Về Trường Lâm xem múa lột rắn

Linh Lang đại vương là một trong những vị thánh được thờ tại nhiều di tích nhất ở nước ta, với 269 địa điểm khác nhau, chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên chỉ duy nhất tại lễ hội tưởng nhớ Linh Lang đại vương ở đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) mới có múa lột rắn. Dù làng cổ Trường Lâm nay đã thành phố, thành phường, nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ điệu múa cổ xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Màn múa lột rắn ở Trường Lâm là một nghi thức độc đáo.
Màn múa lột rắn ở Trường Lâm là một nghi thức độc đáo.

Điệu múa rắn lột diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội đình Trường Lâm, trước khi hóa vàng, lúc trời bắt đầu nhá nhem tối. 15 thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh mặc áo trắng, được tuyển lựa kỹ càng, người nọ cầm đai lưng người kia tạo hình thành một con rắn dài, tượng trưng cho "bạch xà nghìn trượng". Người đầu tiên đội mũ hình đầu rắn. Sau tuần dâng rượu thứ nhất, rắn phủ phục trong cung, rồi từ từ trườn ra sân dưới sự điều khiển của giáo đầu. Cả đoàn người rồng rắn nối nhau, uốn lượn tựa như con rắn trườn bò, quăng mình. Rắn phủ phục bên kiệu thánh Linh Lang đại vương, bắt đầu lột rắn lần đầu tiên. Rắn lại trườn bò, quăng mình trong tiếng hò reo của người xem hội. Lúc này, rắn chạm vào người ai thì người đó được xem là may mắn. Trong lúc đó, người giáo đầu cầm trống khẩu, đọc bài vè về Linh Lang đại vương. Kết thúc ba tuần rượu, rắn trở về cung. Lễ hội kết thúc với việc hóa mã, đầu và đuôi rắn cũng được hóa theo.

Đình Trường Lâm là nơi thờ ba vị Linh Lang đại vương, công chúa Đào Hoa và công chúa Phù Nương. Trong đó, Linh Lang đại vương là đức thánh đệ nhất. Tương truyền, Linh Lang đại vương là con trai Long Vương, đầu thai làm con vua Lý Thánh Tông, gọi là Hoàng Lang. Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng Lang xin vua đi đánh giặc. Khi giặc tan, Hoàng Lang hóa thành con bạch xà trăm trượng bò xuống hồ Tây rồi biến mất. Ở nước ta hiện có 269 nơi thờ Linh Lang đại vương làm Thành hoàng. Linh Lang đại vương cũng là một trong các vị thần của Thăng Long tứ trấn. Nghi thức múa lột rắn và lễ hội làng Trường Lâm có từ khoảng thế kỷ 15, cùng với sự hình thành của đình làng.

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Trong các nơi thờ Linh Lang đại vương, chỉ duy nhất đình Trường Lâm có múa lột rắn, đây là tục hèm của lễ hội, thể hiện sự tích về Linh Lang đại vương. Bởi vậy, Hà Nội có nhiều nơi thờ Linh Lang, nhưng lễ hội đình Trường Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018". Còn theo Tiến sĩ Bùi Thế Quân (Phòng Văn hóa-Thông tin quận Long Biên), hình tượng "bạch xà mình dài muôn trượng" trườn bò mang tính biểu trưng và mong ước của người dân trong việc tiêu thoát lũ, trị thủy để có mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, sung túc. Múa lột rắn ở đình Trường Lâm là sự kết hợp giữa huyền tích và nghi thức cộng đồng, đề cao tinh thần chống lại thiên tai, địch họa.

Cụm di tích đình-chùa Trường Lâm đã được công nhận là Di tích quốc gia năm 1992. Trong đó, ngôi đình là một kiến trúc cổ, tòa đại đình có cấu trúc năm gian hai dĩ. Các phần nội thất, đồ thờ tự của ngôi đình được chạm trổ hết sức tinh tế. Những năm qua, đình Trường Lâm nhiều lần được tu bổ. Năm 2022, Ủy ban nhân dân quận Long Biên quyết định đầu tư tu bổ đình Trường Lâm với kinh phí 5,7 tỷ đồng. Các hạng mục chính được tu bổ, tôn tạo gồm: Bóc lớp vữa cũ để trát lại tường đại đình, tả vu, hữu vu, tả môn, hữu môn, tường rào, thủy đình và khu phụ trợ; tôn tạo cổng rước kiệu, sân, đường dạo… Sau một thời gian thi công, các hạng mục chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3/2023. Đặc biệt, dù môi trường xã hội có nhiều đổi thay, nhưng lễ hội vẫn được các thế hệ người dân làng Trường Lâm xưa (nay là các tổ dân phố thuộc phường Việt Hưng) gìn giữ.