“Vầng trăng khuyết” rạng ngời

Cuộc đời đã không mỉm cười với em, nhưng cô gái nhỏ Nguyễn Thị Thanh Hoa (ở Thanh Chương, Nghệ An) đã luôn nở nụ cười tươi, lạc quan và ấm áp. Hơn cả một nghị lực vượt lên hoàn cảnh, cô không chỉ sống cho mình, mà còn mang tiếng cười tỏa lan trong cuộc sống…

“May mắn có mặt trong cuộc đời, em chẳng muốn mình bị lãng quên như hạt cát vô danh”.
“May mắn có mặt trong cuộc đời, em chẳng muốn mình bị lãng quên như hạt cát vô danh”.

Phép màu của yêu thương

“May mắn có mặt trong cuộc đời, em chẳng muốn mình bị lãng quên như hạt cát vô danh”, lời khẳng định ấy, phải chăng chính là động lực để Thanh Hoa vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể trong cuộc sống. Từ năm lên hai tuổi, sau cơn sốt bại liệt, đôi chân Hoa dần teo tóp lại. Bao nhiêu đồ đạc trong gia đình cô phải “đội nón ra đi” để cầu mong một phương thuốc hiệu nghiệm, nhưng chẳng có tác dụng.

Thời gian chậm trôi cùng nỗi khó nhọc của cô gái. Mãi đến năm Hoa học lớp 7, một chương trình phẫu thuật từ thiện đã mở ra cơ hội cho Hoa và gia đình. “Sau ca phẫu thuật đầy đau đớn và hồi hộp, hai tháng sau, cùng với chiếc nạng gỗ, nỗ lực tập vật lý trị liệu, em đã bước được những bước đầu tiên. Rồi bố đã dạy cho em tập đi xe đạp. Sau nhiều ngày, em đã tự đi được. Lần đầu tiên thấy con gái đi xe đạp được một mình, bố em đã hét lên sung sướng. Còn em thì rất hạnh phúc. Phía sau em luôn là bố, mẹ lúc nào cũng cần mẫn, yêu con hết mực, luôn là điểm tựa cho con gái”, Hoa chia sẻ.

Cô với tay lấy tập thơ, có những trang viết thật đẹp về hình ảnh người bố của mình. Nhiều bài trong số đó, được viết bằng niềm xúc động dâng trào trước tình cảm yêu thương vô bờ bến của gia đình, bằng tình yêu cuộc sống và bằng cả… những giọt mồ hôi nhọc nhằn của cô gái có nghị lực sống mãnh liệt. Hoa lật giở từng trang, cô nói, đây là bài em viết về bố năm học lớp 8, đây là bài khi em chuẩn bị đi thi đại học, còn đây nữa, là bài về mẹ…

Không thể không nhắc đến ông Nguyễn Công Sáu, bố cô, người đã cùng con gái vượt lên hoàn cảnh. Ông là người đã khéo léo thu xếp công việc, cùng với vợ nuôi nấng đàn con. Cũng chính đôi bàn tay chai sần của ông đã dìu con gái tập đi những bước đầu đời. Theo ông, con người không chọn được số phận, nhưng có thể làm thay đổi nó. Hiểu nỗi niềm và biết ơn bố đã dìu đỡ trên bao nẻo đường, Hoa đã gửi trọn tâm tư vào bài viết “Ông Bụt của đời con” và đạt giải nhì cuộc thi “Nét bút tri ân” năm 2011. Càng đọc càng thấm thía những suy nghĩ sâu đằm của cô gái trẻ. Ông Bụt mà Hoa biết ơn và kính thương là bố mình. Không có phép màu, cũng chẳng có đũa thần, ông Bụt ấy lấm lem, quanh năm làm việc quần quật với công việc bán nước chè, làm thợ phu hồ, sửa điện… Nhưng tình yêu của ông dành cho cô con gái lớn lao như biển cả, và truyền cho cô con gái “phép màu nghị lực” để cô có thể viết nên ước mơ của mình.

Nghị lực sống mạnh mẽ

Ham học, có năng khiếu văn chương, Thanh Hoa đã không chấp nhận công việc làm đồ thủ công mỹ nghệ ở quê nhà. Cô quyết tâm thi vào Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Bố mẹ Hoa vô cùng lo lắng, nếu con gái phải xa gia đình. Hoa đã thưa: “Con sẽ cố gắng tự làm để trang trải cho cuộc sống”. Ông Sáu nghe con nói mà ứa nước mắt. Rồi ông động viên: “Không có gì là không thể, con nhỉ. Cả nhà mình cùng cố gắng nhé”. Đôi mắt Hoa ánh lên niềm hy vọng.

Hoa đỗ đại học, ông Sáu theo con để chở cô đến trường. Vài tháng sau con gái xin vào ở ký túc xá thì ông về quê. Hoa cố gắng viết lách, cộng tác với các báo, in sách, làm gia sư và “săn” học bổng để có thể tự trang trải tiền sinh hoạt hằng tháng. Tuy vất vả, nhưng cô thấy “cơ thể nghe lời mình”, nên càng cố gắng hơn, đến nỗi phải giấu gia đình chuyện mình đang làm nhiều việc. Thanh Hoa tâm sự: “Em không gặp khó khăn gì trong học tập. Bạn bè cùng lớp rất tốt, đã giúp đỡ cho em nhiểu. Khó khăn là áp lực chi phí ở thành phố. Em làm tháng này để nuôi tháng sau, gối đầu như thế. Và chưa bao giờ than phiền với bố mẹ về tiền nong”.

Cảm phục trước các chị đã giành giải cao trong cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết lần I năm 2013, Hoa đã đăng ký tham gia cuộc thi năm 2015. Với các phần thi tài năng, ứng xử sâu sắc và một khuôn mặt ngời sáng, những câu nói đầy biểu cảm, toát lên nghị lực sống mạnh mẽ, Thanh Hoa đã giành giải cao nhất của cuộc thi. Cô tâm sự rằng, khi tham gia, chỉ muốn được gặp gỡ các chị em phụ nữ khuyết tật và cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, tâm sự về công việc, tình yêu và truyền đi một thông điệp rằng, vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ ở một “cơ thể hoàn thiện”, mà còn nằm ở trí tuệ, sự tự tin và nghị lực. Thanh Hoa bày tỏ: “Trong cuộc thi, chúng em cũng đã cất lên được tiếng nói động viên người cùng cảnh xóa bỏ mặc cảm, vươn lên tự tin sống. Hiện tại em vẫn sẽ tiếp tục làm tốt công việc của Dự án Hỗ trợ sinh viên khuyết tật và chờ đợi tình yêu đích thực tới. Chúng em tin rằng, với những nỗ lực bản thân, chúng em đã làm được những việc có ý nghĩa, nhận được tình cảm của cộng đồng xã hội”.

Ông Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết, chia sẻ: Thanh Hoa là cô gái năng động, tài năng, đã đạt được nhiều giải thưởng trong nghiệp viết lách. Với những nỗ lực bản thân, chúng tôi tin cô sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.

back to top