được khoảng 6 triệu đồng - 5 triệu đồng/sào, ốc thì được 3-4 triệu đồng/sào”. Tổng cộng, mỗi sào đất giờ cho ông 15 triệu đồng mỗi vụ, cả năm hai vụ là 30 triệu đồng - con số mà ngày trước ông chẳng dám mơ. “Mô hình này dân rất tâm đắc vì nó phù hợp lứa tuổi, công việc hộ gia đình từ độ tuổi 40-50. Khi không đi làm được công ty, ở nhà làm rất phù hợp”, ông vui vẻ. Không chỉ riêng gia đình ông Đăng, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn 5 thôn của HTX Nông nghiệp Quảng Bình cũng đã tích cực chuyển đổi diện tích đất sâu trũng, sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình, như: Lúa - cá; chuối - cá, nuôi ốc nhồi giống - ốc nhồi thịt, nuôi tôm càng xanh, nuôi nhím…, hay các mô hình sản xuất lạc đông, sản xuất và chế biến tinh bột sắn…
Cũng nằm trong xã Yên Thắng, HTX Nông nghiệp Vân Trà cũng chuyển đổi sản xuất thành công. Ông Đinh Xuân Nam, Giám đốc HTX Vân Trà cho biết: “HTX Vân Trà có tổng diện tích đất 335,5 ha, trong đó cấy lúa 310 ha, trồng cây màu các loại 25,5 ha”. Nhưng điểm sáng của Vân Trà không chỉ nằm ở lúa, mà ở những luống rau má đang dần trở thành thương hiệu. “Trước đây mô hình rau má này cũng là tự phát, khi một số hộ xã viên tìm hiểu và lấy giống ở nơi khác về trồng thử”, anh Nam kể. Từ vài luống rau má lẻ tẻ, HTX đã cùng chính quyền xã mở rộng mô hình. Giờ đây HTX có hơn 100 hộ tham gia trên 7 ha đất, thu hoạch được khoảng 200 tấn rau má một năm. “Chúng tôi đã đưa vào thử nghiệm thành công các mô hình mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào khâu chăm sóc, giảm được công lao động”, anh nói. Nổi bật nhất là ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất rau má cho toàn bộ xã viên. Với sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, HTX rau củ quả Vân Trà đầu tư hệ thống máy móc thực hiện sản xuất theo chuỗi, thu mua rau má tươi của nông dân chế biến thành phẩm bột rau má.
Năm 2020, HTX Vân Trà bắt đầu chế biến tinh bột rau má sấy lạnh. Để làm ra 1 kg sản phẩm cần khoảng 10 kg nguyên liệu, với giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Từ năm 2021, cây rau má Yên Thắng đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chứng nhận rau an toàn. Đến tháng 8/2023, sản phẩm này là một trong sáu sản phẩm của huyện Yên Mô đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, giống, HTX còn chủ động đứng ra kết nối thị trường giúp bà con yên tâm trồng trọt. Sự kết hợp ấy đã biến rau má từ cây tự phát thành nguồn sống mới. Việc chuyển đổi mô hình cùng với sản xuất theo chuỗi gần như đã loại bỏ được các yếu tố rủi ro đầu ra, khiến bà con nông dân yên tâm hơn.
Sức sống mới từ đồng đất
Ông Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng, chia sẻ: “Yên Thắng chủ yếu làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực nên liên tục tăng trưởng khá”. Từ diện tích đất canh tác 110,12 ha, HTX Nông nghiệp Quảng Bình và HTX Nông nghiệp Vân Trà đã cùng bà con thử nghiệm nhiều mô hình: Lúa xen cá, chuối xen ốc, rau xen thủy cầm. “Hợp tác xã đã làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban trong việc quy hoạch các vùng chuyên canh, đa canh”, ông Tuấn nhận định.
Ông Đăng là một trong những người hưởng lợi từ sự chuyển mình ấy. “Thường thường, mỗi hộ gia đình theo hộ khẩu triển khai từ mẫu rưỡi đến hai mẫu”, ông kể. Với gần 2 mẫu đất, gia đình ông giờ không chỉ đủ lương thực mà còn có thêm tiền chợ, tiền học cho con cháu. Vườn ao sạch sẽ, môi trường lành mạnh, vệ sinh, ông Đăng cũng cảm thấy yên tâm hơn với quyết định xen canh. Thực tế, việc phá vỡ thói quen canh tác trước kia không hề đơn giản. Ngoài việc phải tăng đồng vốn bỏ ra, nhiều người còn lo ngại đầu ra, công sức dễ “đổ sông đổ bể”. Còn hiện tại, ông Đăng đã không còn lo lắng về những vấn đề đó.
![]() |
Công nghệ mới được áp dụng làm bột rau má ở Hợp tác xã Vân Trà. |
Ngoài rau má, Yên Thắng còn có nhiều mô hình đa canh khác như nuôi thêm thủy cầm, trồng thêm các loại rau. Những mô hình này giúp bà con tăng thu nhập, tận dụng đất đai, biến những vùng trũng, vùng màu thành nguồn sống trù phú.
Dẫu vậy, không phải lúc nào cũng là mùa nắng đẹp. Ông Bùi Ngọc Quyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Bình kể: “Trong tổ chức thực hiện cũng có nhiều yếu tố, nguyên nhân chủ quan, khách quan. Thí dụ như thiên tai, dịch bệnh, rồi vấn đề thời tiết”. Giai đoạn đầu khi áp dụng, nhiều người nản lòng vì công việc bận rộn hơn, đầu ra chưa rõ ràng. Nhưng “nắng mưa là bệnh của trời”, mọi người bảo nhau tìm cách khắc phục. Năm 2024, bình quân thu nhập trên ha canh tác của xã đạt 172 triệu đồng/năm, tăng 23 triệu đồng so với năm 2023.