Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh

Áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị tật khúc xạ và đục thủy tinh thể

ND - Với tiêu chí luôn nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý mắt và phòng, chống mù lòa, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh luôn cập nhật những kỹ thuật và thiết bị mới nhằm đem những kỹ thuật cao đến với người bệnh. Mũi nhọn trong công tác điều trị tại bệnh viện là điều trị tật khúc xạ và điều trị đục thủy tinh thể. Ðây là hai lĩnh vực được đầu tư mới thường xuyên về máy móc thiết bị cũng như đào tạo đội ngũ chuyên sâu và chuyên nghiệp.

Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động từ tháng 12-2000, là nơi đi đầu trong cả nước về việc ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật khúc xạ. Với đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên khúc xạ nhiều kinh nghiệm, nhiều máy laser excimer của các hãng thiết bị nhãn khoa hàng đầu trên thế giới, quy trình hoạt động theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (từ năm 2006), Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh tự hào là nơi cung cấp dịch vụ đo, khám và điều trị khúc xạ chất lượng tốt. Từ khi thành lập đến nay, tổng số ca đã phẫu thuật khúc xạ tại khoa là 30.000 ca.

Từ lúc ban đầu chỉ có một máy laser excimer Technolas 217C, bệnh viện đã đầu tư nhiều máy laser excimer thế hệ mới với công nghệ hiện đại hơn, gia tăng sự chính xác, an toàn và chất lượng thị giác phục hồi tốt hơn. Hiện tại, bệnh viện có ba hệ thống laser excimer giúp giảm tải và điều hòa công việc. Hai máy Technolas 217Z100 với chế độ laser phi cầu và laser theo từng cá thể giúp giảm thiểu quang sai và hạn chế nguy cơ rối loạn chất lượng thị giác (chói, lóa đèn) sau mổ, công nghệ nhận diện mống mắt tăng tính chính xác và an toàn khi mổ, kỹ thuật định vị mắt tự động bù trừ chuyển động xoay của nhãn cầu giúp điều trị chính xác độ loạn thị và giảm thiểu quang sai sau mổ. Một máy laser excimer LADARvision 6000 (Alcon, Mỹ) với hệ thống định vị mắt bằng ra-đa tần số 4.000 lần/giây và tính năng tiết kiệm mô có thể điều trị độ cận cao mà không tốn nhiều mô giác mạc. Nhiều loại phẫu thuật khúc xạ đang được áp dụng tại khoa được chỉ định phù hợp theo từng trường hợp cụ thể, giúp bệnh nhân lựa chọn phương pháp thích hợp nhất. Trường hợp thông thường có thể chọn phẫu thuật LASIK với thời gian phục hồi rất nhanh. Trường hợp giác mạc mỏng đã có Epi-LASIK (Bệnh viện Mắt là nơi ứng dụng đầu tiên trong cả nước) hoặc LASEK hay PRK. Trường hợp độ quá cao không điều trị được bằng laser đã có phẫu thuật đặt phakic IOL.

Hiện nay, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao mà ngành nhãn khoa thế giới như: phẫu thuật pha-co, la-de điều trị các tật khúc xạ, đặt van điều trị glô-côm, la-de nội nhãn, ghép giác mạc phiến, phẫu thuật khối u và thần kinh mắt, phẫu thuật pha-co cắt dịch kính, đây là dạng bệnh lý trí thức, chưa phổ cập. Trong năm năm qua, bệnh viện đã giải phóng mù lòa cho gần 40.000 bệnh nhân tại thành phố, các tỉnh và ở hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Hiện bệnh viện đang thực hiện bước tiến mới về đề tài nghiên cứu về ghép tế bào mầm để điều trị những bệnh lý về bề mặt nhãn cầu.

Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh Tiến sĩ Trần Thị Phương Thu cho biết, với máy móc thiết bị chất lượng hàng đầu và đội ngũ phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm, không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh luôn cố gắng đem kỹ thuật cao và dịch vụ chăm sóc mắt tốt nhất cho người  bệnh, góp phần trong việc phòng, chống mù lòa và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Ðức Cung và Võ Thoa