Cần Thơ xây dựng công trình thủy lợi đa mục tiêu

Với chiến lược dài hạn và phương thức chủ động, thành phố Cần Thơ đang phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, góp phần phòng, chống thiên tai, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sống đô thị và thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu
0:00 / 0:00
0:00
Bờ kè Cái Răng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. (Ảnh NGỌC HÂN)
Bờ kè Cái Răng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. (Ảnh NGỌC HÂN)

Tuyến đê bao khép kín (dài 6 km) dọc sông Phong Điền, kết hợp cống điều tiết và đường giao thông được xây dựng cách đây 10 năm, đang phát huy hiệu quả rõ rệt, từ kiểm soát ngập úng, hạn hán đến xâm nhập mặn và bảo vệ trọn vẹn khoảng 600 ha đất nông nghiệp mỗi năm, giúp người dân yên tâm sản xuất, chuyển đổi vườn tạp sang chuyên canh cây ăn trái có giá trị. Ông Trần Thanh Tuấn, nông dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền chia sẻ: "Có đê bao, nước được điều tiết ổn định, vườn tược không còn bị hư hại. Nhà nước quan tâm như vậy, mình cũng phải ráng giữ đất, giữ vườn".

Trong nội ô thành phố Cần Thơ, nhiều khu vực từng là "túi ngập" trong mùa mưa như hồ Xáng Thổi, khu vực Búng Xáng (quận Ninh Kiều) đã được cải tạo thành hồ điều hòa kết hợp công viên sinh thái.

Theo ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ), thời gian qua, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm mang tính bền vững, phục vụ đa mục tiêu: từ bảo vệ sản xuất, kiểm soát ngập lụt đến hỗ trợ chỉnh trang đô thị. Đến nay, thành phố đã hình thành hệ thống thủy lợi bảo đảm kiểm soát lũ và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, để ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch. Ngoài ra, thành phố còn đầu tư nhiều công trình phòng, chống sạt lở. Bên cạnh các công trình đã đầu tư, thành phố còn khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi liên tỉnh Ô Môn- Xà No, phục vụ gần 19.000 ha đất nông nghiệp. Đây là công trình quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát lũ, ngăn mặn, cải tạo đất, cung cấp nước sinh hoạt.

Mặc dù vậy, công tác thủy lợi tại thành phố Cần Thơ vẫn gặp nhiều trở ngại. Theo báo cáo, năm 2024, thành phố ghi nhận 27 điểm sạt lở, 45 đợt dông lốc, ba đợt triều cường và một đợt mưa đá, gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Nhiều khu vực ven sông chưa có bờ kè kiên cố, hệ thống cống và đê bao cũ đã xuống cấp, khiến công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Tốc độ đô thị hóa nhanh làm diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc điều tiết nước tưới, nước tiêu và cấp nước sinh hoạt. Việc lồng ghép quy hoạch thủy lợi vào quy hoạch đô thị, vùng nguyên liệu và kết nối các ngành vẫn thiếu đồng bộ, dẫn đến một số công trình chưa được vận hành hiệu quả, thiếu đội ngũ chuyên môn tại cơ sở, chưa phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng.

Trước thực trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho biết: Ngành sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi có tính lan tỏa cao, gắn với vùng sản xuất tập trung và các điểm đô thị hóa mạnh; tăng cường ứng dụng công nghệ trong cảnh báo, vận hành, tích hợp dữ liệu khí tượng, thủy văn, triều cường để nâng cao hiệu quả quản lý công trình. Cùng với đó, thành phố sẽ huy động vốn đa ngành, đa nguồn, trong đó có nguồn xã hội hóa, vốn vay ưu đãi ODA, tạo quỹ đất dịch vụ gắn liền với công trình nhằm chủ động cân đối tài chính. Đặc biệt, thành phố xác định lấy người dân làm trung tâm trong quá trình vận hành, bảo trì công trình thủy lợi thông qua hợp tác xã, tổ đội thủy lợi và cơ chế giám sát cộng đồng.

Về lâu dài, Cần Thơ tiếp tục cập nhật kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Trong đó, thành phố lồng ghép thủy lợi vào quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch nông nghiệp, du lịch, ứng dụng công nghệ cao và chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; từng bước xây dựng đô thị sinh thái, phát triển bền vững, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan.