UNDP và Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với chuẩn xanh quốc tế

Hiểu và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm rủi ro tuân thủ, mà còn tạo cơ hội đưa sản phẩm xanh, đạt chứng nhận sinh thái, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quốc tế.

Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: HỒNG ĐIỆP)
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: HỒNG ĐIỆP)

Ngày 16/7, hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức quốc tế và viện nghiên cứu đang tham gia chuỗi khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn và sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình do Bộ Công thương phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp” (ACE-Biz), với sự tài trợ từ Chính phủ Hà Lan.

Phát biểu tại sự kiện khai mạc chuỗi khóa đào tạo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn không còn là một khái niệm của tương lai mà là một yêu cầu cấp thiết trong hiện tại”.

l21-4640-5902.jpg
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức quốc tế và viện nghiên cứu tham gia chuỗi khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn và sản xuất. (Ảnh: UNDP)

Ông Haverman cho biết, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững và chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn, mô hình kinh doanh tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội đổi mới, tiết kiệm chi phí và tạo khác biệt trên thị trường. “Do đó, đối với doanh nghiệp, tuần hoàn không chỉ là trách nhiệm mà còn là khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với đại diện UNDP, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công, Bộ Công thương chia sẻ: “Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều áp lực thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định xanh, bền vững của các thị trường quốc tế. Việc áp dụng các mô hình bền vững, tuần hoàn đem lại các lợi ích thiết thực, các cơ hội mới về mở rộng thị trường đối với các sản phẩm xanh, được dán nhãn sinh thái”.

Khóa đào tạo về sản xuất tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn, trong khuôn khổ hợp tác thực hiện Bản tuyên bố chung giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan, được kỳ vọng đem lại các kiến thức hữu ích cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các sáng kiến, thực hành mô hình bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.

Chương trình kéo dài từ ngày 14 đến 18/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu cho lĩnh vực nhựa và dệt may, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

l21-4591-8818.jpg
Các chuyên gia quốc tế tham dự sự kiện khai mạc chuỗi khoá đào tạo. (Ảnh: UNDP)

Các khóa học có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia đến từ Đại học Khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan), và các chuyên gia trong nước từ UNDP, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Viện Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các hiệp hội, các đơn vị tư vấn và các doanh nghiệp sản xuất tiên phong trong thực hành tuần hoàn tại Việt Nam.

Chương trình đào tạo cơ bản tập trung cung cấp thông tin về các chính sách, xu hướng quốc tế và quốc gia như Thỏa thuận Xanh châu Âu (EU Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định về thiết kế sản phẩm bền vững (ESPR) và các hành lang pháp lý trong nước như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cũng như Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn, các chính sách thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành công thương, chương trình hành động quốc gia thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Các khóa học chuyên sâu dành riêng cho ngành nhựa và dệt may tập trung vào các chiến lược thiết kế sinh thái, tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, áp dụng công nghệ tái chế phù hợp (cơ học, hóa học), và phát triển hệ thống logistics thu hồi sản phẩm sau tiêu dùng.

l21-4546-4501.jpg
Bà Fleur Gribnau, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam. (Ảnh: UNDP)

Bà Fleur Gribnau, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết: “Hà Lan tự hào hỗ trợ dự án. Tôi tin rằng chương trình đào tạo sẽ giúp các đơn vị doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với các khung pháp lý quốc tế, tăng cường năng lực chuyển đổi xanh để các sản phẩm trở nên cạnh tranh và có thể xuất sang thị trường châu Âu. Như vậy, chúng ta có thể cùng xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững và toàn diện cho thế hệ mai sau”.

Chương trình đào tạo là một phần trong chuỗi hoạt động hỗ trợ năng lực của Dự án ACE-Biz, giúp doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế, đón đầu xu thế tiêu dùng xanh và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

back to top