Từ Đền Hùng nghĩ về Nam Quốc Sơn Hà

Tháng ba nô nức hội Ðền
Là ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay

Bàn thờ Tổ đặt trên núi Hùng, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, Phú Thọ. Ngọn núi Hùng ở bình độ cao 175 mét là điểm cao đột ngột nổi lên trấn thị quần sơn Phong Châu - Bạch Hạc, sau tiếp là ngọn núi Vặn cao 170 mét và núi Trọc cao 154 mét. Cả ba ngọn núi hợp lại thành "Tam đỉnh cấm sơn", ba ngọn núi thiêng từ xưa vẫn được nhân dân thờ phụng.

Ðền Hùng là tên gọi chung cho các tòa đền ở núi Hùng: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Bên đền Thượng có lăng Hùng Vương và xuống chân núi phía đông là đền Giếng thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa.

Ở đền Thượng có đôi câu đối ca ngợi cảnh sắc non sông thật là kỳ thú: "Quá cố quốc, miện Lô, Thao, y nhiên bích lãng hồng đào, khâm đái song lưu hồi Bạch Hạc - Ðăng tư đình, bái lăng tẩm do thị thần kinh xích huyện, sơn hà tự cổ khống Chu Diên" (Qua nước cũ, ngắm Lô, Thao, vẫn hồng đào bích lãng như xưa, sông hai dải bao quanh chầu Bạch Hạc - Lên đền này bái lăng tẩm, kìa xích huyện thần kinh còn đó, núi bốn bên quay lại giữ Chu Diên).

Nhìn lên bức hoành phi uy nghi và tỏa sáng bốn chữ đại tự Nam quốc sơn hà, ngắm cảnh núi sông trước mắt mà bồi hồi nhớ lại những vần thơ, câu chữ cha ông từng ca ngợi: "Giang sơn cẩm tú"; "Giang sơn tú lệ"; ở đền Giếng có bức hoành phi "Sơn thủy kim ngọc" (Non sông vàng ngọc), hàm ý non sông ta, đất nước ta vừa đẹp lại vừa giàu. Một đôi câu đối khác: "Vương đối tác bang, tối hảo trung gian sơn thủy - Dân kim thụ tứ, cái tự thượng cổ thánh hiền" (Vua dựng nước đây, sông núi nơi này tươi đẹp quá - Dân này ơn chịu, thánh thần trao lại tự ngàn xưa).

Tư tưởng chủ đạo, trong bốn chữ Nam quốc sơn hà nơi đền Thượng được bài thơ Lý Thường Kiệt nói lên minh bạch:

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Ðó là nói về chủ quyền dân tộc và còn nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, giữ lấy nước như lời Hồ Chủ tịch: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Thơ Lý Thường Kiệt với những lời "hùng tâm tráng khí" đã nói lên ý chí của nhân dân ta và tinh thần ấy cũng được Nguyễn Trãi nêu cao trong bài văn Bình Ngô đại cáo bất hủ:

Như nước Ðại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Ðinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán, Ðường, Tống Nguyên làm đế một phương.

Tư tưởng "các đế nhất phương" cũng là tư tưởng "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" tự khẳng định, tự ý thức về quốc gia còn được biểu hiện ở nhiều thơ văn Ðền Hùng.

- Cõi Nam riêng một góc trời
Hùng vương gây dựng đời đời nghiệp vua.

- Ngang với đời Ðế Nghi Bắc quốc
Ðức Kinh Dương dựng nước phương Nam...

Câu đối Ðền Hùng cũng nhiều câu biểu hiện tư tưởng "Các đế nhất phương".

- Hai nghìn sáu trăm năm có lẻ, cùng với Ðường, Ngu, Thương, Chu thuở trước ganh đua, Cổ Việt Hồng Bàng rộng mở - Bốn mươi hai đời vua rõ hiệu, vẫn được Ðinh, Lý, Trần, Lê đến nay thờ cúng, Tam hà Ngũ lĩnh cao sâu (dịch Hán văn).

- Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ - Ngô vương ngô thổ Bắc thần tôn (Ðất này núi này là cương vực nước Nam - Vua ta tổ ta, phương Bắc vị nể).

- Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ - Quang phục hiện linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn (Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, Bách Việt non sông theo tổ trước - Núi sáng khí thiêng, cố cung thành đền miếu, ba sông quanh quất hướng chầu vua).

Mỗi câu mỗi chữ như sáng lên hồn thiêng đất nước, biểu hiện mạnh mẽ tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc, chống lại bất kỳ sự xâm lược nào.

Một nội dung quan trọng mà nhiều thơ văn Ðền Hùng đã thể hiện, đó là sự trường tồn của đất nước và sự phát triển của dân tộc. Dân tộc và đất nước là hai nội dung không tách rời của một khái niệm Nam quốc sơn hà.

Ngay ở cổng Ðền Hùng là đôi câu đối:

Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch.
Ðăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn.

(Ðắp móng xây nền, bốn mặt non sông quy gốc cũ.
Lên cao nhìn khắp, trập trùng đồi núi cháu con đông).

Nhà nho Vũ Ðình Khôi về thăm Ðền Hùng mộ Tổ có những câu đối nói lên ước vọng và cũng là điều khẳng định của nhân dân:

Cháu chắt còn, tông tổ hãy còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi.
Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vững bền lâu.

Nhà thơ Tản Ðà thắp hương trên bàn thờ nơi đền Thượng xúc động dâng đôi câu đối:

Có tổ có tông, có tông có tổ, tông tổ tổ tông, tông tổ cũ.
Còn non còn nước, còn nước còn non, nước non non nước, nước non nhà.

Trở lại với những bức hoành phi đền Thượng, ở đây có một số hoành phi mỗi bức mỗi nội dung và tất cả hợp lại sẽ hiện lên ý nghĩa của giỗ Tổ Hùng Vương và của Ðền Hùng, cũng cho thấy tâm tưởng của nhân dân hướng về cội nguồn và tinh thần quật cường "giữ lấy nước" của nhân dân: Triệu cơ vương tích (Vết tích của vua trên nền đầu tiên); Quyết sơ sinh dân (Dân buổi ban đầu); Nam Việt triệu tổ (Tổ muôn đời của người Việt Nam); Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam)...

Hoành phi, câu đối ở Ðền Hùng, thơ Lý Thường Kiệt và lời Hồ Chủ tịch là một, đó là cốt cách và bản lĩnh Việt Nam.

Nguyễn Khắc Xương