Vùng ven đô đi lên từ truyền thống

Một nhà thơ đã từng ví bờ bắc sông Đuống như “vầng trán kinh thành” tỏa sáng, giúp hình dung phần nào sự phát triển của Hà Nội khi mới đến cửa ngõ Thủ đô. Các dự án đang  triển khai nơi đây đã mang lại sự đổi thay mạnh mẽ và nhịp sống hiện đại hơn, nhưng vẫn còn đó những giá trị văn hóa đặc trưng không phai nhạt, tạo nên một nét riêng của vùng đất ven đô văn hiến.

Những tòa chung cư mới đã giúp vùng ven đô Đông Hội mang dáng dấp một đô thị hiện đại.
Những tòa chung cư mới đã giúp vùng ven đô Đông Hội mang dáng dấp một đô thị hiện đại.

Đứng trên triền đê sông Đuống đã được bê-tông hóa với con đường trải nhựa phẳng lỳ, có thể bao quát cả vùng quê Đông Hội của huyện ngoại thành Đông Anh như bức tranh sống động đường nét và sắc màu. Sông Đuống vẫn trôi “một dòng lấp lánh” trong thơ Hoàng Cầm, nhưng thay vào những “xanh xanh bãi mía, bờ ngô” đã và đang mọc lên các cây cầu, con đường, khu chung cư cao tầng, các biệt thự liền kề của vùng đô thị mới điểm xuyết trên nền xanh cây trái và ruộng đồng. 

Bộn bề những lo toan

Đến thời điểm hiện tại, dự án chung cư cao cấp Eurowindow River Park đang triển khai trên địa bàn xã Đông Hội đã bước đầu hoàn thiện được hơn 2.100 căn hộ để đón khoảng 4.000 người định cư tại đây. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ có bốn tòa chung cư cùng hệ thống biệt thự liền kề, shophouse, công trình dịch vụ đi vào hoạt động như một thành phố thu nhỏ của vùng ven đô. Bên cạnh đó, dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia cũng đang triển khai trên một phần diện tích đất của Đông Hội và các xã lân cận, có quy mô lớn bao gồm nhiều khu chức năng và trong tương lai không xa cũng sẽ hình thành một khu đô thị mới. Nối đôi bờ sông Đuống, từ quận nội thành Long Biên sang Đông Hội theo quốc lộ 5 kéo dài và tỏa đi các hướng là ba nhịp cầu Đông Trù dài 1.240 m, xây dựng kiểu vòm ống thép, như con rồng thanh thoát, mềm mại. Cầu mới không những giúp giải tỏa ùn ứ giao thông liên tỉnh từ Hà Nội đi các tỉnh phía bắc và miền đông duyên hải mà còn mang lại những thay đổi nơi cửa ngõ Thủ đô, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế, dịch vụ mạnh mẽ.

Cùng với cầu, nhiều tuyến đường đã được các cơ quan chức năng của Hà Nội quy hoạch qua địa bàn xã Đông Hội, đến với các tỉnh, thành phố phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... Quan trọng nhất là tuyến đường dẫn lên cầu Tứ Liên trong tương lai dài khoảng 2,2 km qua đường Trường Sa bên cạnh các tuyến đường nối đê Phương Trạch với Mai Lâm giao với đường Trường Sa, chạy dài gần hết địa bàn xã và tuyến đường từ đầu cầu sông Ngũ Huyện Khê qua làng Lại Đà... Những con đường rộng mở cũng khơi dậy tiềm năng nơi đây, giúp vùng đất ở đầu mom sông Đuống lọt vào tầm ngắm của không ít nhà đầu tư. Với lợi thế của cửa ngõ chiến lược, cách trung tâm Hà Nội không xa, thuận tiện về giao thông và một quỹ đất còn tương đối dồi dào, Đông Hội phù hợp để phát triển các dự án đồng bộ và hiện đại để trở thành khu vực phát triển mới của Hà Nội. Trong tương lai không xa,  dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn sẽ kết nối khu vực huyện Đông Anh với các quận trung tâm nội thành theo khoảng cách ngắn nhất, tạo nên một trục phát triển mới cùng những cơ hội phát triển về hạ tầng, bất động sản, thương mại cho một vùng đô thị phía bắc Thủ đô.

Thành phố đang mở rộng, dự án nối tiếp dự án và Đông Hội cũng nằm trong xu thế đó, bộn bề những lo toan sự vụ của các cấp chính quyền. Vừa chăm lo sản xuất, xây dựng đời sống kinh tế - xã hội, họ vừa phải giải quyết bao vấn đề quản lý phát sinh từ các khu dân cư mới hình thành cho đến việc vận động giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ và tái định cư phục vụ triển khai dự án khu đô thị mới trên địa bàn xã. Có sáu thôn là: Tiên Hội, Trung Thôn, Hội Phụ, Lại Đà, Đông Ngàn, Đông Trù với số dân gần 10.000 người, việc tiếp nhận người tái định cư từ các dự án đô thị đã và đang tạo không ít khó khăn và cả áp lực quản lý. Tuy nhiên, đó là điều cần thiết và là bước làm quen cho các cấp chính quyền trong mục tiêu đề án phát triển từ xã lên phường. Cách đây bảy năm, xã Đông Hội đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Hà Nội với mức tiêu chí cao và sau đó được huyện Đông Anh lựa chọn thí điểm đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với định hướng đô thị, phát triển từ xã thành phường. Để hoàn thành mục tiêu này, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai. Hầu hết các đường trục chính trong xã đã được mở rộng, đổ bê-tông hoặc trải nhựa khang trang cùng hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch phục vụ sinh hoạt và các vườn hoa, công viên, trung tâm thương mại được xây dựng, nâng cấp đồng bộ như các phường nội thành. Được sự hỗ trợ của huyện Đông Anh, xã đã triển khai dự án cải tạo tuyến đường vành đai tại các thôn, xây dựng địa điểm thu gom rác, xử lý nước thải trên địa bàn, bảo đảm không ảnh hưởng đến các khu dân cư và cảnh quan. Cả ba cấp trường học của xã Đông Hội đều đã đạt chuẩn quốc gia, 100% các thôn đều có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Theo lãnh đạo xã, Đông Hội còn nhiều lắm những việc phải làm với kinh phí đầu tư khá lớn 5 năm tới, trong khi kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao. Cũng vì vậy, bên cạnh sự giúp đỡ từ thành phố và huyện, xã đang thực hiện phương châm xã hội hóa, thu hút những nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế. 

Nền tảng phát triển bền vững

Đi trên những đường làng ở Đông Hội hôm nay có thể cảm nhận rõ rệt đổi thay của vùng đất ven đô, sự tự tin và khí thế lao động, sản xuất về một tương lai tươi sáng. Là đầu mối giao lưu với các vùng miền, lại ngay sát nội thành bên kia sông đang phát triển mạnh mẽ, nhịp sống hiện đại, nếp sống văn minh đô thị đã lan tỏa đến cộng đồng và mỗi người dân nơi đây, nhưng vẫn không làm mất đi những nét riêng vốn có của truyền thống văn hóa. Nhiều đồng chí lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và nhân dân Đông Hội mà chúng tôi đã gặp đều chung nhận thức, muốn phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng văn hóa, biết duy trì và phát huy các giá trị tốt đẹp của một vùng quê văn hiến.

Các làng ở Đông Hội vốn nổi tiếng là đất hiếu học với nhiều người đỗ đạt, thành tài, sau này là các nhân sĩ, trí thức nổi danh một thời hoặc đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cao trong xã hội. Có thể thấy điều đó khi đến thăm Lại Đà, một trong sáu thôn của Đông Hội, nổi tiếng trong xứ Đông Ngàn hay chữ. Có lẽ vì thế mà từ xa xưa, đình làng nơi đây đã được ban thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền làm Thành hoàng làng, vị Trạng nguyên thời nhà Trần đỗ đạt năm mới 13 tuổi, có nhiều công trạng với đất nước, được lưu truyền trong sử sách, dân gian. Ngôi đình khá đồ sộ, vững chãi, có mái đao cong vút mềm mại cùng những nét kiến trúc độc đáo, khác biệt so các đình làng ở các thôn khác trong vùng, trong đó có cổng đình mang biểu tượng hai tháp bút. Nói về ý nghĩa của cổng đình nơi đất thờ Trạng nguyên, ông Nguyễn Phú Đích, Chi hội trưởng Người cao tuổi của thôn cho biết: Các cụ trước đây thiết kế như vậy hàm ý nhắc nhở thế hệ con cháu nuôi chí hiếu học, lấy nhân văn làm trọng, lập thân thành tài để sau này giúp dân, giúp nước. 

Truyền thống hiếu học ấy đã và đang tiếp tục được phát huy trong các tầng lớp nhân dân và trở thành một phong trào khuyến học sâu rộng với quỹ khuyến học có ở cả sáu thôn của Đông Hội. Ý thức trách nhiệm và tinh thần vì cộng đồng thể hiện sâu sắc trong phong trào này với các cách làm hay, sáng tạo. Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà Nguyễn Phú Việt kể với chúng tôi: Những năm trước, học sinh ở Đông Hội và nhiều xã của huyện Đông Anh đã tìm đến Nhà văn hóa thôn Lại Đà để theo học lớp ôn thi miễn phí chuyển cấp lên lớp 10 và thi đại học của anh Nguyễn Tiến Phương, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp. Mô hình lớp học này đã mang lại hiệu quả khi hầu hết học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10, trong đó hơn 70% đạt điểm cao và hơn 50% học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, gây tiếng vang tốt trong dư luận, được chính quyền và nhân dân nhiệt tình ủng hộ.  Sau này, nhiều sinh viên và các bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học quê ở Đông Hội cũng theo gương anh Phương, kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương, tình nguyện góp tay duy trì lớp học cho đến nay, truyền lửa hiếu học cho các thế hệ sau.  

Không chỉ là chuyện khuyến học, cho đến hôm nay, các thôn làng của Đông Hội còn giữ được nhiều tục lệ đẹp được trao truyền qua các thế hệ cùng hệ thống thiết chế đình, chùa cổ kính và các lễ hội đặc sắc. Ngay như mỗi tên làng, tên xóm nơi đây cũng gắn với các huyền tích, giai thoại nhiều ý nghĩa giáo dục truyền thống, phản ánh quá trình đoàn kết đấu tranh cải tạo thiên nhiên, lao động sản xuất để gây dựng cuộc sống cho mình. Trong sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, thay đổi là không tránh khỏi, nhưng đó phải là những điều tích cực dựa trên nền tảng kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc, biết thích nghi, phát triển trong đời sống hiện đại. Những nhận thức đó đã được các cấp chính quyền và nhân dân Đông Hội thể hiện qua thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, cùng nhau bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa hôm nay.