TP Hồ Chí Minh:

Bứt phá để dẫn đầu đổi mới, sáng tạo

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước một cơ hội lớn mang tính lịch sử: Trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của đất nước và khu vực. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, việc TP Hồ Chí Minh bứt phá để dẫn đầu kỷ nguyên sáng tạo không chỉ là nhu cầu nội tại, mà còn là sứ mệnh lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh được xem như “mắt thần” giúp phát hiện sớm, xử lý nhanh sự cố giao thông đô thị. Ảnh | MINH QUÂN
Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh được xem như “mắt thần” giúp phát hiện sớm, xử lý nhanh sự cố giao thông đô thị. Ảnh | MINH QUÂN

Động lực then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội

Trong kỷ nguyên số và cạnh tranh toàn cầu, khoa học - công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành động lực trọng yếu, quyết định năng lực cạnh tranh và triển vọng phát triển của một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh.

KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế. Nhờ áp dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp có thể tự động hóa quy trình sản xuất, tối ưu hóa vận hành, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đổi mới sáng tạo tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, mở rộng thị trường và khơi thông những không gian phát triển mới. Trong khi đó, chuyển đổi số giúp tinh giản quy trình, rút ngắn thời gian giao dịch, thúc đẩy kinh tế số - lĩnh vực đã đóng góp khoảng 15,4% GDP cả nước năm 2022 và dự kiến đạt 20% trong năm 2025 này.

Riêng với TP Hồ Chí Minh - địa phương đang đóng góp gần 23% GDP quốc gia và chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách, việc cải thiện năng suất lao động chỉ thêm 1% nhờ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cũng có thể tạo ra giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng bền vững và bao trùm.

KH&CN và đổi mới sáng tạo còn là nền tảng phát triển cho các ngành kinh tế mũi nhọn và kinh tế tri thức như công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất vi mạch bán dẫn, công nghệ y sinh… TP Hồ Chí Minh đang có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất cả nước với hơn 2.000 startup (chiếm gần 50% tổng số startup của cả nước) đang hoạt động và tiềm năng để trở thành “Silicon Valley của Đông Nam Á” nếu tận dụng tốt lực lượng nhân lực chất lượng cao, hệ thống viện - trường mạnh và khả năng kết nối quốc tế rộng mở.

KH&CN và chuyển đổi số cũng là chìa khóa giải quyết các bài toán đô thị đặc thù như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng và áp lực dân số. Việc triển khai hạ tầng giao thông thông minh, quản lý nước, năng lượng, rác thải bằng công nghệ số, phát triển y tế số, giáo dục số và đô thị thông minh toàn diện sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân và năng lực quản trị của chính quyền.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định và chuỗi cung ứng thường xuyên bị đứt gãy, KH&CN giúp tăng khả năng tự chủ về công nghệ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tăng cường nội lực, cải thiện năng lực dự báo, thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài.

Cuối cùng, các lĩnh vực liên quan đến KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang tạo ra hàng loạt việc làm mới có giá trị gia tăng cao, thu nhập tốt và môi trường làm việc năng động. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hơn 50% kỹ năng lao động hiện tại sẽ thay đổi trong vòng 5 năm tới dưới tác động của công nghệ. Nếu trở thành trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực, TP Hồ Chí Minh không chỉ giữ được vai trò đầu tàu tăng trưởng mà còn trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhân tài trong và ngoài nước - một yếu tố quyết định để tạo nên sức bật phát triển dài hạn.

Cần những đột phá chiến lược mang tính nền tảng và dẫn dắt

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm KH&CN và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, TP Hồ Chí Minh cần triển khai đồng bộ nhiều đột phá chiến lược mang tính nền tảng và dẫn dắt.

Trước hết, cần xây dựng một thể chế vượt trội và cơ chế đặc thù cho đổi mới sáng tạo. Với tính chất là đô thị đặc biệt và vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia, TP Hồ Chí Minh cần được trao quyền thí điểm mạnh mẽ hơn nữa, bao gồm áp dụng cơ chế sandbox - cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới và công nghệ mới như AI, dữ liệu mở, blockchain, fintech… Đây là cách mà nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện thành công để tạo không gian cho sáng tạo bứt phá. Đồng thời, cần hoàn thiện môi trường pháp lý thân thiện với startup, đơn giản hóa thủ tục thành lập, đăng ký tài sản trí tuệ, tiếp cận vốn, cũng như áp dụng các ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã trao cho thành phố nhiều quyền tự chủ quan trọng về tài chính, tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý KH&CN, cần được cụ thể hóa và triển khai quyết liệt.

Thứ hai, đầu tư mạnh vào hạ tầng KH&CN và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết. TP Hồ Chí Minh cần hình thành các khu công nghệ cao thế hệ mới, kết nối hiệu quả giữa viện nghiên cứu - trường đại học - doanh nghiệp, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên sâu và các trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI Hub). Bên cạnh đó, hạ tầng số hiện đại như mạng 5G toàn diện, hệ thống Internet vạn vật (IoT), trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) cần được đầu tư đồng bộ. Theo báo cáo năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh sử dụng nền tảng số vẫn dưới 30% - một con số còn khiêm tốn so với tiềm năng và yêu cầu phát triển.

Thứ ba, thu hút và phát triển nhân tài KH&CN phải trở thành ưu tiên chiến lược. Thành phố cần ban hành các chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhà sáng lập khởi nghiệp công nghệ cao - bao gồm mức lương cạnh tranh, cơ hội sáng tạo, môi trường làm việc hiện đại, cũng như hỗ trợ về nhà ở, giáo dục cho gia đình. Ngoài ra, việc hợp tác với các đại học hàng đầu thế giới như MIT, Stanford, Đại học Thanh Hoa… để mở các học viện đổi mới sáng tạo, trường đại học công nghệ tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo lại (reskilling) và nâng cấp kỹ năng (upskilling) cho lực lượng lao động hiện hữu là yếu tố sống còn để thích ứng với làn sóng công nghệ mới.

Thứ tư, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo năng động, kết nối chặt chẽ 4 nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà đầu tư tài chính. Chính quyền thành phố có thể đóng vai trò kiến tạo bằng cách hỗ trợ khởi nghiệp từ giai đoạn ý tưởng đến thương mại hóa, thông qua không gian làm việc chung, vốn mồi, tư vấn pháp lý và kết nối thị trường. Song song đó, nên phát triển các “cụm sáng tạo” (innovation clusters) theo lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ tài chính (fintech), y tế số, giáo dục số, nông nghiệp công nghệ cao… theo mô hình đã thành công tại Hàn Quốc, Israel hay Singapore.

Cuối cùng, cần quốc tế hóa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kết nối mạnh mẽ với các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới như Seoul, Tokyo, Singapore, Tel Aviv và đặc biệt là Silicon Valley. Việc tổ chức diễn đàn đổi mới sáng tạo quốc tế thường niên tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần nâng cao vị thế của thành phố, thu hút thêm dòng vốn đầu tư mạo hiểm, các công ty công nghệ đa quốc gia và chuyên gia quốc tế. Thành phố cần chủ động thu hút FDI công nghệ cao không chỉ ở khâu sản xuất mà cả ở khâu R&D, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Đây chính là cách để hình thành lực lượng sản xuất mới, đồng thời nâng cấp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Bệ phóng cho cả nước

Với năng lực tổ chức mạnh mẽ và nguồn lực dồi dào, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể vươn lên thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ hàng đầu khu vực. Nhưng khát vọng của thành phố không dừng lại ở tăng trưởng nhanh hơn, mà còn ở chỗ dẫn dắt một mô hình phát triển mới: sáng tạo hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn.

Để làm được điều đó, TP Hồ Chí Minh cần đóng vai trò hạt nhân trong kết nối và lan tỏa đổi mới sáng tạo ra toàn vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Thành phố phải chủ động chia sẻ hạ tầng số, dữ liệu mở, nguồn nhân lực chất lượng cao và các chính sách đột phá như một người mở đường, tiên phong thể chế, dũng cảm đổi mới và truyền cảm hứng.

TP Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu, mà còn là bệ phóng cho một Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng.