Biến thách thức thành cơ hội

Xuất khẩu được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 12% so với năm 2024. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng có thể đạt được nếu Việt Nam triển khai các giải pháp linh hoạt và kịp thời để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2025, do nguồn cung toàn cầu tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: LÊ TOÀN
Năm 2025, do nguồn cung toàn cầu tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: LÊ TOÀN

Về thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để kích thích tăng trưởng tổng cầu, các chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro, nên nếu áp dụng thì cần phải nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý vĩ mô. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông-lâm-thủy sản chế biến, vốn có tỷ lệ giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp thuần túy; công nghiệp hóa nông nghiệp. Xây dựng trung tâm logistics thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng để kết nối với các cảng biển quốc tế nhằm giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp”.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

(Phát biểu trong buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2025 và giai đoạn tiếp theo trong chiều 24/2/2025)

Đối diện nhiều rào cản

Theo báo cáo tổng hợp của Cục Thống kê, trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so tháng trước; giảm 3,5% so cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,03 tỷ USD. Cụ thể, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so tháng trước và giảm 4,3% so cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 14,1% so tháng trước và giảm 2,6% so cùng kỳ năm trước… Hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu giảm sút trong tháng đầu năm nay khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% trong năm trở nên khá thách thức.

Theo TS Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, căng thẳng thương mại toàn cầu nếu xảy ra sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp thêm các trở ngại mới, đơn cử như việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa ngày một chặt chẽ hơn từ thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó là tác động từ nhiều yếu tố đặc thù trong từng lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Đơn cử như ngành hàng lúa gạo: Theo cập nhật của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2025, giá gạo toàn cầu được dự báo sẽ giảm do nguồn cung dồi dào từ các quốc gia sản xuất lớn và điều kiện thời tiết thuận lợi. Chưa kể, thời tiết chuyển từ El Niño sang La Niña dự kiến sẽ mang lại điều kiện thuận lợi hơn cho các vùng trồng lúa của Việt Nam, góp phần tăng năng suất và nguồn cung. Đồng thời, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ góp phần vào việc tăng xuất khẩu gạo toàn cầu lên 56,3 triệu tấn vào năm 2025. Sự thay đổi chính sách này sẽ tăng nguồn cung toàn cầu… Hệ quả là giá xuất khẩu gạo hiện tại giảm sâu, ở khoảng 150-260 USD/tấn, và rủi ro có thể xảy đến hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếu như vẫn tập trung vào một số thị trường mua với số lượng lớn.

Không riêng gì ngành lúa gạo, lĩnh vực nông-lâm-thủy sản nói chung cũng đối mặt nhiều khó khăn lớn. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) khuyến nghị, thời gian tới thấy rõ xu thế thay đổi về cách thức quan hệ thương mại giữa các nước. Thứ nhất, một số nền kinh tế lớn chú trọng hướng nội, dẫn đến gia tăng bảo hộ thương mại, và xung đột thương mại xảy ra ở một số nơi trên thế giới. Thứ hai, là xu hướng gia tăng các biện pháp mới nhằm quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng để bảo đảm đòi hỏi cao hơn về tiêu dùng nội địa. Đơn cử tại Liên minh châu Âu, mặc dù tiếp tục khẳng định tăng cường quan hệ thương mại song các rào cản thương mại lại tăng thêm từ những tiêu chí cao về môi trường, chống phá hoại rừng, chống đánh bắt cá bất hợp pháp…

Sự thích ứng của doanh nghiệp

Diễn biến trong hai tháng đầu năm 2025 cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã nhận thức rõ khó khăn và sớm lên kịch bản phương án kinh doanh, chủ động ứng phó trước các tình huống bất thường. Nhiều doanh nghiệp còn nắm bắt cơ hội để mở rộng đơn hàng nhờ theo sát diễn biến thương mại thế giới, nhất là tại các thị trường trọng điểm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, hoạt động xuất khẩu đã dần khởi sắc trở lại. Có thể thấy rõ điều này trong hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, cảng biển trên khắp cả nước. Hiện đều đặn mỗi tháng, Vina T&T Group xuất khẩu khoảng 320 tấn sầu riêng, gần 500 tấn dừa sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu được “cơn sốt” sầu riêng tại thị trường Trung Quốc nên đơn hàng luôn dồi dào, doanh thu tăng mạnh.

Đối với mặt hàng dệt may, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, ngay trong những ngày đầu năm 2025, đã có những tín hiệu tích cực về đơn hàng giúp bảo đảm đủ việc làm cho người lao động. Đặc biệt, những đơn hàng của quý II/2025 đã được khách hàng xác nhận. Năm 2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng “hai con số”, May 10 sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, bên cạnh thị trường truyền thống như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Tương tự, số đơn hàng đối với ngành hàng gỗ, da giày… từ các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng tăng lên cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành chế biến lâm sản và xuất khẩu gỗ, ông Trịnh Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Hoàng cho hay, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đã có một số khách hàng từ thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu liên hệ để tìm hiểu, thương thảo… Hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II/2025.

Ngay tại cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư để bàn về triển vọng năm 2025, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn PAN, một đơn vị lớn trong ngành hàng nông-lâm-thủy sản, đã tự tin thông báo: Doanh thu dự kiến của riêng mảng nông nghiệp sẽ tăng

15-20% so năm 2024. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro đã được doanh nghiệp này tính tới. Cụ thể, Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN, đã lên kế hoạch, trong năm 2025, tiếp tục xuất khẩu sản phẩm tôm chế biến đến Nhật Bản, Liên minh châu Âu nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẵn có của Việt Nam. Bên cạnh đó, tự tin vào quy trình sản xuất của mình, cũng như chủ động nắm bắt cơ hội từ việc mặt hàng tôm Việt Nam chứng minh thành công về việc không bán phá giá với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Sao Ta quyết tâm tăng cường xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo TS Tô Hoài Nam, doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng cường khai thác lợi thế từ những FTA được Việt Nam ký kết để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Từ đó, nâng cao năng lực ứng phó trước những biến động về chính sách thương mại của các quốc gia.

Nâng chất và lượng cho hoạt động xúc tiến thương mại

Để duy trì và giữ ổn định cho hoạt động xuất khẩu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2025, các cơ quan chức năng, bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương và hệ thống cơ quan thương vụ tại các nước, đóng vai trò hết sức quan trọng khi trực tiếp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại mà nhiều quốc gia đã và đang triển khai nhằm bảo hộ hàng hóa nội địa.

Nhìn nhận từ góc độ quản lý Nhà nước, theo ông Lương Hoàng Thái, Việt Nam là một trong những nước được cho là hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi, đem lại cơ hội cho Việt Nam nắm bắt được những xu hướng của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Hiện Bộ Công thương đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết tiếp các FTA, cam kết, liên kết thương mại; phối hợp các cơ quan chức năng đàm phán mở thêm các loại hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch vào một số thị trường mới đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu...

Năm 2025 cũng là năm thế giới bước vào giai đoạn thay đổi về chất trong chuỗi cung ứng. Đây là cơ hội lớn đối với những quốc gia hội nhập sâu như Việt Nam trong việc gia tăng hoạt động xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.